Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, tối 14/11, tại chùa Kh’leang (thành phố Sóc Trăng) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp Ban quản trị chùa tổ chức phục dựng Lễ Cúng Trăng theo nghi thức truyền thống của đồng bào Khmer. Tham dự Lễ có Trưởng lão Hòa thượng Tăng Nô, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Kh’leang; đồng chí Nguyễn Thị Huệ Chi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đồng chí Lâm Hoàng Mẫu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đồng chí Vũ Thị Hiếu Đông - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Sơn Pô - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh, thành phố; các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăn sinh, Achar cùng đông đảo bà con và học sinh Trường PTTH Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương.
Quang cảnh sân Lễ cúng trăng
Lễ cúng trăng được tổ chức vào đêm 15 tháng 10 âm lịch hàng năm, để tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu, đồng thời có ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng, thể hiện khát vọng và tình yêu thương giữa con người đối với con người và con người đối với thiên nhiên.
Ý nghĩa về tâm linh được thể hiện qua các vật cúng và vật trang trí như: Hai cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho “Vành đai vũ trụ”, chiếc bàn tượng trưng cho “Trái đất”, 2 cây mía tượng trưng cho “sự sinh sôi, nảy nở”, 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho “12 tháng trong năm và 12 con giáp”… và một số bánh kẹo, khoai củ, cốm dẹp để cúng dâng, tưởng nhớ đến công ơn Thần Mặt Trăng vốn được người Khmer coi là thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, giúp cho con người làm ăn phát đạt trong năm mới.
Đại biểu dâng hương tại bàn lễ vật cúng trăng
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Sơn Pô - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Lễ Cúng Trăng là phong tục truyền thống góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Qua đó, còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách dân tộc, phát huy tiềm năng thế mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội.
Sau phần đại biểu thắp hương cầu nguyện, các vị sư bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, cầu phúc và tiến hành nghi thức đút cốm dẹp cho trẻ nhỏ, thanh thiếu niên… kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bão trong cuộc sống. Kết thúc nghi lễ đút cốm dẹp, mọi người cùng thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem các nghệ nhân Khmer tái hiện hoạt động làm cốm dẹp của đồng bào Khmer./.
Lý Thị Phương