Sóc Trăng là mái nhà chung của cộng đồng 03 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa sinh sống cộng cư với nhau, với số dân trên 1,1 triệu người, trong đó người Kinh chiếm khoảng 65%, người Khmer chiếm khoảng 29,5% và người Hoa khoảng 5,5%. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sóc Trăng, 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đã kề vai sát cánh, chia sẻ ngọt bùi trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống áp bức, bất công, chống giặc ngoại xâm, trong xây dựng và bảo vệ quê hương.
Lễ Thả đèn nước ở Sóc Trăng
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Trong quá trình sinh sống cộng cư lâu năm, đã có sư giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc. Sự giao thoa này đã kéo dài trên 300 năm. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của người dân tỉnh Sóc Trăng. Đó là: truyền thống đoàn kết, tương trợ, chia sẻ, yêu thương, gắn bó giữa 03 dân tộc; ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ cộng đồng trong việc xây dựng, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của quê hương. Điều này được thể hiện rất rõ nét trong các hoạt động thường ngày, trong văn hóa ngôn ngữ - giao tiếp, văn hóa tâm linh tín ngưỡng, trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất và đặc biệt là trong các dịp lễ hội.
Các lễ hội ở Sóc Trăng rất đa dạng, phong phú, được diễn ra quanh năm và thể hiện nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng tốt đẹp của người dân sinh sống trong vùng, nhằm tạ ơn Phật Trời, thần linh, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đạo bình yên… Những sự kiện Lễ hội giúp cho cộng đồng dân tộc anh em tăng cường sự đoàn kết, gắn bó và giao lưu văn hóa với nhau. Điều này cho thấy: ở Sóc Trăng, lễ hội không còn là riêng của dân tộc nào nữa mà đã trở thành lễ hội chung của 03 dân tộc. Lễ hội của dân tộc này là niềm vui của các dân tộc khác và được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của toàn xã hội.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Sóc Trăng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Do đó, thời gian qua, dù điều kiện ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội như: khán đài, bờ kè đường đua ghe ngo; khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội Cúng Phước Biển (Vĩnh Châu)… và rất nhiều công trình văn hóa khác. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, dân gian cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự. Trong đó, phải kể đến một số lễ hội đặc trưng của Sóc Trăng như: Lễ hội Cúng Phước Biển vào dịp 14-15 tháng 2 âm lịch; Lễ hội Thak-Côn (Châu Thành) vào 14-15 tháng 3 âm lịch; Lễ hội Nghinh Ông (Trần Đề) vào dịp 20-21 tháng 3 âm lịch; Lễ hội Sông nước miệt vườn (cồn Mỹ Phước, Kế Sách) vào dịp Tết Đoan ngọ (từ ngày mùng 03-05 tháng 5 âm lịch)…đã thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan ở mỗi lễ hội.
Festival Đua ghe Ngo năm 2013
Trong chuổi các lễ hội ở Sóc Trăng, tâm điểm đáng chú ý và thu hút khách du lịch nhiều nhất chính là Lễ hội Ooc-Om-Boc Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer, được tổ chức vào dịp 14-15 tháng 10 âm lịch hàng năm, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách. Đặc biệt, trong năm 2013, lễ hội đã được Chính phủ cho phép nâng lên thành Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất, với quy mô lớn, được tổ chức hoành tráng, nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, thực sự trở thành ngày hội lớn, là sự kiện văn hóa - du lịch cấp vùng, quốc gia, thu hút gần 500 ngàn lượt du khách.
Trong thời gian tới, để tiếp tục giữ gìn và phát huy nét văn hóa lễ hội độc đáo của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng, thiết nghĩ, chúng ta cần phải tiếp tục: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nhất là Nghị quyết TW5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người dân về giữ gìn, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh nhà; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, về an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương…từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer; nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội… từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.
Quốc Quân