LĂNG ÔNG NAM HẢI TRẦN ĐỀ

23/09/2019 3700 0
Trần Đề là một huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng nằm trên trục giao thông quốc lộ Nam Sông Hậu nối liền thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu. Huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, có 12km bờ biển, với bãi biển Mỏ Ó hoang sơ và xinh đẹp, có cảng biển cá lớn, 03 di tích cấp tỉnh thu hút đông du khách đến tham quan chiêm bái: di tích lịch sử Bia chứng tích chiến tranh ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú; nhà bia ghi tên liệt sĩ ấp Thạnh An 4, xã Thạnh Thới Thuận; chùa Tầm Vu (ôm Pu)… Ngoài ra, huyện còn có các lễ hội đặc sắc như Lễ hội Kỳ Yên ở đình thần Thạnh Thới An, diễn ra vào ngày 15-19 tháng giêng âm lịch hàng năm với lễ thượng điền và hạ điền đều có lễ rước sắc thần, với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát sắc. Đặc biệt là lễ hội Nghinh Ông diễn ra từ ngày 21-23 tháng 3 âm lịch tại Lăng Ông Nam Hải, tọa lạc tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề.

            Trần Đề là một huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng nằm trên trục giao thông quốc lộ Nam Sông Hậu nối liền thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu. Huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, có 12km bờ biển, với bãi biển Mỏ Ó hoang sơ và xinh đẹp, có cảng biển cá lớn, 03 di tích cấp tỉnh thu hút đông du khách đến tham quan chiêm bái: di tích lịch sử Bia chứng tích chiến tranh ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú; nhà bia ghi tên liệt sĩ ấp Thạnh An 4, xã Thạnh Thới Thuận; chùa Tầm Vu (ôm Pu)… Ngoài ra, huyện còn có các lễ hội đặc sắc như Lễ hội Kỳ Yên ở đình thần Thạnh Thới An, diễn ra vào ngày 15-19 tháng giêng âm lịch hàng năm với lễ thượng điền và hạ điền đều có lễ rước sắc thần, với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát sắc. Đặc biệt là lễ hội Nghinh Ông diễn ra từ ngày 21-23 tháng 3 âm lịch tại Lăng Ông Nam Hải, tọa lạc tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề.

Mẹ Nam Hải tại Lăng Ông– ảnh Quốc Quân

     Tương truyền rằng, ngày xưa ông Nguyễn Văn Đôn, ngụ tại rạch Mù U sinh sống bằng nghề đóng đáy, vào một hôm đi cuốn đáy như mọi ngày, ông phát hiện đáy của ông dính một con cá Ông (cá voi) rất lớn, đã lụy (nghĩa là đã chết). Ông Đôn đã mang cá Ông về chôn cất đàng hoàng và để tang cho cá Ông. Sau một thời gian, ông Đôn lấy cốt cá Ông lên và lập lăng thờ tại rạch Mù U, nay thuộc huyện Cù Lao Dung.

Lăng Ông Nam Hải – ảnh Quốc Quân

     Lăng Ông tồn tại từ rất lâu, trải qua hơn sáu đời người trong Ban quản trị. Trong thời kỳ chiến tranh và bom đạn ác liệt, lăng Ông được dời về vàm Bãi Giá, ấp Chợ, xã Trung Bình, huyện Long Phú. Sau một thời gian có trận bão lớn, sóng mạnh đã ập vào làm lăng Ông bị hư hại. Vì thế, Lăng Ông phải di dời thêm lần nữa và xây dựng lại vào năm 1992 tại vị trí hiện tại, hướng về phía Đông của biển. Lăng Ông đã trải qua sáu lần trùng tu, sửa chữa đến ngày 06/11/2001, được trùng tu và xây dựng trang hoàng, kiên cố như bây giờ, với diện tích hơn 3.000 m2

     Còn theo lời kể của ông Từ - Ban quản trị, khi dời về cảng Trần Đề được một thời gian thì một hôm có trận sóng to gió lớn nổi lên suốt ba ngày đêm người dân ở đây phát hiện thấy xác một con cá Ông lụy trôi dạt vào bờ, nên vớt lên và chôn cất theo nghi thức rất tôn nghiên. Hiện nay, lăng Ông Nam Hải đã cất giữ hơn 8 bộ xương cá Ông lớn nhỏ.

    Từ cổng chính đi vào, phía trên là 2 hàng chữ được khắc trang trọng “Nam Hải Mộ Trì Bá Tánh Hưởng An Cư - Việt Nam Độc Lập Nhân Dân Đồng Lạc Nghiệp”, với ý nghĩa thần Nam Hải cá Ông sẽ phù hộ cho tất cả mọi người lập nghiệp thành công và có cuộc sống vui tươi bình an và hạnh phúc ấm no.

     Chính giữa khuôn viên của lăng Ông là một bức tượng Phật Bà Quan Âm rất to, trang nghiêm (bà con gọi là tượng Mẹ Nam Hải) đứng nhìn về hướng Nam của biển. Bức tượng được xây dựng vào năm 2007 và tổ chức cúng vào ngày 19 tháng 10 âm lịch hàng năm. Đây là bức tượng Mẹ Nam Hải lớn được người dân thờ cùng với lăng Ông Nam Hải.

      Kiến trúc bên trong lăng ông Nam Hải gồm có 3 gian: gian giữa chính điện lăng thờ Ông Nam Hải, cột được điêu khắc nghệ thuật hình rồng. Bên trong có hai chiếc xương sườn của cá Ông mắc cạn được người dân mang về thờ đến tận bây giờ. Phía sau lư hương là sọ cá Ông được đặt trang trọng trên mảnh vải đỏ cùng với bức ảnh cá Ông. Cá Ông ở đây là loài cá voi lưng xám mà theo người dân chính là thần Nam Hải. Ngoài ra, còn có hình ảnh một cây đao được đặt hai bên ngay sau sọ cá Ông, tượng trưng cho cá Đao loài cá lớn luôn bảo vệ và hộ tống cá Ông đến nơi an toàn, dân gian gọi là cá Đao phò cá Ông. Mô hình những chiếc thuyền đã được các nghệ nhân làm nên để mô phỏng những chiếc thuyền ra biển gặp nạn và được cá Ông cứu sống. Bên trái, thờ những người từng làm trong Ban quản trị lăng Ông Nam Hải cùng với tủ trang phục phục vụ cho lễ hội Nghinh ông. Bên phải là thờ tiên sư, ông tổ của nghề biển và cả trên bờ.

      Ngoài ra, còn có gian cổ miếu thờ Bà Chúa Động và gian thờ Bà Thủy. Hai bà chúa này được cúng hàng năm vào ngày 25 tháng 2 âm lịch. Gian này phối thờ hai vị thần với lăng Ông thể hiện lòng thành kính của ngư dân, mong bà giúp đỡ người dân đi biển gặp nhiều may mắn. Bên ngoài khuôn viên là những ngôi miếu nhỏ thờ Thần Tài, Thổ Địa…

     Đối diện với lăng Ông là “vỏ ca” sân khấu để phục vụ lễ hội Nghinh Ông, tổ chức các hội đờn ca tài tử, hát bội phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí người dân và du khách thập phương thưởng thức các tiết mục văn hóa văn nghệ độc đáo. Lễ hội Nghinh Ông được xem là một lễ hội truyền thống của ngư dân vùng biển. Theo tín ngưỡng lâu đời, tục thờ cá Ông là một nét đặc sắc trong đời sống tâm linh, vì cá Ông là một vị thần giúp ngư dân vượt qua những phong ba bão tố, mang lại mùa hải sản bội thu. Để tỏ lòng kính trọng và cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, hàng năm lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào ngày 21-23 tháng 3 âm lịch tại vùng biển Kinh Ba, huyện Trần Đề. Vào ngày hội, các ghe thuyền được trang hoàng lộng lẫy cùng các vật cúng như heo quay, trái cây, nhang, đèn, xôi, gà… tập trung ra cửa biển làm lễ rước Ông vào. Trước và trong lễ hội, tại lăng Ông còn tổ chức các đêm hát bội, các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao sôi nổi thu hút đông đảo người tham gia. Lễ hội kết thúc với việc đưa tàu thuyền ra biển khơi trong niềm hân hoan, tin tưởng của mọi người. Do đời sống người dân ngày càng khấm phá, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao nên các hình thức sinh hoạt lễ hội ngày càng đa dạng, trước khi tiến hành nghi thức chính thức thì những ngày trước đó các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi: kéo co, bóng đá, nghệ thuật hát cúng cầu an.

     Lăng Ông Nam Hải là nơi dân cư tập trung cúng bái, thể hiện sự tín ngưỡng, không chỉ ở địa phương mà còn lan rộng đến nhiều vùng miền khác. Đến với Trần Đề, tìm hiểu về văn hóa lịch sử địa phương, ngoài Lăng Ông Nam Hải, còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn không kém như cảng cá Trần Đề, nhìn những chuyến tàu chở đầy ắp cá tôm đang cập bến, hay dọc đường xuống cảng là cảnh người dân phơi khô vào dịp Tết Nguyên đán, đến bãi biển Mỏ Ó vừa thưởng thức hải sản sống, vừa ngắm nhìn hoạt động đạp mong tại đây. Sau đó, tiếp tục trải nghiệm cuộc hành trình du ngoạn Côn Đảo bằng tàu cao tốc Superdong. Khi về mua thêm đặc sản làm quà cho người thân như bánh phồng tôm, khô thịt heo, khô tép xẻ, các loại hải sản tươi, khô các loại…/.

Tân Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu