Đ/C LÊ THÀNH TRÍ - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH SÓC TRĂNG TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN CÔNG TÁC BAN CHỈ ĐẠO TÂY NAM BỘ

23/02/2023 318 0

Sáng 17/8/2012, Đ/c Lê Thành Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) do ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng BCĐ TNB, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL - Tiền Giang 2012 (MDEC) làm trưởng đoàn cùng các thành viên trong Ban cùng dự. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương, Hội Nông Dân, Công ty Xổ số Kiến thiết Sóc Trăng và đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch của tỉnh.

  

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

(ngồi ghế thứ 3, từ trái sang) và một số đại biểu ngành tỉnh; Ảnh: sưu tầm

    Tại buổi làm việc, Đoàn được ông Lê Hồng Muôn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, sơ kết, đánh giá hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Ông nhấn mạnh đây là công tác được các lãnh đạo cấp tỉnh, các Sở, ngành và địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo đạt nhiều kết quả. Thông qua các kỳ hội thảo, hội nghị, hội chợ, tỉnh đã tranh thủ giới thiệu và quảng bá sản phẩm, môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư của tỉnh đã góp phần không nhỏ đến công tác kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và xây dựng phát triển thương hiệu hàng hóa của tỉnh. Từ đó, công tác xúc tiến, đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh từng bước khẳng định vai trò đóng góp phát triển kinh tế - xã hội,… góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Sóc Trăng lên 26 bậc (từ hạng 41 năm 2009 lên hạng 17 năm 2010 và lên hạng 15 năm 2015).

      Ngoài những thuận lợi trên, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn nhất định như: thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành với các địa phương trong việc thực hiện các hoạt động xúc tiến; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; chưa có sự đồng bộ giữa các quy hoạch phát triển ngành, cũng như giữa quy hoạch phát triển cấp tỉnh, các huyện, thị và thành phố cũng đang là trở ngại lớn đối với hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh.

       Ông cũng trình bày một số đề xuất sáng kiến của chương trình hợp tác xúc tiến mang tầm khu vực và quốc gia. Cụ thể, trong công tác xúc tiến thương mại nên hỗ trợ cho doanh nghiệp các tỉnh ven biển xây dựng, quảng bá thương hiệu về biển (đối với Sóc Trăng là các sản phẩm: Củ hành, tôm sú,...),… Trong công tác xúc tiến đầu tư, Chính phủ nên sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù trong việc thu hút đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL; tăng cường công tác quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của vùng trên các kênh truyền thông quốc tế; sớm xây dựng đề án xúc tiến đầu tư chung cho toàn vùng,...

      Đối với công tác xúc tiến du lịch thì Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, thông qua việc khảo sát tiềm năng kinh tế, đặc thù văn hóa, lễ hội của từng địa phương để từ đó có những định hướng kịp thời cho mỗi tỉnh, thành trong khu vực tổ chức một hội chợ triển lãm chuyên đề, tránh trùng lặp thời gian, làm hạn chế quy mô và chất lượng của hội chợ.

     Riêng phần báo cáo về kết quả xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do ông Hồ Quang Cua - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày: Trong công tác xây dựng, các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, Sở đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tham mưu cho BCĐ Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch và UBND tỉnh xác định các danh mục dự án, đặc biệt khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước gồm 03 dự án: Dự án Trại sản xuất giống thủy sản nước lợ; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu và dự án Chăn nuôi và giết mổ gia súc theo hướng công nghiệp và kỹ thuật cao.

     Ngoài ra, Sở đã tích cực tham gia công tác tiếp xúc, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời tham gia các đợt triển lãm hội chợ trong và ngoài tỉnh... Nhìn chung, các cơ chế chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nông dân. Qua đó, nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp từ 34,3 triệu đồng/ha vào năm 2006 lên đến 79 triệu đồng/ha năm 2011. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ 72% năm 2006 lên 87% năm 2011, cao hơn 1% so với khu vực ĐBSCL.

Đoàn lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tân Nam bộ; Ảnh: LP

     Bên cạnh thuận lợi vẫn còn những khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu do lạm phát và lãi suất cao, giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao; tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi vẫn còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ khó lường... từ đó làm cho các nhà đầu tư lo ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ những hiệu quả và khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung, sửa đổi một số cơ chế chính sách như: Đề nghị bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Chính phủ; việc thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Chính phủ gặp nhiều hạn chế vướng mắc nên cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, Chính phủ nên hỗ trợ 100% về giống khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại trên 70%. Chính phủ cũng cần có quy định về việc các tổ chức tín dụng phải chia sẻ rủi ro đối với mức ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

     Qua nghe báo cáo, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xã hội, BCĐ TNB, Phó Trưởng BTT Ban Thư ký MDEC – Tiền Giang 2012 thông báo với tỉnh về chương trình tổng thể của Diễn đàn năm nay, với chủ đề chính “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”. Trong đó, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết để xây dựng thương hiệu, giá trị gia tăng cho nông sản vùng ĐBSCL, với 04 hoạt động chính gồm: Diễn đàn nông dân ĐBSCL; Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL năm 2012 với chủ đề “Những giải pháp giúp doanh nghiệp ĐBSCL phát triển”; Chuỗi sự kiện hội chợ, xúc tiến đầu tư, tìm cơ chế đặc thù phát triển bền vững các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực ĐBSCL và hoạt động cuối cùng là Hội nghị BCĐ Diễn đàn MDEC - Tiền Giang năm 2012.

     Tại cuộc họp này, ông Bùi Ngọc Sương yêu cầu tỉnh nên sớm ban hành kế hoạch tham gia cụ thể. Trong đó, có kế hoạch phân công cụ thể đến các Sở, ngành có liên quan, đồng thời xác định được đơn vị đầu mối để liên hệ với Ban Tổ chức Diễn đàn. Ngoài ra, tỉnh cần sớm hoàn chỉnh nội dung báo cáo, chuẩn bị các tham luận tại Diễn đàn,....

     Kết luận cuộc họp, Đ/c Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng kế hoạch để tham gia tốt các hoạt động trên. Trong kế hoạch này phải hết sức cụ thể, chi tiết và bám sát nội dung hoạt động của Diễn đàn. Đồng thời, đ/c Phó Chủ tịch cũng phân công Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đơn vị đầu mối để liên lạc thông tin với Ban Tổ chức Diễn đàn; Hội Nông dân tỉnh chịu trách nhiệm tuyển chọn khoảng 10 nông dân tiêu biểu của tỉnh tham dự Diễn đàn nông dân ĐBSCL; các sở, ngành liên quan cần chuẩn bị tốt các tham luận dành cho 03 khối: nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước,.../.

LP

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu