Tết Nguyên Tiêu của người Hoa - Sự tín ngưỡng hòa hợp dân tộc tôn giáo ở Sóc Trăng

25/10/2021 2725 0
Tỉnh Sóc Trăng có 27 dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; 3 dân tộc kể trên mỗi dân tộc lại có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và phong phú.

Lễ dâng hương dịp Tết Nguyên tiêu

Từ hàng trăm năm trước, Sóc Trăng là địa bàn tụ cư khá đông đúc của những người Hoa từ phía Nam Trung Hoa sang Việt Nam định cư. Nhiều cộng đồng người Hoa thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau, đã tập trung tại Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng… Trong quá trình định cư, nhiều người trong nhóm ngôn ngữ người Hoa đã quần tụ lại xây dựng các hội quán nhằm đoàn kết, bảo vệ, kết nối chặt chẽ cộng đồng Hoa trong hoàn cảnh xã hội mới. Từ ý thức của dân tộc di cư,  người Hoa có nhu cầu tha thiết về mặt tinh thần, có nơi thờ tự, một ngôi miếu nhỏ bên cạnh hội quán để tạ ơn thánh thần đã phù hộ họ trên đường đi được thuận buồm xuôi gió, có nơi để thắp nén hương hướng về ông bà tổ tiên, trời Phật ở quê cũ. Chính vì nhu cầu tinh thần như vậy nên trong quá trình định cư tại vùng đất mới người Hoa dựng miếu, chùa để thờ tự những vị thần có công hỗ trợ họ trên con đường di dân và định cư được an lành.

 

Lễ đấu đèn

Tết Nguyên Tiêu là một trong số những lễ hội truyền thống của văn hóa Trung Hoa mà di dân người Hoa mang theo trong hành trang đến vùng đất Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Tết Nguyên tiêu cũng bao hàm sự thờ cúng các thần. Đối với người Hoa, Tết Nguyên tiêu không chỉ thuần túy là thú vui thưởng ngoạn mà còn mang ý nghĩa tâm linh, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, các bậc thần linh, cầu mong cho gia đình những điều tốt đẹp nhất. Tết Nguyên tiêu được tổ chức từ vài ngày đêm trước rằm. Tại các đình chùa miếu người Hoa hàng chục đèn lồng đèn kéo quân được trang khí từ ngoài cổng cho đến chánh điện, người dân thì đến chùa đăng ký tên để đêm nguyên tiêu bắt thăm trúng lộc, hay đấu đèn vay lộc, thể hiện sinh động về một cuộc sống an cư lạc nghiệp. Đêm 15 tháng giêng còn được gọi là Nguyên dạ, người dân thường thức suốt đêm để cúng lễ chờ  xin vay trả lộc rồi cùng nhau dạo chơi ngoài đường.

Vào dịp tết Nguyên tiêu, trước chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên, Hòa  An Hội Quán, đường phố, nhà cửa, đền miếu của người Hoa trong khu vực được trang hoàng đẹp đẽ, đèn lồng đỏ treo thành dãy dài, màu sắc rực rỡ. Các đền miếu của người Hoa cũng có nhiều người đến thắp nhang, xin tài lộc, bình an, may mắn. Các đội múa lân, múa sư, múa rồng đến từng nhà, từng cửa hàng… cầu chúc cho chủ nhân và mọi người nhiều may mắn. Đường phố trong khu vực có đông người Hoa sinh sống trở nên rộn ràng, sôi động, mọi người tươi cười, phấn khởi chúc mừng cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Các cuộc vui chơi, giải trí của bà con người Hoa cũng được tổ chức ở các cơ sở tín ngưỡng, hội quán như viết thư pháp, hội họa, đấu cờ tướng, đấu giá đèn lồng v.v… Nhiều đèn lồng được đấu giá với số tiền lớn, người thắng đấu giá được đèn lồng xem đó là sự may mắn. Số tiền thu được sau cuộc đấu giá đèn lồng sẽ nộp vào quỹ từ thiện của cơ sở tín ngưỡng để giúp đỡ người nghèo, làm học bổng cho trẻ em hiếu học, gặp khó khăn…

Tại Phước Đức Cổ Miếu (chùa ông Bổn), tọa lạc Quốc lộ 1A hướng về Bạc Liêu thuộc địa bàn thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị trong đêm Tết Nguyên Tiêu, người xe tấp nập đậu kín lề đường, bên trong chùa âm vang tiếng nhạc tuồng cổ, bên khoảng sân bài trí cây treo đầy bao đỏ, bên trong là những con só 1,2,3 cũng chữ đại kiết đại diện cho cái tháp mà người dân muốn xin về, số 1 là tháp to nhất, số 3 nhỏ nhất, đại kiết là trái quýt, có người vay hộp nước trái vải, hay hộp sữa… và đợi năm sau sẽ trả lộc cho chùa. Người ta tin rằng khi vay lộc các vị thần sẽ được hộ phù hộ bảo vệ cho mình cả năm để mình trả nợ. Với tín ngưỡng đó tại Miếu Ông Bắc, Đình thần Năm ông,  Hòa An Hội Quán (thành phố Sóc Trăng) Chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên. Phước Đức Cổ miếu (Thạnh Trị)...  vào sáng rằm tháng giêng âm lịch, các đội lân thì đến đây  để nhận lộc trả lộc  và xin ấn mong muốn để được một năm làm ăn phát tài gia đình bản mệnh được an khang  thịnh vượng, quốc thái dân an…

 

Theo Tiến sĩ Trịnh Công Lý - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Sóc Trăng - Tết Nguyên tiêu còn gọi là lễ Thượng ngươn từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống, phong tục, tín ngưỡng dân gian của người Hoa. Lễ hội diễn ra khi tiết trời đã vào xuân, đúng ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới, là dịp để mọi người đi lễ xem hoa đăng đầu năm, nhớ ơn tổ tiên, cầu phúc, ước nguyện gia đình bình an trong năm mới. Người Hoa quan niệm “Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng”. Bởi vậy mà từ lâu, tết Nguyên tiêu cũng quan trọng chẳng kém tết Nguyên đán. Lễ hội đấu đèn lồng được tổ chức hoành tráng thể hiện một cái Tết viên mãn, xua tan mùa đông bóng tối lạnh lẽo và nghênh đón mùa xuân hy vọng ấm áp.

Từ nguồn kinh phí Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, cuối năm 2023 các ngành chức năng thuộc Sở VHTT&DL phối hợp với các hội quán người Hoa thành phố Sóc Trăng vừa tổ chức trình diễn, tái hiện “Tết Nguyên tiêu” và tổ chức “Lễ hội đấu đèn” theo phong tục truyền thống. Năm nay tại  các con đường có đông người Hoa sinh sống như Hai Bà Trưng, khu chợ sần uất nhất thành phố du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng cây treo đèn lồng cỡ đại, góp phần cho thành phố Sóc Trăng về đêm thêm lộng lẫy.

Hoạt động này nhằm bảo tồn các giá trị vǎn hóa dân gian truyền thống đặc trưng mang ý nghĩa tốt đẹp - những sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng, thể hiện bản sắc và không ngừng tái tạo, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không bị mai một.

Đối với người Việt, Tết Nguyên tiêu  là dịp lễ quan trọng, nằm trong nhóm 9 ngày lễ lớn của năm (gồm Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Hàn Thực, Tết Thanh Minh, Lễ Phật Đản, Tết Đoan Ngọ, Lễ Vu Lan, Tết Trung Thu và Tết Ông Táo),  minh chứng  không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân trong những năm qua  của tỉnh ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng theo hướng hòa hợp không còn ranh giới của sự  phân biệt.  

Những lễ hội sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc trong tỉnh Sóc Trăng đã trở thành ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia. Ðiều đó minh chứng Ðảng và Nhà nước đã luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Thanh Tú

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu