Ý NGHĨA LÌ XÌ ĐẦU XUÂN

15/02/2023 492 0

             Lì xì là tục lệ mừng tuổi quen thuộc và không thể thiếu của người Việt trong mỗi độ tết đến, xuân về. Từ “lì xì” có gốc từ chữ “lợi thì'”, “lợi thị” hay “lợi sự” trong tiếng Trung Hoa. Dù được gọi với tên gọi nào, lì xì cũng mang nghĩa là tiền may mắn, điều lành, điều tốt… cho trẻ em và mọi người trong dịp đầu Xuân.

            Theo tục lệ dân gian, “lì xì'” là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì màu đỏ thắm có trang trí màu vàng son rực rỡ và hoa văn mang điềm cát tường, tài lộc... để tặng cho trẻ khi mừng tuổi người lớn. Và người ta tin rằng dù nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng được phát tài, phát lộc... Với ý nghĩa tốt đẹp nên phong tục lì xì trong ngày Tết được giữ gìn và duy trì cho đến ngày nay.

           Hằng năm, cứ đến giao thừa hay vào sáng ngày mùng 1 Tết thì con cháu trong nhà quây quần bên ông bà, cha mẹ cùng bày bánh, mứt lên bàn thờ và thắp nhang cho tổ tiên. Tiếp đến, con cháu lần lượt chúc tết, chúc thọ ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ cho bao lì xì. Bên trong đựng tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.

Lì xì đầu năm

           Ý nghĩa chính của việc lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là lộc đầu năm. Việc lì xì cho trẻ con trong dịp đầu năm mới thể hiện sự quan tâm, lời động viên và lòng mong ước cho con, cháu ngoan ngoãn, khẻo mạnh, học giỏi... Người già được con cháu lì xì thể hiện lòng tôn kính, yêu thương, lời chúc thêm phước, thêm thọ. Vì thế, lì xì làm cho ngày Tết cổ truyền của người Việt trở nên đẹp hơn, đầm ấm và có ý nghĩa hơn. Điều hay của phong bao lì xì chính là nét đẹp tượng trưng cho sự kín đáo, tránh được sự so bì không vui trong ngày tết. Đối với trẻ con, niềm vui được mặc quần áo mới, khoanh tay chúc Tết mừng tuổi người lớn và nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm mới là một cái Tết đúng nghĩa.

             Việc lì xì mừng tuổi không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà liền suốt ba ngày đầu của năm mới và có thể kéo dài đến hết ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng.

            Tục lì xì ngày nay không còn gói gọn trong phạm vi gia đình, mà nét đẹp này dần được mở rộng và ngày càng lan toả. Bạn bè, đồng nghiệp cũng lì xì cho nhau, cấp trên lì xì cho nhân viên… với lời cầu chúc năm mới tấn tới, phát tài, phát lộc, may mắn chan hòa.  Người cho và người nhận, ai cũng được hưởng lộc may và không khí Tết như thêm rộn rã hơn khi cầm trong tay phong lì xì đỏ thắm. Ngày nay, bao lì xì đỏ thắm không chỉ xuất hiện trong dịp tết mà cả trong lễ mừng công, mừng thọ, tiệc cưới... như lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè của mình.

Mai vàng ngày Tết

           Lì xì là truyền thống, phong tục đẹp, thể hiện sự yêu mến, quý trọng của mọi người dành cho nhau. Lì xì không quá nặng về giá trị vật chất mà chứa đựng giá trị tinh thần với những lời chúc tốt đẹp, những mong muốn mà người lớn gửi gắm tới trẻ. Do vậy, người lớn cần giúp cho trẻ biết trân trọng khi nhận lì xì từ người lớn, hiểu đúng ý nghĩa của việc lì xì, chứ không đơn thuần là số tiền mà trẻ nhận được trong phong bao đó. Cũng như cha mẹ của trẻ cần hướng cho trẻ cách giữ gìn, sử dụng tiền lì xì sao cho đúng, có ý nghĩa thiết thực.

           Bao lì xì đỏ thắm cùng với bánh mứt, hoa kiểng và người thân sum họp tạo nên một hình ảnh rực rỡ, đầm ấm, mang đậm tính truyền thống về ngày Tết cổ truyền của người Việt. Hình ảnh ấy sẽ đi sâu vào tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là đối với trẻ con. Với người lớn, đó là niềm hạnh phúc khi chứng kiến con cháu đón nhận lời chúc may mắn của mình, là niềm vui khi cảm nhận được tình cảm nồng ấm mà các thành viên trong gia đình truyền cho nhau qua những phong lì xì. Lộc năm mới không ở đâu xa, lộc xuất phát ngay từ niềm hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình cảm nhận được khi trao và nhận phong bao lì xì mừng tuổi./.

                          Kim Phương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu