Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất mới, chính thức được khai phá chỉ vài trăm năm nay, nên vẫn còn giữ lại được cho mình những nét riêng về thiên nhiên hoang dã, về cù lao sông nước mênh mông bát ngát. Gần 18 triệu dân nơi đây vẫn còn giữ được khá nhiều lối sống chân chất, bình dị, mộc mạc, cởi mở, trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng dấu ấn đậm nét nhất của 4 cư dân chính của vùng châu thổ này gồm : người Kinh (Việt), Khmer, Hoa, Chăm chính là bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo được thể hiện qua các sinh hoạt văn hóa lễ hội hàng năm.
Đi Lễ chùa đầu Xuân
Trong đó, Tết âm lịch hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa lưu giữ những phong tục tập quán chung, vừa còn thể hiện những nét riêng của người dân vùng sông nước đồng bằng. Những người con của vùng đất này, dù đi làm ăn xa hay cả ở nước ngoài, đều có kế hoạch trở về quê ăn Tết. Ngắn nhất thì về quê 4,5 ngày, nhiều nữa thì có thể 10 ngày hay nửa tháng hoặc lâu hơn. Họ cùng với ông bà, cha mẹ, anh em trong dòng tộc náo nức chuẩn bị và tham gia dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa; nhất là chuẩn bị chu đáo bàn thờ tổ tiên để làm lễ, cúng bái thắp nhang. Những vùng quê theo phong tục người Kinh thì còn lo quét dọn, sơn phết mộ của người thân như ở Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang,… Còn theo phong tục người Hoa thì mồ mã của người thân qua đời chỉ được tu bổ trong dịp Thanh minh như ở Sóc Trăng, Bạc Liêu,…
Để chuẩn bị tết, mỗi gia đình đều lo chu đáo khâu bánh mứt, nhất là bánh ô, bánh tét, mứt dừa, mứt gừng, bánh phồng,… đều là những thứ không thể thiếu trong mấy ngày này. Về thức ăn, ngoài thịt kho hột vịt, gà, vịt dự trữ, đa số gia đình nông thôn đều dự trữ cá đồng trong lu, khạp hay dưới đìa. Tôm sú cũng là mặt hàng tham gia vào thực đơn chuẩn bị ngày Tết của một số gia đình có các vuông tôm hoặc có điều kiện kinh tế mua để dự trữ. Gia đình nào chuẩn bị kỹ hơn thì có các món khô cá lóc, cá kèo, cá khoai,… được làm từ một tháng hay nửa tháng trước Tết. Đặc biệt là món tôm khô, cũ kiệu hay mắm Châu Đốc là những mặt hàng chiến lược không thể thiếu để phục vụ trong mấy ngày Tết, nhất là đối với số anh em thích lai rai tâm tình trong ba ngày Xuân.
Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ đầu Xuân tại huyện Long Phú - tỉnh Sóc Trăng
Không thể không nhắc đến không khí Tết ở các chợ thành phố, thị xã, thị trấn và cả chợ nông thôn. Hàng hóa, nhất là rau củ, thực phẩm, tranh, liểng được bán nhiều hơn. Số ngưới bán giấy hồng đơn, câu đối, bán mai, lan, cúc, vạn thọ,… làm tăng thêm vẽ rộn rịp của những ngày cận Tết. Các loại hoa kiểng từ vùng Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang,… đều có mặt hều hết các chợ vùng Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Ngay cả đêm 29, 30 tết số người bán hoa kiểng vẫn còn tận tình phục vụ trước khi lui ghe về quê ăn Tết.
Ánh lửa bập bùng trong đêm 29 hay 30 tết bên nồi bánh chưng, bánh tét cùng với sự sum vầy của 3,4 thế hệ bên ngôi nhà từ đường hoặc tục dựng cây nêu đón tết ngày càng giảm đi. Đi vào vùng nông thôn sâu, chúng ta có thể còn tận hưởng không khí se lạnh và nồng ấm bên nồi bánh tét hoặc bên ánh lửa rơm để thưởng thức từng cái bánh phồng, bánh tráng dòn, ngọt, thơm lừng. Mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên vào đêm 28 hay 29 Tết là dịp để cháu con tề tựu tưởng nhớ, nhắc nhỡ những kỷ niệm đối với ngưởi đã khuất.
Từ sáng mùng 1 Tết, từng gia đình đều lo thắp nhang bàn thờ tổ tiên, sau đó, con cháu đều tập trung về thắp nhang ở ngôi nhà từ đường của dòng họ. Sau đó mới đến thăm chúc Tết ở nhà thầy cô, bạn bè. hầu như câu nói truyền thống dân gian ngày xưa: Mùng 1 tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy được áp dụng thực tế hơn.
Múa lân tại nhà dân trong dịp Xuân về
Gần như là truyền thống, sau khi thăm viếng chúc Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô, bà con họ hàng,… điểm mà mọi người dân đồng bằng thường là đến là các ngôi chùa, các đình thần. Trong 3 ngày Tết hầu như các ngôi chùa của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đều đông khách thập phương đến cúng bái, xin lễ cầu phước, lộc, thọ trong năm mới. Những ngôi chùa như chùa Đất sét, chùa Dơi (tỉnh Sóc Trăng), đình thần Nguyễn Trung Trực (tỉnh Kiên Giang và các tỉnh),… còn là điểm tham quan của khá nhiều du khách trong mấy ngày Xuân. Các khu di tích văn hóa lịch sử, các tụ điểm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí của từng tỉnh như Lăng cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (tỉnh Đồng Tháp), Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (tỉnh An Giang),… đều thu hút sự tham quan của nhiều người, nhất là nam nữ thanh niên, thiếu niên. Ấm áp tình nghĩa là những đoàn đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể từng cấp đến thăm, chúc Tết, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình neo đơn trong mấy ngày Tết; đặc biệt nhất là những đoàn đại biểu lãnh đạo về chiến trường xưa, về khu căn cứ cùng ăn tết với những người dân đã từng cưu mang cán bộ qua hai thời kỳ kháng chiến. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các bãi biển như Mũi Nai (Hà Tiên), Ba Động (Trà Vinh), Hồ Bể (Sóc Trăng),… đều là những địa điểm thu hút khách trong dịp Tết.
Múa lân ngày Tết là hoạt động xôm tụ, rộn rã hơn cả. Tuy thiếu vắng tiếng pháo, nhưng tiếng trống múa lân của lân người lớn, lân thiếu nhi đã góp phần đem lại nìềm vui chung cho mọi người.
Tệ cờ bạc, rượu chè say sưa, gây rối trật tự an ninh trong mấy ngày Tết ngày càng giảm dần, thể hiện nếp sống văn hóa ngày càng được nâng lên của người dân miệt vườn sông nước Cửu Long.
Về với vùng đồng bằng châu thổ, với miệt vườn sông nước trong những ngày Tết sẽ giúp chúng ta thư giản tâm hồn, tận hưởng không khí trong lành và ấm áp nghĩa tình của những người dân Nam bộ hiền hòa, chất phác./.
Trịnh Công Lý