TỌA ĐÀM “NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU DÙ KÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG – CHẶNG ĐƯỜNG 100 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN”

29/03/2023 324 0

Vừa qua tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi tọa đàm “Nghệ thuật sân khấu Dù kê (SKDK) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng – chặng đường 100 năm hình thành và phát triển”. Đến dự tọa đàm có hơn 20 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà giáo, các nhà chức sắc tôn giáo, quản lý văn hóa trực thuộc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

    

Quang cảnh buổi toạ đàm

     Buổi tọa đàm xoay quanh ý kiến phát biểu đề dẫn của NSƯT, nhạc sĩ Sơn Lương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT tỉnh, trao đổi những vấn đề có tính lịch sử, làm rõ thêm về công lao của các bậc tiền nhân đã có công gầy dựng, phát triển của SKDK từ những năm 1920 của thế kỷ trước tới nay; giai đoạn hoàn kim và khủng hoảng của SKDK Sóc Trăng qua các thời kỳ; những đặc điểm, tố chất làm nên Nghệ thuật SKDK; đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của SKDK Khmer Nam bộ đến trào lưu văn nghệ, đời sống công chúng trên đất nước chùa Tháp; đưa ra những luận cứ khoa học giá trị  thực tiễn chứng minh cho sự hình thành và phát triển của Nghệ thuật SKDK trong tỉnh; tìm kiếm những giải pháp cho tương lai.

     Ông Sơn Thanh Liêm – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết buổi tọa đàm cùng với Liên hoan Nghệ thuật SKDK là một trong những nội dung chào mừng Lễ kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê, diễn ra vào đêm 30/10, thu hút  80 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công của 3 đơn vị nghệ thuật Dù kê trong tỉnh biểu diễn.  Các đại biểu được nghe 4 báo cáo tham luận gồm: Dấu ấn 100 năm hình thành và phát triển của SKDK trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; bảo tồn và phát huy Nghệ thuật SKDK - văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; hiệu ứng cảnh trí, âm thanh và ánh sáng trong Nghệ thuật SKDK Khmer Nam bộ; nghệ thuật hóa trang, phục trang, vũ đạo và vũ thuật trên SKDK. Cùng 5 ý kiến phát biểu thảo luận của các nhà nghiên cứu khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn giả trực tiếp tham gia hoạt động SKDK trong và ngoài tỉnh.

NSƯT Sơn Lương trình bày luận cứ đề dẫn để các đại biểu thảo luận

     Tiến sĩ Trịnh Công Lý - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho biết. hiện nay chúng ta có rất nhiều cứ liệu lịch sử chứng minh khá đầy đủ về nguồn gốc hình thành loại hình nghệ thuật này. Ông đề nghị Sở VHTH&DL cần có kế hoạch sưu tầm, củng cố thêm tư liệu thông qua những tờ báo xưa như Gia Định Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Tạp chí Tri Tân và Tạp chí  Ngày Nay, các văn bản lưu trữ thời pháp… Đồng thời Tiến sĩ Trịnh Công Lý trình bày 6 đề xuất, giải pháp trong đó nhấn mạnh việc nên đưa loại hình Nghệ thuật SKDK vào chương trình dạy học của học sinh các trường Dân tộc Nội trú; hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng, trang phục, đào tạo bồi dưỡng biên đạo, diễn viên; phát huy công nghệ trên sân khấu biểu diễn…

    Nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng yêu cầu xác định ngày giỗ tổ SKDK; tổ chức Liên hoan Nghệ thuật SKDK cấp khu vực ĐBSCL định kỳ 5 năm một lần; tôn vinh những cá nhân cống hiến cho sự tồn tại và phát triển SKDK 100 năm qua; thành lập nhà bảo tàng, sưu tầm lưu giữ trưng bày tư liệu Nghệ thuật SKDK để nhiều người biết đến, đặc biệt là người nước ngoài… Ngoài ra đến với buổi tọa đàm còn có ý kiến thảo luận đóng góp của nghệ nhân Bố Sủng – Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Ron Ron; ông Kim Lươl – Nguyên Phó Ban Dân tỉnh, NSƯT Thạch Sung đến từ Trà Vinh.

    Thông qua buổi tọa đàm lần này, các nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sĩ đã phân tích đánh giá khách quan nguồn gốc, giá trị đặc trưng, những đóng góp của Nghệ thuật SKDK.

    NSƯT, Thạc sĩ Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Đài PT&TH tỉnh Sóc Trăng thay mặc chủ toạ kết luận: “Buổi tọa đàm thống nhất về lịch sử hình thành và phát triển của Nghệ thuật sân khấu Dù kê trên địa bàn hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, qua đó giúp chúng ta có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn để chứng minh cho sự ra đời và phát triển của Nghệ thuật SKDK; tìm ra những giải pháp, định hướng cần thiết trước mắt và lâu dài cho việc kế thừa và phát triển Nghệ thuật SKDK ở Sóc Trăng”./.

Anh Tú

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu