Sáng ngày 28/12/2021, Ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì Hội đồng Khoa học và Công nghệ tự đánh giá kết quả thực hiệnDự án“Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng”(dự án). Tham gia Hội đồng có 4 chuyên gia đến từTrường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH),Chuyên gia xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, Giám đốc Dự án Du lịch Sức khỏetại TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Tham dự cuộc họp còn có đại diện phòng nghiệp vụ khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, phòng nghiệp vụ du lịch thuộc Sở VHTTDL; đại diện lãnh đạo UBND và phòng Văn hóa Thông tin 2 huyện và UBND 3 xã thuộc phạm vi triển khai của dự án.
Ông Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Phó Trưởng Ban Điều hành dự ántrình bày báo cáo, nêu rõ 3 mục tiêu và 7 nội dung chính cần thực hiện của dự án, tiến trình thực hiện cùngkết quả sản phẩm của dự án được ký theo hợp đồng giữa Sở Khoa học & Công nghệ và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt.
Quang cảnh họp trực tuyến
Theo đó, từ cuối năm 2018 đến tháng 12/2021, dù bị dịch bệnh Covid – 19 ảnh hưởng lớn, dự án phải gia hạn 2 lần, nhưng Ban Điều hành dự án đã triển khai khá tốt các nội dung, hạng mục của dự án theo hợp đồng ký kết.
Từ khảo sát cùng chính quyền địa phương120 hộ nhà vườn của 3 xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách), An Thạnh 1 và An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung), Ban Điều hành đã tuyển chọn được 20 hộ nhà vườn có đủ điều kiện tham gia dự án, đưa đi học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại 3 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Đồng Tháp, tiếp cận phương cách tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; dự tập huấn 6 lớp nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ kinh phí để thiết kế cải tạo nhà vườn, nhà ở, mua laptop,…. Nhờ vậy, từ nghi ngại ban đầu, các hộ dần dần làm quen, mạnh dạn đầu tư cải tạo nhà vườn, thay đổi giống cây trồng, chỉnh trang phòng nghỉ, trồng hoa kiểng ... tạo không gian thư giãn cho du khách.Có 20/20 hộ thuộc dự án tiến hành cải tạo nhà vườn, trồng thêm hoa kiểng, làm đường đal quanh vườn, sửa sang phòng nghỉ cho khách du lịch. Tổng kinh phí đầu tư là 4 tỷ 028 triệu đồng (chưa tính diện tích đất là 64ha trên kế hoạch là 30ha).
Tại cồn Mỹ Phước, 8 hộ có diện tích vườn là 6,5 ha. Các loại cây trồng chủ yếu là vườn nhãn các loại, chiếm tới 39.300m2, vứ sữa 5.500m2, còn lại là diện tích trồng dừa, chanh, cà na, chuối. Tổng chi phí đầu tư là 739 triệu đồng. Trong này cải tạo nhà ở là 445 triệu, trồng cây ăn trái 29 triệu, làm nhà vệ sinh 120 triệu, làm đường đal 45 triệu đồng, cải tạo 3 phà hiện có là 100 triệu đồng.
Đối với 9 hộ dân xã An Thạnh 1 đầu tư thêm là 789 triệu đồng, diện tích đất vườn là 7,5 ha. Mỗi hộ bình quân có từ 5.000m2 đến 10.000m2, đa số trồng nhãn, xoài và dừa các loại. Nhìn chung, các hộ nhà vườn đối ứng ít nhất 50 triệu trong khi chỉ có số tiền hỗ trợ 12 triệu của dự án. Nội dung đầu tư để làm nhà bếp, nhà vệ sinh, che mái hiên, lót gạch, sửa chữa hoặc xây mới phòng nghỉ cho khách du lịch, thay đổi giống cây trồng. Trong này phòng lưu trú tổng cộng có 20 phòng nghỉ (vừa chỉnh trang, vừa xây mới).
Riêng 3 hộ dân của xã An Thạnh Nam có diện tích chung là 50 ha, trong này có 40 ha nuôi trồng thủy sản, 3 hộ đầu tư 2 tỷ 550 triệu đồng để làm Farmstay, mua và sửa chữa cải tạo tàu chở khách, sửa chữa nhà ở và quán ăn uống.
Nổi bật, hộ gia đình anh Ngô Minh Sang cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, đã đối ứng trên 100 triệu để xây dựng căn homestay 2 phòng, góp thêm vào kinh phí được dự án hỗ trợ là 132.824.000 đồng. Tại An Thạnh Nam, hộ gia đình anh Trần Quang Cần đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng nên Farmstay Sân Tiên. Hai điểm này đã thú hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm, nhất là khu vực Farmstay Sân Tiên.
Kết quả ban đầu cho thấy, tuy chưa chính thức khánh thành đưa vào hoạt động nhưng các điểm đều có khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm, trong này có cả một số du khách từ miền Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Hộ nhà vườn Ngô Minh Sang đón thường xuyên từ 15 đến 50 khách/ ngày, hộ anh Trần Quang Cần (Farmstay Sân Tiên) từ 50 đến 100 khách, cao điểm nhiều hơn (lúc chưa có dịch và hạn chế đi lại). Các hộ còn lại là anh Mai, chị Diệu, chị Ánh ... ở cồn Mỹ Phước; Tư Mừng, anh Dũng ở An Thạnh 1, hộ anh Vũ ở An Thạnh Nam đều có khách tương đối.
Dự án góp phần làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong xã và các xã lân cận, đó là không chỉ các hộ trong dự án cải tạo vườn, thay đổi cây trồng, giữ vệ sinh môi trường mà các hộ dân khác đều có ý thức hơn về những việc làm này. Từ đó, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới hơn, lợi nhuận thu được từ trái cây phục vụ du khách, dịch vụ ăn uống phát triển hơn. Chuỗi giá trí cây trái, thực phẩm, quà lưu niệm, sản phẩm khác của miệt vườn được nâng lên. Việc đưa Dự án vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương trên cơ sở có sự tham gia hướng dẫn của các ngành liên quan. Đặc biệt, là phát huy lao động nhà vườn nhàn rỗi tham gia các dịch vụ du lịch tại chỗ, nâng cao thu nhập gia đình, năng động hơn trong giao tiếp với du khách, từng bước thay đổi cơ cấu lao động vùng cù lao.
Đại biểu dự họp
Hội đồng cùng đại biểu dự họp đã phát biểu nhận xét, thống nhất cơ bản về báo cáo tổng kết của dự án, đóng góp thêm một số ý kiến về các sản phẩm đầu ra của dự án, bồ sung thêm các chi tiết về yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, các sản phẩm, vấn đề quảng bá, liên kết, đầu tư cơ sở hạ tầng, chế độ chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng, cải tạo giống cây trồng phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao. Một số tồn tại, các đại biểu đề nghị Ban điều hành dự án cần nỗ lực xin ý kiến tiếp tục triển khai đồng thời Hội đồng cũng đề nghị các ngành và địa phương tiếp tục hỗ trợ cho 20 hộ nhà vườn hoạt động, sau khi dịch bệnh Covid - 19 giảm xuống.
Sau phần giải trình của Ban Điều hành dự án, Hội đồng đã nhất trí bỏ phiếu 5/5 đánh giá dự án đạt yêu cầu, đề nghị cần điều chỉnh bổ sung theo ý kiến đóng góp của cuộc họp, hoàn chỉnh hồ sơ trong vòng 20 ngày để trình lên Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sớm thành lập Hội đồng Khoa học chuyên ngành cấp tỉnh để thẩm định dự án./.
Lý Thị Phương