Trong Thập Nhị Địa Chi, con Khỉ đứng hạng thứ 9 của 12 con vật. Loài Khỉ có đặc tính giống loài người, thuộc loài có vú, sanh con. Khỉ có 4 chân như một số loài thú khác như: Trâu, Bò, Ngựa, Dê, Chó, Mèo v.v,. Tuy nhiên, Khỉ có thể sử dụng 2 chân trước như 2 tay để cầm nắm, chuyền từ cành cây này sang cây khác. Khỉ sống từng đàn, nhưng lại thông minh hơn các loài thú khác, thường hay bắt chước những động tác, cử chỉ của loài người. Vì vậy, Khỉ được con người nuôi và huấn luyện để biểu diễn trong những đoàn xiếc cùng với một số loài thú khác như Voi, Sư Tử, Cọp, Chó...
Các loài Khỉ có tên khoa học Ceropithecidae, nhưng có nhiều họ khác nhau Có loại khỉ ăn thịt, ăn mối cũng như ăn trái cây, lá cây. Khỉ có hình dáng lớn nhỏ màu lông khác nhau như: Khỉ đuôi dài (Macaca nemestia), Khỉ đuôi lợn (Cercopithecidae), Khỉ Mốc (Macaca fascicularis), Khỉ mặt đỏ (Cercopithecidae) Khỉ voọc xám (Presbytis pheyrei crepusculus) Khỉ đột (Gorin-Gorilla),Vượn (Gibbon), Đười ươi (Orang Utang) Đười ươi (Pongo pygmacu), Khỉ Muôn (Chimpanzee), những con tinh tinh (Pan troglodytes) Khỉ lùn (Bonobo), Khỉ đột mỏ dài (Pavian)... Trong đàn Khỉ có Khỉ đột là loài Khỉ lớn con xem như chúa tể loài Khỉ. Ngoài ra, còn có Khỉ lọ nồi, là loài Khỉ có đầu màu đen; Khỉ bạc má, là loài Khỉ có gò má màu trắng.v.v..
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, giống Vượn người, loại Khỉ đột và Tinh Tinh có nhóm máu và gen cũng trùng hợp với loài người. Đây là loại thông minh biết dùng vũ khí như đá, cây để chống lại kẻ thù, biết dùng đá để đập những loại hạt có vỏ cứng như hạt dẻ để ăn, biết dùng lông chim để ráy tai, dùng những cọng hoặc cành cây để xỉa răng. Để tránh khát nước, Tinh Tinh biết nhai những lá cây nát làm thành "miếng xốp" nhúng vào nước rồi vắt vào miệng để uống, biết dùng cành cây làm cần câu để móc mồi từ những ổ mối lớn để ăn. Tinh tinh cao chừng 170 cm, có con lùn thì khoảng 90 cm, trọng lượng nặng có thể từ 45 kg đến 60 kg. Tinh Tinh có thời gian thụ thai từ 225 ngày đến 240 ngày. Khỉ con bú sữa mẹ từ 2 đến 4 năm. Tuổi thọ của chúng khoảng 40 năm.
Khỉ thường được tượng trưng cho sự thông minh, lanh lẹ nhưng lại quá phá phách, lục lọi đủ thứ. Trong các khu du lịch của nước ta, có những khu nuôi khỉ thành nhiều bầy đàn, sống cận kề con người nên ngày càng dạn dĩ. Chúng có thể từ trên cây bất ngờ nhào xuống giật túi xách, mắt kiếng của du khách ... như ở Khu du lịch Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Có con khỉ đột chuyên canh cửa vào khu rừng, khách muốn đi qua ‘phải hối lộ’ cho chúng nãi chuối bằng không thì nó nhe răng dọa nạt, làm dữ với du khách. Nếu cầm bánh mì, các thứ bánh kẹo mà đi vào khu vực có nhiều khỉ thì hãy coi chừng bị khỉ giật mất.
Trong dân gian, Khỉ cũng thường được nói đến khá nhiều. Nói về triết lý sống ở đời, chỉ những con người vô tích sự, không nhờ vã gì được, dân gian có câu: “Nuôi Ong tay áo, nuôi Khỉ dòm nhà”. Cũng có các câu như “Rung cây nhát Khỉ”, “nhăn nhó như Khỉ ăn Gừng”... Hồi xưa khi con gái lấy chồng, sợ nhất là theo chồng về vùng quê xa xôi: “Má ơi đừng gả con xa, Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu” Ngoài ra, trong cuộc sống đời thường, Khỉ thường được nhắc đến kèm theo từ đi sau nó như : Khỉ Mốc, Khỉ Khô, đừng có khỉ khọt, không được liếng khỉ nữa .v.v. Khi còn có mặt trong các câu chuyện cổ tích như Khỉ và Cọp, nguồn gốc con Khỉ, Con Khỉ và người đánh cá v.v... Khỉ còn được nhiều người biết đến qua tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Tôn Ngộ Không hay Tề Thiên Đại Thánh từ một con khỉ do tảng đá sinh ra đã biết đi tìm đường tu học, để thoát khỏi luân hồi, được học pháp thuật với 72 phép thần thông biến hóa, rồi náo loạn Thủy cung, Thiên cung ... Cuối cùng bị Phật tổ Như lai nhốt trong núi và được giác ngộ theo Đường tăng Tam Tạng thỉnh kinh, vượt qua 81 nạn tai và trở thành Đấu chiến thắng Phật.
Tại khu vực tỉnh Sóc Trăng, khoảng hơn nửa thế kỷ trước, trong kháng chiến chống Pháp, bên huyện Cù Lao Dung hiện nay, còn nhiều rừng rậm, nhiều thú dữ như heo rừng, trăn, rắn, ( khoảng gần 100 năm trước thì còn có cọp, rái cá . . .), nhưng Khỉ thì có số lượng nhiều nhất. Chúng sống từng đàn trong rừng, thiếu thức ăn thì chúng vào các xóm nhà dân để lục lọi kiếm đồ ăn. Nhà nào lỡ bị Khỉ viếng coi như là một bãi chiến trường. Thùng gạo, nồi cơm, cá khô, chuối, bánh, bị chúng vét sạch; còn đồ đạc, quần áo thì bị bươi xới tưới tung. Hiện nay, khu vực xã An Thanh Nam, An Thạnh Ba còn sót lại vài chục con khi. Thỉnh thoảng chúng vẫn từ khu rừng kéo qua bờ đê để vào nhà dân kiếm ăn. Vài năm trước, Kiểm lâm đã bắt giữ một người săn Khỉ trái phép, đã đưa con Khỉ trả lại rừng bần An Thạnh Nam.
Hiện nay, Khỉ hoang đã ngày càng ít đi do bị con người săn bắt, làm cao khỉ hay chế biến các món ăn. Dù đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra. Mới đây trên Facebook đưa lên một số hình ảnh Khỉ bị con người giết dã man, bị dư luận phản đối, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để có biện pháp xử lý.
Trong lịch sử, những năm Bính Thân, cứ 60 năm đáo lại một lần. Năm nay Bính Thân 2016 là năm có sự kiện trọng đại: Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Đại hội sẽ thảo luận quyết định nhiều vấn đề quan trọng chiến lược về đường lối chính sách, về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng... đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để đưa đất nước phát triển bền vững hơn trong tương lai. Sau Đại hội là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2016-2020 vì vậy chúng ta cùng hy vọng năm Bính Thân sẽ mở ra nhiều triển vọng cho đất nước Việt Nam phát triển tốt hơn, tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, để có thể đến năm 2020 là một trong những tỉnh phát triển khá trong khu vực./.
Trịnh Công Lý
Hội KHLS Tỉnh