Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh đã khép lại, đánh dấu thành công trong nhiều hoạt động về văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, giới thiệu vùng đất, con người và nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer ở đồng bằng nói chung và Sóc Trăng nói riêng đến với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Sau đây là một số hoạt động nổi bật của Festival Đua ghe Ngo:
Quang cảnh buổi Lễ Khai mạc Festival Đua ghe Ngo đồng bào
Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ I/2013
Giải đua ghe Ngo được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay diễn ra tại đường đua ghe Ngo trên dòng sông Maspéro TP. Sóc Trăng, với sự tham gia tranh tài sôi nổi, hào hứng của 62 đội ghe nam, nữ, thu hút hàng trăm ngàn khán giả trong và ngoài tỉnh đến xem và cổ vũ. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải nhất đua ghe Ngo nam cho đội Càng Long (tỉnh Trà Vinh), đội có sự chuẩn bị chu đáo nhất về luyện tập, chiến thuật, kỹ thuật và sức bền, sức tăng tốc trên đường đua về đích, vượt qua 8 lần đua và đều chiến thắng; giải nhì thuộc về đội ghe chùa Pôthiprức (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), giải ba thuộc về đội ghe chùa Pông Tức Chăs (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), giải tư thuộc về đội ghe tỉnh Kiên Giang. Về giải đua ghe ngo nữ, giải nhất thuộc về đội ghe Ngan Dừa (huyện Hồng Dân - Bạc Liêu).Giải nhì là đội ghe chùa Kỳ Son (Vĩnh Long), giải ba thuộc về đội ghe chùa Lương Nghĩa (Hậu Giang) và đội ghe chùa Kostung (Sóc Trăng) nhận thứ tư.
Giải thưởng cho ghe nam và ghe nữ bằng nhau và được trao ở mức cao nhất so với các giải năm trước: đội vô địch nhận 200 triệu đồng, 150 triệu đồng cho đội hạng nhì, 100 triệu cho đội hạng ba và 50 triệu cho đội hạng tư.
Hội thi Lôi Prôtip (thả đèn nước) tại đoạn sông Cầu 30/4 và cầu C247, TP. Sóc Trăng). Có 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố tham dự. Mỗi chiếc đèn được trang hoàng lộng lẫy, thật sự tỏa sáng bởi những ánh đèn lấp lánh, trông rất lung linh huyền ảo, đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến chiêm ngưỡng, Ban Tổ chức Hội thi đã trao giải nhất cho huyện Thạnh Trị, giải nhì thuộc về đội huyện Long Phú, giải ba thuộc về đội huyện Châu Thành và 02 giải khuyến khích thuộc về 02 huyện Mỹ Tú và Trần Đề.
Hội thi Trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa tỉnh Sóc Trăng đã được tổ chức bế mạc trao giải vào tối 16/11/2013 tại Công viên 30/4, thành phố Sóc Trăng. Hội thi đã thu hút 55 thí sinh (13 thí sinh nam và 42 thí sinh nữ) đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng tham gia. Mỗi thí sinh đã trình diễn 3 loại trang phục Kinh – Khmer - Hoa với các hình thức trang phục sinh hoạt, trang phục lễ hội, trang phục tự chọn. Mỗi loại trang phục đều có lời thuyết minh riêng cho trang phục đó như: áo dài, áo bà ba (dân tộc Kinh); trang phục Kbâne, áo tầm vông (dân tộc Khmer); áo xá xẩu, sườn xám (dân tộc Hoa),…
Quang cảng Hội thi món ngon các tỉnh
Ông Nguyễn Tánh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết: “Khác với các đợt hội diễn nghệ thuật; Hội thi lần này là sự giới thiệu, định hướng và tôn vinh các giá trị thẩm mỹ về "văn hóa mặc" trong cộng đồng các dân tộc. Vừa góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; đồng thời, tạo sự giao thoa văn hóa và tăng thêm tình đoàn kết gắn bó lâu đời trong cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa tỉnh nhà và các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long". Kết quả, Ban Tổ chức đã trao các giải nhất, nhì, ba và 10 giải khuyến khích cho các thí sinh có trang phục đẹp và trình diễn ấn tượng tại Hội thi. Trong đó, giải nhất thuộc về thí sinh Hứa Bảo Trâm (huyện Mỹ Xuyên), giải nhì được trao cho Thạch Mô Ly Đa Na (Trường PTTH DTNT Huỳnh Cương), hai thí sinh Võ Thị Xuân Thùy (TP. Sóc Trăng) và Nguyễn Thị Bích Thủy (huyện Thạnh Trị) đồng giải ba. Ngoài ra, còn có 06 giải phụ cho trang phục từng dân tộc, giải thí sinh có gương mặt khả ái, thí sinh có thể hình đẹp và thí sinh có phong cách trình diễn ấn tượng.
Hội thi “Món ăn ngon các tỉnh” với sự tham gia của 22 đơn vị đến từ TP.HCM, các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và tỉnh nhà Sóc Trăng. Các đơn vị đã đăng ký dự thi gồm 30 món ăn, tập trung vào 03 nhóm món: lẩu, xào, bún hoặc các món ăn là đặc sản của địa phương. Sau lễ khai mạc, các đơn vị đã tập trung nấu nướng, chế biến thức ăn trong 90 phút. Kết quả, giải nhất thuộc về Khách sạn Sa Đéc (Đồng Tháp) với món lẩu đồng nội; giải nhì thuộc về Vườn ẩm thực 36 (Sóc Trăng), món Hủ tiếu xào dòn; 02 giải ba thuộc về huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), món Cá ngát nấu canh chua bần và Khách sạn Bông Hồng (Đồng Tháp), món Lẩu bông hồng (cá trạch chanh ớt); còn lại có 10 giải khuyến khích như các đơn vị: Nhà hàng KDL Chùa Dơi, Nhà hàng Minh Phượng, Quán Cầu Vồng (TP. Sóc Trăng), Điểm Du lịch sinh thái vườn Ba Ngói (Bến Tre), Trung tâm Du lịch Nông thôn tỉnh An Giang…..
Hội thi đã tạo được mối quan hệ thân tình giữa địa phương với các tỉnh trong khu vực và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường công tác quảng bá những sản phẩm ẩm thực độc đáo của các tỉnh ĐBSCL nói chung, của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chế biến nấu ăn phục vụ cho du khách trong nước và quốc tế đến Sóc Trăng tham dự Festival Đua ghe Ngo
Ngoài các hoạt động nêu trên, còn có một số hoạt động nổi bật khác cũng diễn ra trong sự kiện này như lễ phục dựng lễ cúng Trăng (tại Phòng trưng bày Văn hóa Khmer), liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ (tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng), các trò chơi dân gian - hội thao dân tộc, triển lãm ảnh ký ức Sóc Trăng …..
Nhìn chung, trong 04 ngày diễn ra Festival Đua ghe Ngo, đã có hàng trăm ngàn lượt khán giả, du khách, trong và ngoài nước đến tham quan, tham gia các hoạt động Festival tại Sóc Trăng. Trong đó có hàng nghìn du khách đến từ các nước Canada, Thụy Điển, Hà Lan, Nhật, Pháp… Ông Mai Khương - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban Tổ chức Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL - Sóc Trăng lần thứ nhất khẳng định trong diễn văn bế mạc: Festival Đua ghe Ngo được tổ chức trang trọng, hoành tráng, phong phú, hấp dẫn và đầy sắc màu, mang đậm dấu ấn, nét đặc trưng độc đáo của văn hóa đồng bào Khmer ĐBSCL. Trưởng Ban Tổ chức Festival Đua ghe Ngo chân thành cảm ơn các Bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sư sãi, bà con Phật tử các chùa Khmer trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình tham gia, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần vào sự thành công chung của Festival./.
LP