HỘI NGHỊ "TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIỮA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỚI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG”

15/03/2023 499 0

Ngày 11/3, tại tỉnh Bến Tre, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đến dự có đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và gần 500 đại biểu tham dự.

Lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết hợp tác phát triển kinh tế xã hội.

Đoàn tỉnh Sóc Trăng tham dự có Ông Lâm Văn Mẫn, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên BTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở ban ngành liên quan và các Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và các doanh nghiệp.

  Được biết, những năm qua, TPHCM và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực tại từng tỉnh, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư,  thương mại, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội... Bước đầu, 13 tỉnh ĐBSCL đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng tỉnh, thành phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch thường trực  UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Riêng đối với tỉnh Sóc Trăng, việc thực hiện triển khai kế hoạch liên tịch đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực đầu tư, công thương, nông nghiệp, y tế, văn hóa, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực . . .

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TPHCM và lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã ký bản thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, bao gồm 6 nội dung hợp tác chung bên cạnh các nội dung hợp tác riêng giữa các tỉnh với nhau. Theo nội dung ký kết, có nhiều điểm mới so với trước đây là thiết kế thêm các nội dung hợp tác mang tính cả vùng mà tất cả các địa phương của ĐBSCL và TP HCM phải tham gia thực hiện, thay vì chỉ hợp tác giữa TP HCM và từng địa phương như thời điểm trước. Ngoài thỏa thuận chung toàn vùng, đối với Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh có các thỏa thuận riêng gồm: (1) Liên kết tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. (2) Giới thiệu các doanh nghiệp tiềm năng ở Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn đại biểu tỉnh Sóc trăng chụp ảnh tại gian hang

Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, ĐBSCL và TPHCM tập trung hướng đến Hợp tác phát triển trong việc xây dựng và triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 20/02/2022 về phê duyệt quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp xây dựng và triển khai Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng ĐBSCL và Vùng Đông Nam Bộ. Cần chú ý tập trung 3 vấn đề lớn: (1) Kết nối giao thông giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL; (2) kết nối cung cầu, đầu tư là việc rất quan trọng trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là thế mạnh của ĐBSCL là kinh tế nông nghiệp, cho nên phải tập trung phát triển cho lĩnh vực này; (3) hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực và y tế. Trong đó, cách thức triển khai là vấn đề quan trọng nhất.

Quầy trưng bày bánh dân gian

            Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị TPHCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL cùng nhau phối hợp thật tốt; thật sự quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình hợp tác này; cần phân công cụ thể cho một Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh để trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác này, đồng thời chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao nhất. Quan tâm tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Hết sức quan tâm phát triển năng lực nội tại, phát huy hiệu quả các cơ chế liên kết nội vùng để cùng phát triển, mang lại sự phát triển nhanh nhất cho ĐBSCL, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng còn tham dự Hội nghị kết nối giao thương giữa các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước và doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; tổ chức gian hàng trưng bày triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, giới thiệu các đặc sản, sản phẩm OCOP và giới thiệu 02 loại bánh dân gian là bánh bầu và bánh lá lúa của tỉnh phục vụ đại biểu tham dự Hội nghị./.

     Lý Thị Phương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu