Tỉnh Sóc Trăng có sự cộng cư, giao hòa của 3 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo về lối sống, cách sinh hoạt, ẩm thực, kiến trúc... Đây chính là những lợi thế, tiềm năng lớn giúp du lịch Sóc Trăng khẳng định được bản sắc riêng của mình.
Đồng bào Khmer chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh. Người Khmer Sóc Trăng có truyền thống văn hóa từ lâu đời với phong tục tập quán, các điệu múa dân gian, kiến trúc chùa, nghề truyền thống… Nét văn hóa đa dạng này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của tỉnh, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.
Kiến trúc độc đáo, nét đặc trưng riêng của 93 chùa Khmer đã trở thành những điểm đến thu hút du khách hàng đầu khi đến Sóc Trăng. Nổi bật là chùa Mahatup (chùa Dơi) - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia với nét độc đáo là hàng trăm con dơi treo mình trên những cành cây trong khuôn viên chùa; chùa Kh’leang - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận đầu tiên tại tỉnh Sóc Trăng; chùa Som Rông - với điểm nhấn là tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam; chùa Srô lôn (chùa Chén Kiểu) - “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 ấn tượng Việt Nam năm 2022”, do độc giả Tạp chí Sài Gòn Tiếp thị bình chọn…
Chùa Srô lôn (chùa Chén Kiểu)
Phong tục lễ hội của người Khmer chứa đựng rất nhiều yếu tố văn hóa, bao gồm những giá trị xã hội, đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật. Các lễ hội nổi tiếng như Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sen Dolta (Lễ cúng ông bà), Lễ hội Thak Côn (Lễ cúng dừa) đặc biệt là Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo hằng năm đều thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác nhận lập kỷ lục về số lượng đội ghe ngo và số lượng vận động viên đua ghe ngo nhiều nhất Lễ hội Oóc Om Bóc tính từ năm 2005 đến nay.
Nghệ thuật truyền thống của người Khmer có tính sáng tạo cao và mang đậm các giá trị văn hóa, xã hội và tính cộng đồng, rất phù hợp trong việc khai thác phát triển du lịch. Đáng kể nhất là loại hình văn hóa phi vật thể như nghệ thuật sân khấu Rô băm, Dù kê và các loại hình múa dân gian như Rom vong, Sarawan, Sa dăm… đều để lại dấu ấn đặc sắc trong lòng du khách khi một lần được thưởng thức. Bên cạnh đó, ẩm thực của đồng bào Khmer rất đặc sắc với các món ăn hấp dẫn như bún nước lèo, bánh cống, canh sim lo, bánh ống, bánh gừng… trong đó, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đã công nhận món bún nước lèo và bánh cống Sóc Trăng vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; năm 2023, món bún nước lèo Sóc Trăng còn được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là món ăn đặc sản. Điều này nói lên rằng, các món ẩm thực của người Khmer Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn tầm ra quốc tế. Về trang phục, nét đẹp trong trang phục truyền thống của người Khmer cũng là điểm hấp dẫn đối với du khách gần xa. Ngoài ra, người Khmer còn có các nghề truyền thống như đan đát, vẽ tranh trên kiếng ở huyện Châu Thành cũng là những điểm tham quan hấp dẫn.
Bản sắc văn hóa độc đáo của người Hoa ở Sóc Trăng đã tạo những điểm tham quan du lịch nổi bật, sản phẩm du lịch độc đáo qua các công trình đình, chùa, tín ngưỡng, hoạt động nghệ thuật, nghề truyền thống… Nhiều ngôi chùa của người Hoa góp phần vào sự đa dạng du lịch tâm linh của địa phương, thu hút du khách như chùa La Hán, Hòa An Hội Quán (thành phố Sóc Trăng), Thiên Hậu Cổ Miếu (thị xã Vĩnh Châu)…
Sinh hoạt văn hoá, văn nghệ truyền thống của người Hoa có nhiều thể loại như hát, múa, hài kịch... với nhiều loại nhạc cụ như tiêu, sáo, các loại đàn (tỳ bà, nhị, nguyệt...)... Loại hình nghệ thuật sân khấu tiêu biểu nhất của người Hoa Sóc Trăng là loại hình ca kịch, tiêu biểu là Đoàn ca kịch Triều Châu - Châu Quang của cộng đồng người Hoa ở thị xã Vĩnh Châu. Đoàn ca kịch này do Hội Châu Quang ở Vĩnh Châu thành lập với ý nghĩa phục vụ văn nghệ cho cộng đồng và lưu giữ, phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Hoa. Trong những năm qua, cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng cũng đã duy trì và khôi phục các ban nhạc cổ, các loại hình ca múa dân tộc, đội múa lân - sư - rồng… thường xuyên hoạt động phục vụ đông đảo đồng bào trong tỉnh cũng như du khách gần xa.
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng
Người Hoa ở Sóc Trăng còn có nghề làm bánh pía trứ danh ở vùng Vũng Thơm (huyện Châu Thành). Làng nghề làm bánh pía ở Vũng Thơm được xác nhận là đã có từ khoảng 80 - 100 năm. Ngày nay, dọc theo Quốc lộ 1A tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành có nhiều cơ sở sản xuất bánh pía, trong đó nổi bật nhất là cơ sở Tân Huê Viên, vừa là điểm du lịch vừa là điểm dừng chân, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm. Tháng 9/2020, nghề làm bánh pía được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh Sóc Trăng, người Kinh đóng vai trò quan trọng với những nét riêng về bản sắc văn hóa, đóng góp tích cực trong việc phát triển du lịch của tỉnh. Các ngôi chùa nổi tiếng có lượng lớn du khách tham quan như chùa Quan Âm Linh Ứng, Thiền Viện Trúc Lâm… Nghệ thuật dân tộc Kinh rất phong phú và đa dạng, các loại hình nghệ thuật của người Kinh có thể khai thác phát triển du lịch như đờn ca tài tử, hoạt cảnh cải lương, múa nón... Về ẩm thực, các món ăn của người Kinh rất phong phú và đa dạng, tiêu biểu là các món ăn đồng quê, dân dã như canh chua cá ngát, cá rô kho tộ, thịt trâu kho tương, năn xào thịt bò…
Tuy mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng, nhưng tổng thể hòa thành bản sắc văn hóa chung của tỉnh. Việc khai thác những tiềm năng và thế mạnh từ bản sắc văn hóa độc đáo của 3 dân tộc anh em để phát triển du lịch Sóc Trăng đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa, một mặt vừa giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa, mặt khác tạo được sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, con người Sóc Trăng.
GH
Nguồn:https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54367&id=300037&catname=Du-lich---Dia-danh&title=The-manh-du-lich-Soc-Trang-tu-ban-sac-van-hoa-doc-dao-cua-3-dan-toc