Ngọt thơm bánh pía

08/08/2024 228 0

Sóc Trăng là vùng đất cộng cư cả ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa với những nét văn hóa đặc sắc, không chỉ thể hiện ở những công trình kiến trúc, ở những loại hình văn hóa, nghệ thuật mà còn ở ẩm thực. Nhắc đến ẩm thực Sóc Trăng, nổi tiếng nhất chắc chắn là chiếc bánh pía. Vào năm 2020, nghề làm bánh pía cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

    Cơ sở bánh pía Mỹ Anh ở ấp Thọ Hoà Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã có 24 năm sản xuất bánh pía. Bước vào khu vực xưởng, mùi thơm của bánh mới ra lò, của các loại nhân bánh đã lan trong không gian. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này có khoảng 30 nhân công làm việc, nhưng vào lúc cao điểm, số lượng nhân công tăng gấp đôi để kịp hoàn thành các đơn hàng.


Công đoạn làm da bánh pía

 

    Công đoạn đầu tiên trong quá trình hình thành một chiếc bánh pía là nhồi bột tạo vỏ bánh. Chỉ những người thợ lành nghề, có nhiều năm kinh nghiệm mới được giao thực hiện phần việc này, bởi nó quyết định sự thành bại của một chiếc bánh.

    Theo bà Thái Thị Mỹ Nhung, chủ cơ sở bánh pía Mỹ Anh, những người thợ chuyên nghiệp mới được cho đập da để bánh có nhiều lớp. Bánh pía có từng lớp da, phải là thợ có tay nghề thì mới lên được từng lớp da bánh như vậy”.

    Bánh pía ban đầu chỉ có nhân đậu xanh. Trong quá trình phát triển, theo thị hiếu của người dùng, bánh pía dần đa dạng hóa các loại nhân, thêm vào trứng muối, sầu riêng, rồi thay đậu xanh bằng khoai môn, rồi có thêm bánh pía kim sa, bánh pía lá dứa…

    Pía có nguồn gốc từ tiếng Triều Châu, có nghĩa là bánh. Ngoài cái tên bánh pía, nhiều người còn gọi chiếc bánh này là bánh lột da, vì phần vỏ bánh có nhiều lớp da mỏng chồng lên nhau.

    Để có được chiếc bánh thành phẩm vừa ngon vừa đẹp, từng công đoạn trong quy trình làm bánh đều quan trọng, nhưng theo bà Thái Thị Mỹ Nhung, công đoạn khó nhất là nhồi da bánh. Nếu nhồi da không tốt thì bao nhân lại bánh bị bể, không ra được chiếc bánh ngon và đẹp”.

    Tại Sóc Trăng hiện có trên dưới 40 cơ sở sản xuất bánh pía, tập trung nhiều lò bánh nhất là ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, với cái tên Vũng Thơm lẫy lừng làng bánh pía. Nhiều cơ sở đã có hàng chục năm làm nghề.

    Ngày nay, đa số các lò bánh đều đã hiện đại hóa dây chuyền làm bánh với các thiết bị máy móc thay thế cho sức người. Điều này giúp sản xuất được số lượng nhiều trong thời gian ngắn, đặc biệt vào lúc cao điểm của mùa bánh, thường là khoảng 1 tháng trước Tết Trung thu. Tuy nhiên, theo chủ cơ sở, bánh pía làm thủ công vẫn được đánh giá cao hơn về hương vị và cũng đòi hỏi cao về tay nghề của người thợ. Có những người gắn bó cả đời với nghề bánh, coi đó không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là niềm đam mê, là tình yêu gửi gắm trong món ăn ngọt ngào này.


Bánh pía vừa ra lò

 

    Năm 2020, nghề làm bánh pía của người Hoa ở xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như một sự vinh danh xứng đáng cho làng nghề.

    Bà Thái Thị Mỹ Nhung chia sẻ: “Tôi rất vui khi làng nghề mình được Nhà nước công nhận. Mình càng phải cố gắng quyết tâm làm ra những chiếc bánh chất lượng, giữ được lòng tin của người tiêu dùng”.

    Từ một món bánh ngọt được làm thủ công, phục vụ cho nhu cầu từng gia đình, phổ biến trong một cộng đồng người, chiếc bánh pía Sóc Trăng ngày nay đã nổi tiếng gần xa, đến với nhiều quốc gia, chinh phục nhiều người say mê ẩm thực trên toàn thế giới. Và nhiều thế hệ người thợ vẫn miệt mài viết tiếp câu chuyện về bánh pía.

Hà Phương

Nguồn:https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54367&id=300024&catname=Du-lich---Dia-danh&title=Ngot-thom-banh-pia

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu