HÌNH TƯỢNG CHẰN (YEAK) TRONG VĂN HÓA KHMER

25/10/2021 7490 0

      Khi đến viếng thăm các ngôi chùa Khmer tại Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung, chúng ta thường bắt gặp pho tượng thần với nét mặt hung dữ đứng trước cổng chùa hoặc xung quanh chánh điện. Đó chính là hình tượng Yeak và người Kinh hay thường gọi là Chằn.

       Về nguồn gốc của Chằn có nhiều truyện kể, truyền thuyết khác nhau như: xuất phát từ kho tàng truyện cổ tích và trường ca Ramayana cho rằng Yeak là cây thần, thần bảo vệ buôn làng và các giếng nước. Về sau Bà La Môn giáo mới biến Yeak thành thần canh giữ kho báu, thuộc hạ của thần tài lộc Kubera. Còn theo Phật thoại Ấn Độ thì Yeak là thuộc hạ của thần Vaisravana, thần trấn trị phương Bắc trong tín ngưỡng Thập nhị thiên vương của đạo Phật. Song phật thoại Theravada ở Đông Nam Á lại có câu chuyện kể rằng Yeak là loài quỷ Dạ Xoa chuyên ăn thịt người rồi được Đức Phật thu phục nên xin làm thần bảo vệ cho các ngôi chùa.

Tượng Chằn Yeak trước cổng vào chánh điện chùa Kh'leang

      Trong các ngôi chùa Khmer, Chằn thường đứng theo cặp đôi song song hai bên cổng chùa hoặc đứng xung quanh chánh điện, được thể hiện dưới dạng người cao lớn với gương mặt hung dữ, mắt trợn to, miệng rộng, lưỡi đỏ, răng nanh nhọn lởm chởm, đầu đội mũ hình tháp (Stupa), mình mặc giáp trụ, chân đi hài, hai tay chống lên cây trùy giống như kiểu tượng của thần Vishnu (thần bảo tồn) hay Dvarapala (thần hộ pháp) trong điêu khắc Đông Nam Á.

      Hình tượng Chằn trong các khía cạnh văn hóa Khmer mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Trong văn học, truyện cổ tích Khmer, hình tượng Chằn thường xuất hiện tượng trưng cho cái xấu, cái ác, nhân vật phản diện, chuyên phá hoại, gây ra nghịch cảnh, đau khổ cho nhiều người. Nhưng trong các lễ nghi tín ngưỡng dân gian, cư dân Khmer với truyền thống nông nghiệp đã biết cách dung hòa tín ngưỡng liên quan đến chằn và Phật giáo, mượn hình ảnh Chằn để hể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống, Chằn xuất hiện với chức năng như vị thần bảo vệ người dân, bảo vệ chùa mang ý nghĩa cái thiện cái thiện chiến thắng cái ác, chính nghĩa thắng hung tàn.

      Trong nghệ thuật tạo hình, Chằn là mô tuýp khơi nguồn sáng tạo bất tận đối với các nghệ nhân Khmer. Hình tượng chằn Yeak được khắc họa ở một số vị trí trong chùa cho thấy Chằn đã được thu phục bởi Đức Phật Thích Ca, Chằn không còn là một tai họa đáng sợ, đáng loại trừ mà được "cải tạo" nhằm phục vụ cho cái đẹp, cái thiện, có ích để ngăn chặn tà ma xâm nhập vào chùa, bảo vệ an ninh cho Đức Phật với các tư thế đứng hoặc ngồi trong khuôn viên ngôi chùa. Đồng thời, qua đó đề cao tinh thần khoan dung và chính nghĩa của Phật giáo đã chiến thắng sự hung bạo. Ngoài ra, trong một số ngôi chùa hình tượng Chằn còn được chạm nổi trên cửa chính hoặc cửa sổ cửa chánh điện, đối xứng với Tiên ở cánh cửa đối diện bên kia, trong tư thế cưỡi voi hay ngựa, thường có nhiều tay, có tay cầm vòng lửa, tay cầm cung, tay cầm đinh ba hay giáo dài đang giao đấu với Tiên. Cũng như Tiên, hình tượng Chằn được nghệ nhân dân gian Khmer thể hiện một cách tỉ mỉ, tinh xảo từng chi tiết, đạt tới mức điêu luyện, lột tả được bản chất "thiện" của Chằn.

      Trong các loại hình sân khấu Rôbăm và Dùkê, hình tượng Chằn có một vị trí nổi bật, được người Khmer xem là linh hồn trong vỡ diễn. Chằn là vai phản diện, tiêu biểu cho phe ác, lầm lầm lỳ lỳ, rất ít nói, mà chỉ lấy múa và bộ điệu đi đứng nghênh ngang xấc lối làm ngôn ngữ diễn đạt bản chất của mình. Chằn rất hoạt bát lanh lợi bằng những động tác võ điệu dứt khoát mà mềm mại, uyển chuyển mà cương quyết, rất sinh động và lúc nào cũng tích cực tỏ rõ bản năng hiếu chiến, hiếu sát, áp đảo đối phương. Nhưng cuối cùng, cơ cấu của tuồng tích bao giờ Chằn cũng phải phục tùng lẽ phải. Nói chung, hình tượng Chằn trong nghệ thuật sân khấu thể hiện cho cái xấu, cái ác, biểu trưng của những khó khăn trở ngại tồn tại trong cuộc sống nhằm thử thách ý chí con người. Chằn còn thể hiện khát vọng hoàn thiện bản thân và là một biểu tượng nghi lễ trong đời sống tâm linh của cư dân Khmer Nam bộ.

Vai Chằn trong sân khấu Rôbăm

      Như vậy, khởi nguyên từ một hình tượng xuất phát từ nền văn hóa Ấn Độ mang dấu ấn Bà La môn giáo nhưng Chằn hầu như trở thành một hình ảnh gần gũi với Phật giáo Khmer Nam Bộ. Điều này cho thấy sự hòa quyện giữa Bà La Môn giáo, Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian hình thành nên sắc thái văn hóa đặc trưng của dân tộc Khmer.

      Ngoài ra, một khía cạnh nhỏ của ngành du lịch có liên quan đến hình tượng Chằn. Như trong các nội dung đã nêu, nghệ nhân diễn xuất vai Chằn trong tuồng Rôbăm đều phải đội mặt nạ Chằn, một số tuồng diễn có nhiều vai Chằn nên mỗi mặt nạ Chằn đều có những chi tiết khác nhau, cho nên việc chế tác các loại mặt nạ Chằn cho tuồng Rôbăm đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao và am hiểu về nghệ thuật sân khấu Rôbăm. Như vậy, chế tác mặt nạ nói chung và mặt nạ Chằn nói riêng là một nghề thủ công rất cần thiết, nhưng hiện nay còn rất ít nghệ nhân dân gian Khmer làm mặt nạ này, dẫn đến nguy cơ mất dần vì không có người kế thừa. Vì vậy, nên tạo điều kiện cho các nghệ nhân hoặc có chủ trương thiết lập các cơ sở đào tạo nghề làm mặt nạ Chằn mà khuôn viên chùa Khmer là một trong những nơi thích hợp nhất để lưu truyền nghề này. Trên cơ cở đó, ngành du lịch có thể quảng bá, giới thiệu hình tượng Chằn, mặt nạ Chằn bằng đồng hoặc bằng bạc đến với khách du lịch như một sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhỏ gọn, tiện lợi và hấp dẫn của địa phương. Bên cạnh đó, việc trích đoạn Rôbăm hay Dùkê có nhân vật Chằn sẽ góp phần bổ sung dịch vụ, làm tăng tính hấp dẫn khi du khách đến tham quan chùa Khmer tại Sóc Trăng. Với phương thức như vậy nghệ nhân Khmer sẽ tìm được đầu ra cho các sản phẩm chế tác, từ đó có thể góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống dân tộc./.

          Nguyễn Dũng

          * Tài liệu tham khảo:

                   Nghệ thuật tạo hình của người Khmer ở Sóc Trăng - Hồ Văn Hưng, Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Sóc Trăng.

                   http://lib.tvu.edu.vn (Thư viện Khoa học - Trường Đại học Trà Vinh).

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu