NĂM MÙI NÓI CHUYỆN DÊ

27/03/2023 320 0

Theo thập nhị chi, thì con dê đứng hàng thứ 8, là một trong những loài vật khá gần gũi với con người.Dê là loài động vật thuộc họ Bovidae[1] (tổng cộng có khoảng 137 loài như trâu, dê, cừu v.v...) là loài vật nuôi phổ biến, là một trong lục súc (trâu, ngựa, dê, lợn, gà, chó). Trong “Kinh Thi” có nhiều ghi chép liên quan đến dê: “Nhật chi tịch hĩ, dương ngưu hạ lai” (vào thời khắc hoàng hôn, trâu và dê về chuồng). Dê có rất nhiều loại, như Dê núi, cừu, linh dương …Trong văn hóa phương Tây, dê nằm trong 12 cung Hoàng đạo với hình tượng Ma Kết. Dê còn xuất hiện trong thần thoại Hy LạpBắc Âu và đặc biệt là trongKitô giáo với hình tượng con dê gánh tội.

          Tổng quan về con dê

          Hầu như dê sinh sống ở khắp các lục địa, từ những vùng nóng ở Châu Phi đến những vùng lạnh như Châu Âu, khí hậu ôn đới, nhiệt đới ở các nước Châu Á.... Dê có thể nuôi ở đồng bằng cho đến vùng cao nguyên, đồi núi . .

          Dê  được phân làm hai nhóm là dê hoang và dê nhà: dê hoang dã sống thành bầy đàn và sống ở những môi trường như rừng, đồi, núi... Dê nhà cũng sống thành bầy đàn nhưng được con người chăn nuôi thả trên khoảng đất rộng hoặc sống trong chuồng. Tại Việt Nam dê có hai giống chính là dê cỏ (dê địa phương) và dê Bách Thảo. Dê là loài động vật có khả năng sinh sản rất nhanh, hơn cả trâu. Đa số các loài dê từ 7 tháng đến 8 tháng tuổi đã động dục, nhưng phối giống tốt nhất là lúc dê từ 12 tháng đến 14 tháng tuổi. Thời gian dê mang thai khoảng 140 ngày. Khoảng 2 năm, dê cái có thể sinh được 3 lứa, từ lứa thứ 2 trở đi, dê thường sinh 2 con. Dê con sinh ra nặng từ 1.9kg đến 3.5kg/con.   

          Dê cái và dê đực đều có râu, đồng thời có một bộ lông tơ mịn bao phủ khắp thân. Bộ lông có thể có một màu hoặc nhiều màu. Thường thì lông dê có màu đenxámtrắng hoặc nâu... Lông dê dài hay ngắn tùy theo loài và tùy theo các địa điểm địa lý khác nhau nơi chúng sinh sống. Những loài dê sống ở vùng nóng thì lông ngắn và thưa, còn những loài dê sống ở vùng lạnh thì lông dài và rậm hơn. Đa số các loài dê thì giống đực có sừng còn giống cái thì không. Sừng dê có nhiều hình dáng như: cong ngược về phía sau, thẳng đứng, uốn cong hình trôn ốc v.v. .Dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục. Loài dê vốn tràn đầy sinh lực tình dục, nên trong thực tế một con dê đực có thể giao phối với cả đàn dê cái. Vì vậy, dê lại bị con người gán ghép là đại diện cho thói dâm đãng với hình tượng con dê già hay máu dê của đàn ông.

          Dê thuộc loại súc vật nhai lại và chân có móng như trâu, bò, cừu, ngựa...Nhưng không giống như móng của ngựa, móng của dê núi chẻ, các cạnh của móng rất cứng, giúp chúng bám tốt vào bề mặt đá thậm chí ngay cả ở những bề mặt núi cao.

          Bộ máy tiêu hóa của dê được cấu tạo để có thể tiêu hóa được đủ loại thức ăn khác nhau (như vỏ cây, các loại cây cằn cỗi...).Miệng của dê tuy nhỏ nhưng môi lại rất mềm nên có thể gặm được nhiều loại thức ăn. Lưỡi dê có nhiều loại gai thịt là đầu dây thần kinh khác nhau, dùng để phân biệt mùi vị và ước lượng được độ cứng, mềm của thức ăn. Hàm trên của dê không có răng cửa nhưng thay vào đó là một khối xương lớn, có thể coi như một răng cửa lớn đối diện với 8 răng cửa ở hàm dưới. Dê dùng răng cửa ở hàm dưới cắt nhỏ những đồ ăn dài và cứng bằng cách nghiến vào khối xương ở hàm trên, sau đó dùng 12 cặp răng hàm để nghiền thêm.

          Dạ dày của dê là một cơ quan rất lớn, dung tích có thể lên tới 30 lít chiếm hết xoang bụng bên trái, được chia thành 4 ngăn với các chức năng riêng biệt, có thể coi như 4 dạ dày nhỏ, gồm dạ cỏ là túi lớn nhất, chiếm khoảng 80% thể tích toàn dạ dày dùng để chứa thức ăn vừa nuốt vào, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Thức ăn sau khi qua 4 túi của dạ dày sẽ được chuyển tới ruột non gồm các tuyến nhỏ để hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Sau đó, phần còn lại sẽ được đưa xuống ruột già để bài tiết ra ngoài.

          Dê với việc cúng tế và phong thủy

          Các nhà phong thủy cho rằng, dê được xem là biểu tượng của tính thuần và ôn hòa nên khi bài trí dê tại bàn làm việc sẽ giúp chủ nhân luôn giữ được sự điềm đạm, tĩnh tâm, tốt cho các mối quan hệ giao tiếp. Nó cũng có tác dụng bồi đắp làm tăng thêm lòng kiên trì và ý chí phấn đấu của chủ nhân.

          Thời xưa dê còn được dùng làm vật cúng tế với ngụ ý cầu mong may mắn cát tường.Dê là một trong những thần vật được người Ai Cập sùng bái vì sự đóng góp quan trọng của dê đối với đời sống con người. Một số dân tộc khác lại dùng dê làm vật tế thần. Người Ai Cập dùng dê dâng cho các ác thần để thay thế cho con người. Vào thời cổ La Mã, trong lễ hội Lupercalia cử hành vào ngày 15 tháng Giêng đầu năm, các thầy tế dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội. Ở Việt Nam, trong chương đầu tiêncủa sách Lĩnh Nam Chích Quái, giới thiệu về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa, người Việt trong hôn nhân, đã biết giết trâu, dê làm đồ lễ, con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ. Vào giữa thế kỷ 16, trong bài Đào Nguyên Hành thì Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã tả cảnh nông thôn Việt Nam là Trâu bò, gà lợn, dê ngan/Đầy lũ đầy đàn, rong thả khắp nơi. Vào thời nhà Nguyễn, con dê chỉ được sử dụng trong việc tế lễ v.v. . .

          Người xưa còn cho rằng treo đầu dê trước cửa có thể trừ trộm cắp. Hay như dùng dê làm lễ vật khi gặp mặt, nguyên nhân vì khi dê con bú sữa sẽ phải quỳ xuống, dường như rất biết lễ phép. Dê còn trở thành biểu tượng may mắn vì xét tử góc độ văn tự, thời xưa chữ “dương” (dê) được dùng thông với chữ “tường” (may mắn), nhiều khi “cát tường” được viết thành “cát dương”. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những chữ “đại cát dương” trên đồ đồng và những dụng cụ khác thời cổ đại, cũng có nghĩa là “đại cát tường”. Quan niệm dân gian còn cho rằng, đặt biểu tượng con Dê phong thủy ở 2 bên đầu giường của người bệnh có tác dụng mang lại sức khỏe và giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng. Nếu khi công việc không được thuận lợi hoặc bị nhiều điều thị phi của tiểu nhân, biểu tượng Dê được sử dụng để hóa giải tình trạng đang gặp phải.

           Làm kinh tế từ con dê và các món ăn từ dê

           Dê có nhiều giá trị kinh tế. Người ta nuôi dê để lấy thực phẩm (thịt, sữa...), lấy lông (làm áo ấm, chăn...), lấy da, lấy sừng (dùng để trang trí trong nhà...), để làm cảnh ....Sữa dê không chỉ làm thực phẩm mà còn được chiết xuất để làm ra các sản phẩm như sữa rửa mặt, sửa tắm  . . .  

            Từ xưa tới nay, thịt dê luôn là loại thực phẩm hảo hạng.Thịt dê là loại thịt có rất nhiều dưỡng chất tốt cho tất cả mọi người, giúp hồi phục sức khỏe nhanh cho người già, tăng cường sinh lực cho phái mạnh. Đặc biệt, thịt dê là thực phẩm rất bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai, còn món chân dê hầm rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh. Thịt dê được xem là loại thịt động vật có chứa nhiều vitamin nhóm B, nhất là Riboflavin và B12. Thịt dê là nguồn cung cấp tốt về chất đạm, ít chất béo hơn thịt bò và ít calories hơn thịt gà. Thịt dê còn là nguồn cung cấp tốt về chất sắt dưới dạng heme rất dễ hấp thu nên khá tốt đối với người bị thiếu máu. Ngoài ra, tỷ lệ chất kẽm trong thịt dê cũng tương đối cao.   

           Có nhiều món ăn được chế biến từ thịt dê và rất ngon miệng. Đó là các món dê xào lăn, ca ri dê, lẫu dê, dê hầm ngũ vị, dê né, dê nướng ngũ vị, dê hấp lá tía tô, chân dê tiềm thuốc bắc, dê xào thập cẩm, cháo thịt dê, ngọc dương tiềm thuốc bắc v. . . . Ngoài ra, còn có các bài thuốc chữa bệnh từ con dê như xương dê hầm sơn dượcdùng cho bệnh nhân thận dương hư, di tinh liệt dương; cháo xương dê sâm kỳ linh táo, trị người gầy sút dễ cảm cúm, cơ thể suy nhược; cháo gan dê cà rốt trịquáng gà mờ mắt giảm thị lực, suy nhược chức năng gan; ruột dê hầm hoàng kỳ đậu đen dùng cho người thể trạng hư nhược, vã mồ hôi, tiểu gắt v.v. . .

          Vùng Đông Bắc, Tây Bắc đều có các quán dê núi với nhiều món xào, hầm, nướng rất ngon. Thịt dê tươi ngon Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh có thể mua về đề chế biến các món ăn ngon, hợp khẩu vị .  

          Tại Sóc Trăng, các món ăn từ thịt dê có ở quán Hưng, đường Hùng vương hay ở Ngã ba Trà Men,... cách chế biến khá ngon và hợp túi tiền, thu hút khá nhiều thực khách.

          Năm 2015 là năm Ất Mùi, là năm con dê vàng, theo các nhà phong thủy nên sử dụng biểu tượng, vật phẩm dê phong thủy để trưng bày hoặc dùng làm trang sức đeo trên người sẽ giúp chủ nhân tăng thêmnhiều lần may mắn. Tuy nhiên, cần chú ý khi sử dụng tránh bài trí biểu tượng dê ở hướng Bắc hoặc Đông Bắc,phương vị thích hợp để bài trí biểu tượng dê theo Blog Phong Thủy là Nam hoặc Tây Nam.  Hy vọng rằng, năm con Dê 2015 sẽ mang đến cho mọi người, quý doanh nghiệp nhiều may mắn, thành công mọi mặt.

Công Lý

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu