Du lịch - ngành công nghiệp không khói, từ lâu đã không còn xa lạ với Việt Nam. Với bề dày lịch sử cùng bản sắc văn hóa phong phú, hợp cùng tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Việt Nam đã phát triển nhiều loại hình như: du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, thiên nhiên; du lịch khám phá, mạo hiểm; du lịch biển đảo,... Mỗi loại hình mang đến cho du khách những điều thú vị và trải nghiệm riêng, từ đó cũng tạo nên tác động hai chiều: thu hút càng nhiều du khách đồng thời cũng là động lực giúp ngành du lịch nước ta ngày càng phát triển.
Một góc Vịnh Hạ Long
Đến nay, ngành du lịch đang phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Việt Nam có một tiềm năng du lịch to lớn, đặc biệt là các loại hình du lịch gắn liền với thiên nhiên và văn hóa. Với gần 3.000 di tích xếp hạng quốc gia, trong đó có một số di tích được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, gồm di sản vật thể như: quần thể di tích cố đô Huế, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và các di sản phi vật thể như: nhã nhạc cung đình Huế, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, .... Ngoài ra còn có rất nhiều cơ sở phục vụ du lịch sinh thái khác: vườn quốc gia, nguồn nước nóng từ 40 đến trên 100oC. Có bãi tắm và vịnh nằm trong 30 vịnh đẹp nhất thế giới: vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang, ...
Năm 2012 - một năm khá đặc biệt đối với Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng, bởi trong năm đã diễn ra nhiều sự kiện nổi bật, đánh dấu những bước phát triển của du lịch nước ta, có thể kể đến như: 2012 là năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế, Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2012, Vịnh Hạ Long trở thành Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, ... Đặc biệt, vào ngày 27/11, tại khách sạn Sofitel, Hà Nội,Tổng Cục trưởng Tổng cục Du Lịch Nguyễn Văn Tuấn đã tuyên bố chính thức thành lập Hội đồng Tư vấn Du lịch - sự đột phá quan trọng trong việc chuyên nghiệp hóa ngành du lịch Việt Nam. Từ đây, tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam sẽ được tăng cường.
Cổng Kinh thành Huế
Cũng trong năm 2012, Tổng cục Du lịch đã có buổi họp về việc thống kê số liệu khách du lịch tàu biển đến Việt Nam. Trong những năm gần đây việc đón khách du lịch bằng tàu biển đã bước đầu khẳng định những lợi ích mang lại cho ngành du lịch Việt Nam, góp phần làm tăng thu nhập cho nền kinh tế địa phương, thu hút đầu tư du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Trong tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 655.701 lượt, tăng 24,4% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 11 tháng năm 2012, ước đạt 6.035.901 lượt, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, năm 2012, giá trị đóng góp trực tiếp vào GDP của ngành du lịch Việt Nam sẽ tăng 6,6% so với năm 2011 và sẽ tăng bình quân 6,1% hàng năm tính đến năm 2022; tổng giá trị đóng góp của toàn ngành vào GDP tăng 5,3% năm 2012 và sẽ tăng bình quân 6,0% tới năm 2022. Về tạo việc làm, năm 2012, tổng lao động trong ngành du lịch Việt Nam tăng 1,4% tương đương 4.355.000 gồm cả lao động trực tiếp và gián tiếp và sẽ tăng trung bình 1,1% hàng năm và sẽ đạt 4.874.000 vào năm 2022. Về xuất khẩu du lịch tại chỗ trong năm 2012, tăng 5% và bình quân tăng 6% hàng năm, tới năm 2022 đạt 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Dinh Độc lập
Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” , Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2015, đón 7 - 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36 - 37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD, đóng góp 5,5 - 6% vào GDP cả nước; có tổng số 390.000 buồng lưu trú với 30 - 35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó có 620.000 lao động trực tiếp du lịch. Theo đó, năm 2020, Việt Nam sẽ đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước; có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
Triển lãm- Hội chợ 10 năm Thành tựu phát triển ĐBSCL
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng du lịch Việt Nam đã có bước phát triển đáng khích lệ, tạo được những ấn tượng nhất định trong lòng du khách; xây dựng được những nét riêng và sản phẩm đặc trưng rất Việt Nam. Gần đây, Việt Nam phát triển thêm loại hình du lịch sự kiện, du lịch MICE, các sự kiện quan trọng mang tầm thế giới lần lượt được diễn ra tại Việt Nam bởi vì Việt Nam là đất nước hòa bình, hữu nghị và an ninh. Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước cũng đã có nhìn nhận về vai trò của ngành du lịch một cách tích cực hơn khi đã đầu tư quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế CNN. Những hoạt động trên đã đưa hình ảnh Việt Nam đến với quốc tế, đã tạo nên làn sóng đưa con thuyền du lịch Việt Nam ra khơi xa hơn.
Du lịch phát triển gắn bó mật thiết và thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác phát triển theo như ngành lưu trú, ngành giao thông, ngành dịch vụ vui chơi giải trí và cả tài chính, ... góp phần phát triển kinh tế nước nhà. Tin rằng, nếu chú trọng phát triển du lịch đúng hướng, thì trong tương tai không xa, du lịch Việt Nam sẽ có thể sánh ngang một số nước trong khu vực và bạn bè thế giới.
Cẩm Tú