CÂY BẦN DĨA XỨ CÙ LAO

08/06/2021 1478 0

     1. Như đặc thù của một vùng sông nước, cây bần dĩa mọc ven các triền sông, đầu voi và ở các vàm có thuỷ triều lên xuống đều đặn. Nước lên đến đâu, cây bần de ra đến đó và mọc thành hàng theo hai bên các con rạch trước hiên nhà. Tuổi thơ tôi lớn lên đã thấy cây bần trước ngõ nhưng chẳng biết nó có tự bao giờ  Chỉ biết rằng, nó là đứa con của bà mẹ thiên nhiên tặng cho vùng sông nước Sóc Trăng. Đặc biệt với tôi lại có ấn tượng rất riêng với cây bần dĩa xứ cù lao.

Hình ảnh quả bần dĩa hay còn gọi là bần sẻ, thủy liễu

     2. Cù Lao Dung nổi lên nhờ cát phù sa do lắng đọng ở hạ nguồn sông Hậu. Cây bần dĩa của xứ này mọc nhanh như nước thuỷ triều lên và có mặt hầu khắp các con rạch nhỏ xung quanh vùng đất được gọi là huyện vốn được tách ra từ xứ sở mà tên gọi đã nghe gắn liền với ước muốn là sự giàu có và thịnh vượng – Long Phú mến yêu. Cây bần dĩa có một đặc điểm lạ, nước đến đâu, chúng mọc đến đó. Như là sản phẩm của thiên nhiên ưu tiên cho con người giữ đất chống lại xói mòn, “cật cây bần” mọc lên tua tủa đâm ngược thẳng lên trên mặt nước. Điều lạ là cật bần còn được dùng làm nút chai rất chắc và trông rất đẹp, mang dấu ấn rất riêng của vùng sông nước phù sa.

     3. Tôi đã đi dọc các triền sông của cù lao, xứ sở đến đâu cũng thấy bần dĩa mọc thành hàng. Mỗi mùa hoa bần trổ bông, người ta hái về làm gỏi trộn với thịt các loại thuỷ sản sẵn có của vùng mình. Từ con tép bạc đến con cá sặc, cá thát lát, đến thịt heo… trộn chung với hoa bần làm gỏi thì nhậu mê ly với món ăn lạ này. Và đặc biệt hơn nữa, khi bần có trái, trông từ đằng xa thấy hai hàng bần ven sông rạch trông giống như một hàng quân sĩ cầm chuỳ ra trận để giữ đất, giữ làng mang lại sự bình yên cho vùng đất mới. Rồi trái bần dĩa vừa chua đem nhậu với mắm cá đồng, mắm tép lại là món khoái khẩu của những nhà làm vườn của xứ cù lao. Và khi trái bần chín, người ta lại hái nấu chua với cá bông lau vàm Đại Ngãi cùng với đọt giác quanh các con sông, con rạch, nơi những cây bần dĩa giữ đất thành bờ làm cho việc đi lại của con người trở nên dễ dàng hơn. Trái bần to như cái dĩa lại trông giống cái dĩa nên người ta gọi là bần dĩa chăng? Hay gọi để phân biệt với loại bần khác là bần ổi? Tất cả đều định hình trong cách gọi của dân gian thật khó mà lý giải tận tường. Còn nghe đâu đó câu hát “bần de đom đóm đậu” cũng gợi cho ta một quang cảnh thiên nhiên thơ mộng về đêm như một bức tranh có gam màu tươi sáng ở thôn quê. Và không biết bao lâu nữa, khi xa quê mới có dịp về quê cù lao nhâm nhi trái bần dĩa vì cuộc sống vốn bộn bề những nỗi lo toan.

     4. Đã đi đâu về đâu trên khắp các vùng miền nhưng luôn nhớ về cây bần dĩa xứ cù lao. Rồi một ngày nào đó, nếu có dịp, về lại vùng đất thân yêu này, tôi sẽ cùng bạn đi hái bần dĩa nơi hạ nguồn sông Hậu xuôi về. Bạn đã thấy chưa, từ đằng xa cách phà Đại Ngãi đã thấy mờ mờ cái màu xanh của cây bần dĩa như gợi về một tương lai tươi đẹp của một vùng đất nhiều hứa hẹn.

Triệu Văn

Nguồn https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54367&id=288531&catname=Du-lich---Dia-danh&title=Cay-ban-dia-xu-cu-lao

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu