SÓC TRĂNG TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TIẾN TỚI FESTIVAL ĐUA GHE NGO ĐỒNG BÀO KHMER ĐBSCL - SÓC TRĂNG LẦN THỨ I/2013

10/03/2023 272 0

 Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng sẽ được diễn ra từ ngày 14 – 17/11/2013, với nhiều hoạt động phong phú tập trung tổ chức tại thành phố Sóc Trăng.

Mở rộng đường vào Hồ Nước Ngọt

       Trong nhiều tháng qua, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Festival cùng một số Bộ, ngành trung ương đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai các hoạt động chuẩn bị cho Festival theo kế hoạch đề ra từ cuối năm 2012. Theo đó, sự kiện chính gồm lễ khai mạc (sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp, có thời lượng 15 phút vào tối ngày 14/11) – lễ bế mạc; đua ghe ngo – lễ cúng trăng và các sự kiện phụ gồm: hội chợ triển lãm thương mại và du lịch; liên hoan ẩm thực 03 dân tộc Kinh - Khmer – Hoa“Món ngon Sóc Trăng”; trò chơi dân gian, hội thao dân tộc; triển lãm ảnh “Ký ức Sóc Trăng”; ca múa nhạc tổng hợp, ca múa nhạc dân tộc, thả đèn nước (Lôi Pro típ).... Riêng hội chợ triển lãm, Ban Tổ chức sẽ miễn phí tham gia gian hàng, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia quảng bá, trưng bày sản phẩm. Sáng và chiều ngày thứ năm, (ngày 5/9/2013) Ban Tổ chức festival Đua ghe Ngo đã chỉ đạo tổ chức mở thầu 02 gói thầu khai mạc, bế mạc và hội chợ triển lãm thương mại, du lịch. Trước đó, tỉnh đã tổ chưc hội nghị vào cuối tháng 8/2013 với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc Trung ương và Lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL.

Pano quảng bá Festival Đua ghe Ngo

(trên Quốc lộ 1A, giáp ranh huyện Châu Thành và tỉnh Hậu Giang)

      Tại cuộc họp, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tổ chức Festiaval đề xuất ý kiến nên xem xét tổ chức hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, sẽ tạo không khí sôi nổi và hấp dẫn hơn trong dịp Festival; đồng chí Sơn Minh Thắng – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị các tỉnh trong khu vực nên tích cực phối hợp liên kết chặt chẽ với nhau, xây dựng các chương trình giao lưu văn hóa, đặc trưng của các tỉnh. Riêng vào  đêm bế mạc (vào rằm tháng 10 âm lịch) cần dành một thời lượng nhất định để có thể sân khấu hóa Lễ Cúng Trăng; vì đêm đó diễn ra ngay giờ phút thiêng liêng của đồng bào Khmer tổ chức Lễ Cúng Trăng tại các chùa, gia đình, chương trình phục dựng lễ cúng trăng cần được truyền hình trực tiếp để mọi người ở các vùng miền trên toàn quốc theo dõi.

      Một số hoạt động chính của Festival sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt. Vì vậy, Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt đã triển khai một số công trình như mở rộng tuyến đường vào cổng A rộng thêm 5,53 m - 6,55 m, chiều dài 88 m, đường thi công với kết cấu áo đường cấp cao A1... với tổng số vốn trên 497 triệu đồng, sử dụng từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp. Ngoài ra, các công trình cung cấp nguồn điện phục vụ trang trí và chiếu sáng cho một số tuyến giao thông chính; công tác chỉnh trang các khuôn viên, trồng thêm cây xanh và cắt tỉa tạo mô hình mới và ươm thêm những cây cảnh để tạo vẻ đẹp phục vụ cho khách đến tham quan nơi đây.

Thi công làm hoàn chỉnh đường Lý Thường Kiệt

      Để chào đón sự kiện này, lãnh đạo Thành ủy – UBND thành phố Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, mục đích tổ chức Festival và nội dung trách nhiệm cụ thể của người dân gửi đến từng hộ gia đình trong thành phố Sóc Trăng;  thực hiện công trình nâng cấp vỉa hè và dặm vá đường một số tuyến đường nội ô và trang trí đèn chiếu trụ tháp ăng ten Viba, trang trí đèn các đường phố trung tâm thành phố và trên cầu C247, cầu 30/4.

      Về các đội dự thi, Ban Tổ chức đã nhận đăng ký ở nội dung đồng đội nữ 1.000 m sẽ có 8 đội đăng kí tham gia gồm 3 đội ghe trong tỉnh và 5 đội ghe ngoài tỉnh. Đối với nội dung đồng đội nam sẽ có 56 đội tham gia, bao gồm 37 đội trong tỉnh và 19 đội ngoài tỉnh như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ. Về cơ cấu giải thưởng, dự kiến giải nhất (200 triệu đồng), giải nhì (150 triệu đồng), giải ba (100 triệu đồng) và giải tư (50 triệu đồng). Riêng giải nam, Ban Tổ chức còn tính giải thưởng ở các trận đấu vòng bảng…

      Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh, là cơ hội tốt góp phần quảng bá hình ảnh, giới thiệu vùng đất, con người và nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế./.

LP

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu