HỘI THẢO KHOA HỌC “NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI VĂN HÓA KHMER TỈNH SÓC TRĂNG”

28/03/2023 220 0

 Sáng ngày 5 tháng 9 năm 2019, Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) tỉnh Sóc Trăng cùng Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch sinh thái gắn với văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng”. Đây là đề tài khoa học được Sở KHCN tỉnh ký hợp đồng thực hiện với  Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn thuộc Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Đề tài do TS. Nguyễn Thành Long làm chủ nhiệm cùng nhóm nhà khoa học là giảng viên của Khoa thực hiện.

     

Quang cảnh hội thảo

     Phát biểu khai mạc hội thảo, Thạc sĩ  Dương Vĩnh Hảo, PGĐ Sở KHCN đã nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện đề tài này, góp phần khơi dậy tiềm năng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh; đồng thời để tham gia thực hiện nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025. Vì vậy, đề tài rất mong được sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học, các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để phát huy và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch sinh thái gắn với văn hóa Khmer của tỉnh nhà.

Bà Vũ Thị Hiếu Đông – GĐ Sở KHCN tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo

     Sau khi TS. Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu của đề tài, 30 đại biểu dự họp đã nghe 2 báo cáo tham luận liên quan đến đề tài của PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam và ông Võ Minh Châu, Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre. Sau đó, các đại biểu Phòng VHTT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đại biểu các nhà khoa học, chuyên gia về du lịch, công ty du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh 5 nội dung chính được nghiên cứu trong đề tài cùng 5 giải pháp để triển khai thực hiện dự án. Trong đó, đã lưu ý thêm các nội dung không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện dự án như bảo đảm cơ sở hạ tầng, đường giao thông, môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, vấn đề an ninh trật tự và an toàn cho du khách, đội ngũ hướng dẫn viên, các nhân viên tham gia các hoạt động phục vụ du khách, vai trò của cộng đồng... Đặc biệt, hội thảo lưu ý cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, hỗ trợ cơ chế chính sách của chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành và liên quan cùng nguồn vốn đầu tư ban đầu cho các khu, điểm du lịch, tạo điều kiện để phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc Khmer gắn với hoạt động du lịch.

     Đại diện Khoa và Chủ nhiệm đề tài đã ghi nhận các ý kiến đóng góp, tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh dự án để sớm bảo vệ đề tài theo thời gian quy định./.

                                                                                         TCL

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu