SÓC TRĂNG: TỔ CHỨC HỘI NGHỊ SƠ KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 06 CỦA UBND TỈNH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05 CỦA TỈNH ỦY

28/03/2023 192 0

Nhằm đánh giá kết quả sau 03 thực hiện Chương trình hành động số 06 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 05, ngày 2/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, sáng ngày 08/5/2019 UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghi sơ kết trên, tại Trung tâm Văn hóa Hội nghị tỉnh.  

          Đến dự Hội nghị có ông Phan Văn Sáu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; các vị trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; lãnh đạo các Ban thuộc Hội đồng Nhân dân tỉnh; và khoảng 180 đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương; các phóng viên báo đài, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và du lịch trong và ngoài tỉnh; đại diện các điểm đến, các hộ dân làm du lịch cộng đồng tại Sóc Trăng,...

          Sau phần báo cáo của ông Trần Minh Lý – Giám đốc Sở Văn  hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình hành động số 06 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 05, ngày 2/8/2016 của Tỉnh ủy, Hội nghị còn được nghe 03 bài tham luận của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Du lịch Ba Xuyên, Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt và các ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị

          Nhìn chung, các ý kiến đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, khẳng định sự phát triển về du lịch của tỉnh Sóc Trăng qua 03 năm thực hiện Nghị quyết, đồng thời cũng như nêu những hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm giúp tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu thực hiện, phát triển theo hướng bền vững, để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2018, những điểm du lịch truyền thống đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng chất về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn trật tự cho du khách, với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng như: chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu),... Nổi bật là có những điểm du lịch mới được hình thành và rất thu hút khách du lịch đến tham quan như: chùa Quan Âm Linh Ứng (Phật học 2), chùa Somrong, điểm du lịch Tân Huê Viên, chùa Sêrây Cro Săng, miếu Bà Đen trong chùa Mahatup, … Một số dự án đầu tư mới về du lịch tâm linh cũng đã được triển khai thực hiện và đang trong giai đoạn hoàn thành để đưa vào phục vụ khách du lịch như: Khu Văn hóa Tín ngưỡng tỉnh Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm); Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên; chùa Quan Âm Đông Hải (Vĩnh Châu) với tổng kinh phí ước tính khoảng 400 tỷ đồng.

          Về công tác chăm sóc, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, điểm du lịch được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, đã đầu tư, nâng cấp 15 điểm đến, như: chùa Mahatup (chùa Dơi); chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu); Khu du lịch sinh thái Hồ Bể,.. với tổng kính phí trên 500 tỷ đồng.

         Tỉnh đã quan tâm bố trí ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho các dự án du lịch, các tuyến đường vào các di tích văn hóa - lịch sử được nâng cấp, mở rộng đường,.. Đến nay, có 02 Dự án được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác là bãi đỗ xe và kiốt phục vụ khách du lịch tại chùa Sro Lôn, Tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, với tổng vốn 02 dự án là 101,7 tỷ đồng.

          Đối với hạ tầng giao thông, ngoài các tuyến quốc lộ do Trung ương trực tiếp đầu tư, trong 03 năm qua, ngân sách đã dành khoảng 1.870 tỷ đồng để đầu tư cho giao thông, nhiều công trình tỉnh lộ, huyện lộ, công trình giao thông quan trọng đã được đầu tư, cải tạo và nâng cấp 05 tuyến quốc lộ và 16 tuyến đường tỉnh, với tổng chiều dài là 6.755km; hệ thống đường thủy nội địa 02 tuyến nội địa Quốc gia và 11 tuyến đường thủy nội địa liên huyện, xã với tổng chiều dài 2.975 km; quy hoạch đấu nối các công trình công cộng vào các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, ưu tiên các tuyến đường kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm.

          Công tác xã hội hóa lĩnh vực du lịch được khởi sắc so với năm 2016, có 08 dự án xã hội hóa đã được triển khai với tổng kinh phí trên 800 tỷ đồng.

Đồng chí Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

          Có thể thấy, sau 03 năm thực hiện Chương trình hành động trên, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng và sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện khá tốt các nội dung, mục tiêu chỉ đạo về công tác phát triển du lịch, góp phần thu hút khách du lịch tiếp tục tăng so với cùng kỳ và các năm trước. Cụ thể trong năm 2018, tổng lượt khách đạt 2.022.266 lượt, tăng 54,7% so với năm 2015 (1.307.000 lượt); trong đó, khách quốc tế đạt 70.442 lượt, tăng 38,1% so với năm 2015 (51.000 lượt); khách lưu trú đạt 369.918 lượt, tăng 57,1% so với năm 2015 (235.400 lượt). Tổng doanh thu du lịch là 757 tỷ 922 triệu đồng, tăng 90,8% so với năm 2015 (397 tỷ 100 triệu đồng).

          Như vậy, so với chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng đạt 1,7 triệu người/năm (trong đó, khách lưu trú là 560.000 người; khách quốc tế là 75.000 người) trong khi đó tổng lượt khách đến Sóc Trăng trong năm 2018, đã đạt 2.022.266 lượt.

          Bên cạnh những mặt mạnh và đạt được sau 03 năm thực hiện Chương  trình, cũng có những hạn chế nhất định mà toàn ngành và địa phương cần nghiên cứu, cùng nỗ lực thực hiện, khắc phục như:  Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đúng mức; các công trình giao thông phục vụ các khu, điểm du lịch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về phát triển du lịch trong tình hình mới hiện nay; Du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách nghỉ đêm tại Sóc Trăng; nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, yếu, phong cách, kỹ năng phục vụ du khách còn hạn chế; hệ thống cơ sở lưu trú của tỉnh còn ít; các công ty lữ hành trong tỉnh chưa khai thác tốt các sản phẩm du lịch để bán cho du khách; công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá, du lịch của tỉnh được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao,...

          Kết luận tại Hội nghị, ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng; lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm rà soát lại các sản phẩm về phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể để có sự đầu tư xứng tầm, có lộ trình, có thứ tự ưu tiên về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện tốt công tác xúc tiến và quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển du lịch; các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh tiếp tục đưa sản phẩm du lịch Sóc Trăng vào các tour tuyến du lịch; đẩy mạnh việc quảng bá du lịch tỉnh trên các trang thông tin, trang web… để giới thiệu sản phẩm, tiềm năng du lịch Sóc Trăng. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các điểm đến du lịch; có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các dự án phát triển du lịch; đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm các sản phẩm du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và vệ sinh môi trường trong phát triển du lịch./

Lý Thị Phương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu