“Đua ghe Ngo trên cạn” môn thể thao độc đáo trong lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc ở huyện Long Phú xưa

17/02/2023 451 0

       Từ rất xa xưa Ghe Ngo đã trở thành vật thể truyền thống thiêng liêng gắn liền với đời sống tâm linh của người dân tộc Khmer Nam bộ. Theo truyền thuyết dân gian kể rằng, cách đây khoảng 700 đến 800 năm về trước đã có Ghe Ngo. Trong Kinh Phật được ghi chép trên lá Buông có ghi: ngày xưa các nhà sư ở chùa đi khất thực rất xa phải băng qua những cánh đồng lớn, qua rừng bởi khi ấy nhà của người dân định cư rãi rác thưa thớt ở những nơi xa xôi, heo hút, đường đi lại rất khó khăn, rừng rú lại có thú dữ nên người dân Phật tử Khmer thường tổ chức đưa nhà sư về chùa bằng đường thủy. Ban đầu thường dùng cây tre kết thành bè nên di chuyển rất chậm, dần về sau được người dân cải tiến bằng một loại ghe độc mộc dùng cây để làm ghe được người dân đốn từ rừng là những cây lớn, bền chắc như: cây sao, dên, thao lao đem về đục khoét ruột cây để tạo dáng thành một chiếc ghe giống hình một con rắn và được chạm trổ khéo léo hoặc vẽ vẩy rồng, rắn theo mô tuýp Rắn Naga để bơi hoặc chống được nhanh hơn. Từ đó, người dân Khmer đã nghĩ ra cách đục đẻo thành “TukNgo” cho gọn nhẹ để di chuyển mong sao đưa các nhà sư về chùa kịp buổi cầu kinh để được hưởng nhiều phần phước lành hơn.

Sân khấu hóa đua ghe Ngo; ảnh Lý Thị Phương

 

Về sau trên đường đưa nhà sư về chùa có nhiều phum sóc cùng đưa, họ nẩy ra ý nghĩ tổ chức đua ghe ai đưa được nhà sư về chùa nhanh hơn sẽ được phần phước nhiều hơn. Họ làm như vậy với ước nguyện như một việc làm biết ơn Đức Phật của người Khmer.

 

Đua ghe Ngo dưới nước, là hoạt động lễ hội truyền thống của tỉnh Sóc Trăng; ảnh Thanh Tú.

Sau ngày giải phóng hòa bình lập lại, do đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên Sóc Trăng đáp ứng nguyện vọng của đa số bà con phum sóc tiến hành tổ chức các cuộc đua ghe Ngo trong ngày lễ trọng đại của đất nước như Kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4; Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9; đặc biệt là trong ngày Lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào dân tộc Khmer.

        Đến nay, đua Ghe Ngo đã trở thành thông lệ thường xuyên, hàng năm tỉnh Sóc Trăng đều tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo ngày càng đông đảo về quy mô hơn, đã thu hút hàng chục Ghe Ngo ở các chùa trong và ngoài tỉnh đến tham gia. Từ trong phum sóc xa xôi người dân phấn khởi rủ nhau về dự lễ hội và cổ vũ cho những chiếc ghe Ngo đạt thành tích cao.

Ghe Ngo, được bảo quản cẩn thận trong khuôn viên chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu); ảnh Tân Trang.

        Từ năm 2013, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo được nâng tầm lên thành Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, định kỳ tổ chức hai năm một lần.

       Cũng cần phải nói thêm về một sáng tạo độc đáo từ hình tượng chiếc ghe Ngo của người làm công tác văn hóa thông tin thể thao huyện Long Phú. Năm 1992, huyện Long Phú tổ chức “Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc” đầu tiên của huyện nhân Kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1992 và cũng để chào mừng ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng. Ngày hội được tổ chức tại chùa Prum Vi Sal, xã Lịch Hội Thượng (nay là Thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề), do Hòa thượng Kiên Nhơn là Tru trì chùa Prum Vi Sal đã cùng với đ/c Huỳnh Thanh Diệp, Trưởng Phòng VHTT và đ/c Hồ Văn Hưng, Phó Phòng VHTT cùng thảo luận xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội với rất nhiều hoạt động phong phú như:

         - Thi xây dựng và trang trí láng trại

         - Thi thả Diều

         - Thi thả Đèn gió

         - Thi thả Đèn nước

         - Thi Văn nghệ

         - Thi trang phục 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa

         - Thi Ẩm thực

         - Thi đấu Bóng chuyền – Bóng đá và các môn thể thao dân gian khác.

        Đặc biệt, trong lễ hội của huyện Long Phú lần này ngoài việc đua Ghe Ngo dưới nước, Long Phú mạnh dạn tổ chức cuộc đua “Ghe Ngo trên cạn”, đây là một cuộc đua hết sức mới mẽ, đầy sáng tạo của Họa sĩ Hồ Văn Hưng lần đầu tiên vận động 03 chùa tham gia:

       1. Chùa Prum Vi Sal, do Nghệ nhân Thạch Công, Kim Siêng và Ban quản trị chùa thực hiện.

       2. Chùa Pô Thi Prức, do sư cả Lâm Khên và Ban quản trị chùa thực hiện.

       3. Chùa Tức Prây, do phật tử ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú thực hiện.

       Một chiếc “Ghe Ngo trên cạn” được quy định chiều dài phải trên 10m, được làm bằng ván hoặc đang bằng tre có trang trí hoa văn và sơn vẽ đẹp mắt, phía dưới được phủ bằng vải mềm mại như một dòng sông (ghe không có đáy), mỗi đội ghe được cử 10 tay chèo tham gia cùng 01 người đánh chiên và 01 người thổi còi, đường đua được bố trí trên sân chùa rộng và có chiều dài khoảng 100-200m. Khi thi đấu các tay chèo phải hiệp đồng thật nhịp nhàng đồng bộ từng tay chèo và bước chân để đưa ghe về đích thật nhanh trong sự reo hò cổ vủ thật sôi nổi của các cổ động viên đến tham dự lễ hội đứng chật hai bên đường đua.

       Đây là một sự sáng tạo thật độc đáo của ngành VHTT huyện Long Phú đã giúp cho lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc của huyện thêm phần phong phú, vui tươi và thu hút được sự hiếu kỳ của những người đến tham gia lễ hội. Thiết nghĩ cuộc đua “Ghe Ngo trên cạn” nên được duy trì và phát triển thành một trò chơi dân gian đầy tính thuyết phục, nên vận động được nhiều đơn vị tham gia và được tổ chức vào các dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sene Đolta và cần có qui định thể thức thi đấu chặt chẽ, nhiều cự ly, đội hình nam, nữ để cuộc đua “Ghe Ngo trên cạn” ngày càng thu hút đông đảo người tham gia và lan tỏa ra khắp nơi. Từ đó cùng với đua Ghe Ngo dưới nước truyền thống, cuộc đua “Ghe Ngo trên cạn” cũng sẽ gắn liền với đời sống tinh thần của bà con dân tộc Khmer không thể nào quên.

       Ngoài ra, khi có điều kiện và du khách đến Sóc Trăng ngày càng đông, có thể tổ chức Đua ghe Ngo trên cạn cho các đoàn du khách, nhất là khách nước ngoài tham gia, sẽ là một hoạt động vui chơi giải trí độc đáo, giúp du khách trải nghiệm được nét văn hóa đặc trưng của địa phương./.

                                                                                          Thạch Văn Mến (xã Viên An, huyện Trần Đề)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu