Trong các loại hình biểu diễn nghệ thuật của người Khmer múa là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng quan trọng, là sản phẩm tinh thần độc đáo trong sinh hoạt cộng đồng nên được nhiều nghệ nhân sáng tạo ra các tác phẩm công phu và khéo léo. Người Khmer có 2 loại hình múa tiêu biểu: múa sinh hoạt cộng đồng (hay gọi múa dân gian) và múa sân khấu cung đình. Nếu như múa cung đình khoa học, uyên thâm, trang trọng và mang nét cổ kính thì múa dân gian là sự kết hợp hài hòa với những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có tính chất hóm hỉnh. Loại hình múa dân gian bắt nguồn từ lao động động sản xuất, được gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng phum, sóc của người Khmer ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tiêu biểu là tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.
Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh biểu diễn múa Rom Vong phục vụ khách
Múa Rom Vong, còn gọi là múa Lâm Thôn, là một điệu múa không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Khmer, với các động tác khá đơn giản, dễ múa nên thu hút nhiều người cùng tham gia, không phân biệt nam, nữ, tất cả mọi người đều có thể múa được, thể hiện tính cộng đồng cao. Những chàng trai, cô gái Khmer từ khi còn khá nhỏ đã được ông, bà, được cha, mẹ truyền dạy lại các điệu múa vào những dịp lễ, tết, sinh hoạt văn hóa…Sự kết hợp hài hòa giữa chân và tay tạo nên những động tác nhịp nhàng, uyển chuyển cuốn hút người xem. Các động tác của người nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng, còn đối với nam thì đầy mạnh mẽ, khỏe khoắn, hai tay luôn dang rộng hơn để vừa múa vừa bảo vệ người bạn gái của mình.
Cùng với nghệ thuật sân khấu Dù Kê, nghệ thuật sân khấu Rô Băm, múa Rom Vong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đã trở thành những tài sản, di sản quý báu cần tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật để lưu truyền cho thế hệ mai sau và phục vụ cho khách du lịch mỗi khi đến Sóc Trăng./.
Tân Trang