THÔNG BÁO CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VIỆT NAM

09/03/2023 233 0

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Cải thiện môi trường du lịch Việt Nam ngày 6/6/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có phát biểu kết luận tại hội nghị. Ngày 26/6, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 221/TB-VPCP về nội dung Kết luận này. BBT Bản tin Du lịch tỉnh xin trích dẫn lại nguyên văn bản thông báo trên.

     Tại Hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo Bộ VHTTDL báo cáo về tình hình môi trường du lịch cả nước thời gian qua, tóm tắt đề án Cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, nghe đại diện lãnh đạo 8 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hà Nội, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Thuận báo cáo thực trạng và kinh nghiệm xử lý, giải quyết các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch ở địa phương, ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai những nhiệm vụ sau: 

     Bộ VHTTDL: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xác định rõ và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể của Chiến dịch cải thiện môi trường du lịch Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015. Mục tiêu cơ bản của chiến dịch phải là hướng đến sự hài lòng của khách du lịch, theo tinh thần “Nụ cười của khách du lịch chính là tương lai của du lịch Việt Nam”.

     Chủ trì xây dựng Chỉ thị về cải thiện môi trường văn hóa du lịch Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2013 để góp phần tạo những chuyển biến cụ thể cho du lịch Việt Nam; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch trong tình hình mới vào quý III năm 2013. 

      Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, các cơ quan lien quan và các địa phương rà soát các quy định thực hiện việc thí điểm giao nhiệm vụ và bổ sung kinh phí hoạt động cho lực lượng cảnh sát trật tự an toàn xã hội đảm nhận chức năng đảm bảo trật tự an toàn cho khách du lịch.

     Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương rà soát các văn bản hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý III năm 2013. 

     Tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm về khách du lịch trong năm đối với việc thực hiện các quy định về văn minh lịch sự, vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh, an toàn cho khách du lịch tại sân bay, nhà ga, bến cảng, khu, điểm du lịch tập trung đông du khách, khẩn trương xây dựng và hoàn thành hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm, tuyến du lịch. 

      Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tổ chức việc cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm tại các địa phương, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng, lập danh sách, công bố công khai các địa điểm cung ứng dịch vụ du lịch đạt chuẩn và tin cậy trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các ấn phẩm quảng bá du lịch.  Phối hợp, hướng dẫn các địa phương về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch.

      Bộ Công an: Chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất việc thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2013; tăng cường hơn nữa các đội đặc nhiệm hình sự tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường, điểm du lịch, ngăn chặn xử lý kịp thời hành vi cướp giật. 

      Bộ Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của các hãng taxi, nâng cấp hệ thống xe buýt phục vụ người dân và khách du lịch, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn hoạt động của “taxi dù” bằng việc gắn chip điện tử hoặc theo dõi qua hệ thống camera, thực hiện việc rà soát chất lượng phục vụ của hệ thống xe vận chuyển hành khách trong cả nước. 

      Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh truyền hình của địa phương: Chủ động phối hợp với Bộ VHTTDL và cơ quan quản lý du lịch ở địa phương tích cực thông tin tuyên truyền về thực trạng phát triển du lịch ở từng khu, điểm du lịch, trong đó có nội dung tuyên dương các địa phương có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch. 

     Ủy ban nhân dân tác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường văn hóa du lịch ở địa phương mình để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chương trình hành động của địa phương nhằm nâng cao chất lượng môi trường văn hóa du lịch ở địa phương mình. 

     Căn cứ Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020 chủ động phối hợp các cơ sở đào tạo triển khai chương trinh, kế hoạch đào tạo nhân lực du lịch tại địa phương, trong đó ưu tiên đào tạo hướng dẫn viên du lịch quốc tế và quản lý khách sạn. 

     Chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL để thành lập các Trung tâm hỗ trợ khách du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, tham khảo ý kiến của Bộ VHTTDL, Bộ Công thương thí điểm việc xây dựng Chợ du lịch tại các địa phương có hoạt động du lịch phát triển. 

     Chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Công Thương hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phối hợp với các trạm bán xăng trên tuyến du lịch qua các tỉnh, thành phố để nâng cấp nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc này trong chương trình hành động của từng địa phương vào quý IV năm 2013. 

     Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, chính quyền địa phương tại các điểm du lịch, các hiệp hội về đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch; khuyến khích người làm du lịch, doanh nghiệp, người dân địa phương tích cực tham gia xây dựng môi trường du lịch lành mạnh và thân thiện.

     Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng và đặc thù của hoạt động phát triển du lịch, yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về chuyên ngành du lịch ở địa phương nghiên cứu xây dựng đề án kiện toàn và thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù (cơ quan quản lý nhà nước về du lịch). Giao Bộ Nội vụ tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quý IV năm 2013.

     Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin khi xảy ra vụ việc du khách bị xâm hại, nhất là du khách người nước ngoài; tuyên truyền vận động người bán hàng rong không ép giá, lừa đảo, chèo kéo, đeo bám du khách; tổ chức phối hợp xác minh ngay để truy xét đối tượng, ngăn chặn có kết quả việc bán hàng rong, lấn chiếm long đường, vỉa hè.

      Khuyến khích việc triển khai mạng Internet không dây phục vụ nhu cầu của khách du lịch tại các tỉnh, thành phố là những trung tâm du lịch lớn. 

     Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội du lịch các địa phươn, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phát huy năng lực cộng đồng của người dân và doanh nghiệp trong cải thiện môi trường văn hóa du lịch tại các địa phương.

     Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Thông báo kết luận số 197/TB-VPCP ngày 21 tháng 5 năm 2013.

     Bộ VHTTDL, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch chủ trì, theo dõi, thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, định kỳ tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ.

LTC (Nguồn:  http://www.bvhttdl.gov.vn)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu