Trong 12 con giáp, theo thứ tự, rắn (Tỵ) đứng hàng thứ 6. Cùng với con cọp (Dần), rắn là động vật có hại cho con người thì nhiều, còn có lợi cho người cũng không ít. Có hại vì đa số loài rắn đều có nọc độc từ ít đến nhiều, có loài chỉ cắn một phát là coi như hết phương cứu chữa như rắn Mái Gầm, Hổ Chúa, Hổ Mang, Cạp Nong, Cạp Nia ... , Còn có lợi là từ nọc rắn, các nhà khoa học có thể chế biến thành những vị thuốc cứu người như chế tạo huyết thanh.Ngành Đông Y và Tây Y đều coi rắn là thần dược để chữa bệnh phong. Tây Y đã lấy hình hai con rằn cuộn lấy một khúc cây là huy hiệu cho ngành của mình. Những năm gần đây thì các bác sỹ Tây Y đã lấy từ trong cái độc giết ngươi là nọc rắn ra một chất mà họ cho rằng có thể tri được bệnh ung thư. Ngươi ta túm lại thử nghiệm trên các con vật thì thấy nọc rắn có thể chữa được một số loại ung thư mà tất cả bệnh viên đều bó tay. Vì vậy, nọc rắn ngày càng mắc. Da của rắn cũng là loại có giá trị. Thịt rắn vừa thơm ngon, lại chữa được bệnh. Một số loài rắn còn được ngâm rượu với một số vị thuốc Bắc. Thường người sành rượu rắn luôn quý hũ rượu “thất xà nhị điểu” ngâm với một số vị thuốc quý.
Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn thuộc tám họ. Rắn độc chủ yếu thuộc hai họ rắn hổ và rắn lục.Ngày xưa, cách nay khoảng 100 năm, rắn còn khá nhiều và luôn là mối lo của những người sống ở nông thôn, rừng núi. Trong thời kỳ kháng chiến, ở một cù lao trên sông Hậu như cù lao Dung, cù lao Cồn Cọc, Phong Nẩm thuộc địa bàn 2 huyện Kế Sách và Cù Lao Dung hiện nay, cùng với khỉ, heo rừng, người ta thường tổ chức đi bắt rắn để cải thiện bữa ăn hoặc làm mồi nhậu với rượu thuốc hay rượu đế.
Vài chục năm nay, rắn ít dần đi, nhưng một số nơi rắn còn khá nhiểu. Tuy theo đặc tính chung, rắn ít khi cắn người, trừ trường hợp đi đêm đạp phải chúng, nhưng có trường hợp chúng liều lĩnh chủ động tấn công cả con người. Sự kiện người dân một số xã của huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bị rắn cắn trong năm 2010 đã khiến người dân nơi đây vô cùng lo sợ. Chỉ tính riêng trong 2 tháng, các xã đã có 11 trường hợp bị rắn cắn, trong này có 5 người chết vì không cứu kịp. Tại TP. Cần Thơ, cũng có trường hợp các hộ dân cư ngụ trong khu vực kế cận Trường Đại học Y Dược, trên đường Nguyễn Văn Cừ, cũng bị sự đe dọa, khi rắn bò vào nhà nhiều người.
Một số sự việc nêu trên cho thấy môi trường sống của rắn bị thu hẹp hoặc thiếu mồi ăn, có khi là vì sự tấn công của con người. Tức là đã có sự kích động nào đó khiến rắn hung dữ hơn và không còn sợ con người theo bản năng của chúng.
Rắn hiện nay được nuôi tập trung ở một số địa điểm để phục vụ cho y học như trại rắn Đồng Tâm thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang. Một số hộ dân lại nuôi rắn để kinh doanh, đa số là loài rắn không có hoặc có ít nọc độc. Rắn được dân sành ăn chế biến thành nhiều món khoái khẩu như lẩu rắn, cháo rắn hay rắn hầm sả, rắn băm nhỏ xào lá cách, rắn nướng .... Dân nhậu lại có chiêu dùng rượu tiết rắn để gọi là tăng cường sinh lực, trị nhiều bệnh ..(?). Do rắn ngày càng hiếm nên giá rắn khá đắt, có khi vài trăm ngàn 1kg là chuyện thường. Giá một 100gram cao rắn có thể mua với giá vài triệu đồng để trị khá nhiều loại bệnh. Một ít người còn rỉ tai nhau về cách chế biến rắn lục để có thể trị cả bệnh ung thư.
Rắn là loài động vật hoang dã, nhưng người ta vẫn có thể nuôi để đầu tư thời gian huấn luyện chúng. Vì vậy, một số nước vẫn có màn trình diễn gần như là xiếc rắn. Từ ngón tay hoặc cậy gậy nhỏ, hoặc qua một bản nhạc không lời, rắn có thể lắc lư theo sự điều khiển của con người.
Như vậy, rắn vẫn có thể nghe, hiểu được khi có sự huấn luyện của con người (?). Vì vậy, câu chuyện kể về án tru di tam tộc của vua Lê đối với Nguyễn Trãi vào năm Nhâm Tuất (1442), triều vua Lê Thái Tông, vẫn thường được truyền tụng vài trăm năm nay, là do sự trả thù của con rắn.Truyền thuyết có kể lại lúc lập vườn tại Côn Sơn, người lính hầu của Nguyễn Trãi đã giết chết một ổ rắn gồm mấy mẹ con. Sau đó rắn mẹ tái sinh, bò lên trần nhà nhìn Nguyễn Trãi đọc sách. Rắn nhỏ xuống một giọt máu đào, xuyên thấm qua ba tờ giấy, nhằm ám chỉ là ba họ. Về sau, con rắn đó đã hiện thân qua Thị Lộ làm người bán chiếu gom ở Tây Hồ, gặp Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã giới thiệu Thị Lộ làm người hầu cho vua Lê Thái Tông. Năm 1442, vua Lê Thái Tông bị bệnh chết bất ngờ khi đang đi tuần thú,về tới Trại Vải (Lệ Chi Viên), thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, nay là Gia Bình, lúc đó có Thị Lộ bên cạnh và bị triều đình quy kết tội bỏ thuốc độc giết vua, có sự thông đồng tổ chức của Nguyễn Trãi. Thị Lộ bị giết và Đại thầnNguyễn Trãi với chức quan Thừa Chỉ Nhập Nội Hành Khiển, bị tru di tam tộc. Sự thật là trong triều đìnhnhà Lê có nhóm võ quan theo phe Lê Sátghen ghét Nguyễn Trãi vì được Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trọng dụng nên tìm cách trừ khử đi. Đến 22 năm, sau cái họa tru di tam tộc này của Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông mới xét lại và xóa án.
Tại chùa Ba Thắc ( Mỹ Xuyên-Sóc Trăng) vẫn còn lưu truyền về cặp rắn thần ngụ trong góc cây cổ thụ trước sân chùa gắn với truyền thuyết về vùng đất cơm sống (Bai-Xau).
Xiếc rắn
Một truyền thuyết khác xin được kể lại. Cách nay khoảng 150 năm, tại ngôi chùa ông Bổn ở Phố Dưới thuộc làng Lịch Hội Thượng (Tổng Định Phước) nay là thị trấn Lịch Hội Thượng, người lớn tuổi hay kể lại câu chuyện bắt rắn trong chùa. Chuyện là trong ngôi chùa này, dưới bệ thờ Phật lại có một lỗ hang, ngày càng lớn. Người giữ chùa thường thấy vào ban đêm thường có rắn bò ra từ trong hang đó để đi kiếm ăn. Có khi thấy vài con, có khi cả chục con. Chúng sinh sản ngày càng nhiều đến nổi mọi người đều sợ khi phải đến thắp nhang ở ngôi chùa này. Ông Từ nhiều lần thỉnh cầu Bna Quản trị chùa tìm thỉnh thầy Rắn về để bắt rắn. Cũng có nhiều thầy đến, nhìn hang rắn, xem quẻ, bắt ấn, nhưng rồi lắc đều chịu thua, dù nhà chùa hứa hậu tạ khá nhiều. Một thời gian khá lâu, mới có một ông Thầy Rắn nổi tiếng từ miệt Cao Lãnh, Sa Đéc được rước về làng Lịch Hội Thượng. Thầy Rắn đã ngoài 50 tuổi, tướng tá vừa phải, nói năng từ tốn. Thầy đi vòng quanh chùa và xem rất kỹ hang rắn, cứ bấm tay tính toán. Một khoảng nín lặng, Thầy chậm rãi nói với Ban Quản trị chùa là sẽ ra tay bắt hết rắn trong hang. Nói xong, Thầy xoa thuốc vào lòng bàn tay, miệng lâm râm đọc chú. Sau đó, Thầy vỗ lòng bàn tay vào hang rắn. Mỗi lần vỗ là có 1 con rắn bò ra. Thầy tóm gọn và bỏ vào giỏ. Khoảng vai chục con rắn đã bị Thấy bắt bỏ đầy mấy giỏ. Thầy vỗ tay lần nữa nhưng không thấy con nào bò ra. Làm vài lần như vậy, cũng không thấy động tĩnh gì. Thầy lại bấm tay rồi thong thả nói: “ Trong đó con có con rắn chúa, rất hung dữ và Thầy đã nợ con rắn này từ lâu, hôm nay là ngày trả nợ”. Thầy lên tiếngg nhờ Nhà chùa mua giùm sẵn 1 quan tài. Sau đó sẽ bắt con rắn cuối cùng trong hang. Mọi người hoảng kinh, bật hỏi dồn dập tại sao như vậy, có còn cách nào khác không và khuyên Thầy nên tìm người cao tay hơn đề bắt. Thầy lắc đầu cho biết Thầy đã biết sức mình và nợ phải trả, cũng là để giúp dân làng trừ hậu họa. Túng thế, nhà chùa cử người đi mua quan tài. Thầy đặn dò đệ tử đi theo, rồi thoa thuốc lần nữa vào lòng bàn tay, rổi vỗ tay vào miệng hang. Một con rắn thật nhỏ gần như bay từ trong hang ra. Thầy thè lưỡi ra, con rắn cắn vào lưỡi thầy và rơi xuống đất chết. Thầy cũng sùi bọt mép và chết trong tích tắc sau đó.
Trên các trang báo, tạp chí của nước ta vẫn thường kể về một số loài rắn độc hay về sự linh thiêng của chúng. Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo để nhận rõ rằng rắn là loài động vật cấp thấp, chỉ phản xạ và sinh hoạt tự nhiên trong môi trường hoang dã. Gắn truyền thuyết, thổi phồng sự linh thiêng của loài rắn là không khoa học. Chỉ biết rằng, tùy loại mà rắn có độc hay không độc, cần tránh đi đêm trong khu vực rậm rạp để không dẫm dạp lên chúng, hoặc trang bị giày cao cổ, quần áo tay dài, nón, khăn quấn đầu, cổ để đi đêm trong rừng rậm, lùm bụi. Nhất là rắn ngoài đồng có thể ẩn náu trong các hang cua, hang chuột. Nếu sơ ý, gặp rắn độc cắn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Mừng năm Quý Tỵ, chúng ta nên phát huy lợi ích của nọc rắn phục vụ y học, ngâm rượu rắn cùng các vị thuốc Bắc để uống 1 chung trong bữa cơm để bồi dưỡng sức khỏe, nhất là các cụ cao tuổi là điều cần thiết (nếu không có bệnh lý cần tránh rượu). Chúng ta không nên lạm dụng sử dụng rượu tiết rắn, cẩn thận khi ăn thịt rắn. Những vùng có nhiều loài rắn độc cần phải trang bị kiến tức tối thiểu cho người dân để xử lý kịp thời khi bị rắn độc cắn, rồi sau đó đưa đến trạm y tế hay bệnh viện gần nhất đề điều trị.
Gọi thứ tự 12 con giáp, kèm theo thập chi là do sự quy định của người xưa, để tính tuổi và vòng quay 60 năm rổi trở lại của thập chi và thập nhị giáp. Tránh suy nghĩ tuổi Rồng thì ăn nên làm ra, tuổi Tý thì đục khoét .. . Và cũng đừng vì rắn làm hại con người mà vu cho những người tuổi Tỵ cũng độc như vậy, tiến đến không chơi chung, hùn hạp làm ăn buôn bán . ..
Với cách nghĩ như vậy, chúng ta sẽ luôn có hy vọng vào một năm mới an khang, thành đạt, hạnh phúc hơn năm cũ. Hy vọng phải kèm theo nỗ lực và quyết tâm hành động của từng người thì mới thành công được trong cuộc sống./.
Công Lý