Di tích lịch sử - di sản văn hóa có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người hôm nay và mai sau, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc. Hiện nay, trong cả nước và từng địa phương, có khá nhiều di tích, di sản có sức thu hút đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ trong nước và của địa phương, giải quyết lao động, việc làm, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Thông qua việc giới thiệu những di tích lịch sử, văn hóa, chúng ta giúp cho du khách nước ngoài hiểu rõ thêm về đất nước và con người Việt Nam, vùng đất và con người của từng địa phương, tạo nên những mối quan hệ giao lưu mới về văn hóa, lịch sử, ngoại giao, thương mại v.v..
Trong cả nước, có tỉnh có hàng trăm, hàng ngàn di tích. Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang có khoảng 1.200 di tích, trong đó có trên 70 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều di tích là những điểm tham quan du lịch nổi tiếng trong khu vực và cả nước. Hàng năm, An Giang đón khoảng 4 triệu lượt du khách, trong đó có không ít du khách nước ngoài. Đây là tỉnh có số lượng du khách đến đông. Trong khi Sóc Trăng chỉ có 8 di tích cấp quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh, nhưng lượng khách du lịch cũng đã vượt mốc 1 triệu từ năm 2014. Đến năm 2019, đạt hơn 2.400.000 , doanh thu lên đên1.020 tỷ đồng. Trong đó, có không ít số du khách dành thời gian đến tham quan bảo tàng và các di tích văn hóa, lịch sử, các ngôi chùa nổi tiếng trong tỉnh.
Biểu diễn văn nghệ tại điểm du lịch chùa Dơi
Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu và lưu trữ thông tin về di tích, di sản đã được báo, đài và một số ngành liên quan của tỉnh thực hiện khá tốt, như đầu tư tôn tạo, nâng cấp, bảo dưỡng di tích, di sản; biên soạn, in ấn trên tập gấp, giới thiệu trên bản đồ du lịch, in dĩa CD hướng dẫn tìm kiếm thông tin trong tập tư liệu di sản của tỉnh v.v... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình, Bảo tàng tỉnh... đã tổ chức nhiều cuộc thi, hội thảo, tọa đàm, thực hiện khá nhiều dự án, đề án để bảo vệ, tôn vinh, đưa di tích, di sản trở thành điểm đến tham quan, phục vụ du khách trong và ngoài nước
Tỉnh Sóc Trăng chúng ta có Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 năm 2011, Festival Đua ghe Ngo quy mô quốc gia lần thứ I tổ chức từ năm 2013 (2 năm tổ chức 1 lần), năm 2021 là Lễ hội đua ghe Ngo cấp quốc gia lần V. Sóc Trăng còn có có các di tích cấp quốc gia là điểm thu hút du khách như chùa Mahatup (Chùa Dơi), chùa Kh‘leang... Ngoài ra, còn có một số di tích cấp tỉnh cũng có nhiều khách đến tham quan như chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu... Gần đây lại có thêm các điểm đến hấp dẫn như chùa Som Rong, chùa Quan Âm Linh Ứng, Thiền Viện Trúc Lâm đều ở tại TP. Sóc Trăng v.v. . .
Lễ tiếp nhận bông lúa của AHLĐ BSNH Lương Định Của
Để tăng thêm hơn nữa sự hấp dẫn, thu hút, gắn kết di tích, di sản văn hóa, với hoạt động du lịch, gắn bó với cuộc sống hiện tại và vì sự phát triển mai sau, xin đề xuất một số ý kiến dưới đây:
Một là tiếp tục tăng cường nhận thức trong cán bộ và nhân dân trong tỉnh về tầm giá trị của các di tích, di sản. Tổng kiểm kê các di tích, di sản văn hóa trong tỉnh. Từng di tích, di sản cần được biên soạn đầy đủ lịch sử hình thành và phát triển qua từng thời kỳ, hiện trạng và sự cần thiết duy tu, bảo vệ, nâng chất, làm rõ ý nghĩa và tính giáo dục truyền thống của từng di tích cho thế hệ hôm nay và mai sau v.v... Cần phải có sự tác động của hệ thống luật pháp, triển khai tốt hơn nữa Luật Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 cùng các văn bản liên quan.
Hai là trong chừng mực nào đó, đầu tư kinh phí để bảo vệ, trùng tu, nâng chất các di tích, di sản văn hóa là từ ngân sách Nhà nước, nhưng không thể đáp ứng nổi nhu cầu thực tế. Do đó, phải có sự kêu gọi tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của các mạnh thường quân, của các tổ chức trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Ba là cần có sự tăng cường chất lượng giới thiệu di tích, di sản văn hóa với người dân, nhất là du khách trong và ngoài nước. Những hướng dẫn viên, thuyết minh viên phải được đào tạo chuyên sâu, hiểu thấu đáo lịch sử di tích, di sản văn hóa, biết hóa thân vào nội dung bài thuyết minh để thu hút khách tham quan, để lại ấn tượng và cảm nhận mới của mọi người qua quá trình tham quan, tìm hiểu di tích, di sản tại địa phương.
Vấn đề thứ tư là công tác tổ chức nhân sự ở các điểm di tích, di sản văn hóa. Trừ các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia, cùng một số di tích cấp tỉnh, các di tích, di sản văn hóa còn lại phải có kế hoạch và giải pháp chuyển giao cho địa phương, các tổ chức đoàn thể, cùng nhân dân địa phương đảm nhận. Có thể huy động lực lượng trong dân, nòng cốt là đoàn viên thanh niên, hội viên các hội, sinh viên, học sinh các trường... tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Vấn đề thứ 5 là sớm phát hiện, làm hồ sơ đề nghị di tích di sản văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia đối với những di tích, di sản văn hóa đáp ứng tốt các tiêu chí theo quy định của Luật và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của UBND tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã có một số di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia như Nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ, Nghệ thuật sân khấu Rô Băm ở Trần Đề, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng và nghề thủ công truyền thống làm bánh Pía ở xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp (huyện Châu Thành), Lễ hội Nghinh Ông (Kinh Ba, Trần Đề).
Tỉnh Sóc Trăng có thể xem xét, lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL công nhận quần thể di tích cấp quốc gia hay quốc gia đặc biệt cho các địa điểm liên quan tiếp đón Đoàn tù chính trị Côn Đảo về Sóc Trăng. Sóc Trăng đại diện cả nước đã đón tiếp Đoàn hết sức chu đáo, an toàn theo phân công của Xứ ủy và Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ. Khu di tích đoàn tiếp đoàn tù chính trị Côn Đảo nằm trong khuôn viên trường ISchool Sóc Trăng hiện nay, tượng đài nơi đón tiếp Đoàn tù Chính trị về tại khu vực gần cầu tàu Đại Ngãi, khu vực Mỹ Thanh, nơi chiếc ca nô Bác Tôn cùng 12 người tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền tháng 9 năm 1945, khu vực cầu tàu Sóc Trăng đón đoàn từ chính trị từ Đại Ngãi về.
Vấn đề thứ sáu là tiếp tục tìm hiểu, khai thác, bảo vệ, trùng tu, để biến di tích, di sản thành tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu hình thành vùng đất, con người và sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng như truyền thuyết về Ông Ba Thắc, về chùa Ba Thắc, thương cảng Bãi Xàu, tìm hiểu thêm về đạo Trấn Di, phủ thành Ba Xuyên và cả ngôi mộ cổ bằng đá ong ở địa bàn xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) vẫn còn đang tồn tại nhiều nghi vấn chưa được giải tỏa trên cơ sở khoa học.
Kiến trúc cổ ở thương cảng Bãi Xàu xưa còn tìm thấy ở một số ngôi chùa của dân tộc Khmer tại khu vực chợ Bãi Xàu cũ và vùng lân cận như chùa Tắc Gồng (có từ thế kỷ XIII), chùa Luông Bassac Bãi Xàu (1892); một số chùa miếu của dân tộc Hoa từ cuối thế kỷ XIX, Đình thần Mỹ Xuyên (1876), chùa Phước Lâm (1886) của dân tộc Kinh, Quan Thánh Đế Miếu... của dân tộc Hoa có trên 100 năm. Đặc biệt là ngôi chùa cổ Ba Thắc gắn liền với tên cửa sông Ba Thắc, truyền thuyết về Ông Ba Thắc và những trận đánh diễn ra ở khu vực này vài trăm năm trước.Ngôi chùa cổ này còn có bảng tên chùa ghi bằng chữ Pháp La pagode de Bassac và năm trùng tu lại là năm 1927. Vài chục năm trước đây, khi mưa lớn, sân trước ngôi chùa này thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện những xương ống chân, ống tay người, được Ban quản trị chùa quy tập táng chung vào một ngôi mộ.
Tại trung tâm TP Sóc Trăng hiện nay, còn có các chùa Khmer cổ như chùa Kh‘leang (1532), chùa Mahatup (1569); đình Năm Ông ở TP. Sóc Trăng (1760) phối thờ 3 nhân vật người Hoa và 2 nhân vật người Kinh, Hòa An Hội quán ở TP. Sóc Trăng (chùa Ông Bổn, 1875). Ngoài ra, còn có Miếu Bà Thiên Hậu (1891) ở thị xã Vĩnh Châu của dân tộc Hoa; nhà thờ Công giáo tại Bãi Giá ( xã Trung Bình), có cách nay gần 130 năm (1894). Số liệu năm 2011 trong họ đạo được 4664 người, với 840 gia đình. Nhà thờ này có lối kiến trúc mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer, một điều hiếm thấy trong các nhà thờ Công giáo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay đã được xây dựng mới, khánh thành ngày 31.12.2008. Riêng chùa Tắc Gồng (huyện Mỹ Xuyên) còn lưu giữ và đang tiếp tục sử dụng nhà sàn bằng gỗ có từ cả trăm năm, nhưng đang xuống cấp trầm trọng. Nhà sàn này gần giống như một sa la của Phật giáo Nam tông.
Sóc Trăng còn có một số nhà cổ bằng gỗ hay kiến trúc thời Pháp chưa được chú ý tôn tạo, giữ gìn. Hội Thả đèn gió cũng là 1 hoạt động truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp cũng cần có giải pháp phục hồi và tổ chức ở địa điểm thích hợp. Cây Bàng cổ thụ đình Phụng Tường có thể trở thành cây di sản quý hiểm, gắn liền với quá trình khai phá vùng đất Sóc Trăng xa xưa.
Một số trong các địa điểm, sự vật nêu lên cũng có thể đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể hoặc di tích cấp tỉnh hay cấp quốc gia. Ngoài ra, Một số đình, chùa của 3 dân tộc cần được tiếp tục khảo sát để làm hồ sơ di tích, di sản .
Vấn đề thứ 7chính là cần tiếp tục gìn giữ phát huy một số công trình nối tiếp và công trình mới sau này. Từ sau ngày giải phóng 30/4/1975 đến năm 2000, hoạt động thương mại, văn hóa, giáo dục... trong tỉnh phát triển ngày càng tốt hơn, nhất là sau khi có chủ trương đổi mới từ cuối năm 1986.
Các công trình xây dựng ngày càng nhiều trên nhiều lĩnh vực, để lại một số dấu ấn mới như cộng trình kiến trúc các cụm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia; tượng đài Đoàn kết phụ nữ 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh, khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, Quảng trường 30/4, nơi có tượng nhà BS Nông học, AHLĐ Lương Định Của, Tháp cốt nguyên cố Phó CT Quốc hôị Huỳnh Cương trong khu vực chùa Kh’leang...
Nổi bật là điềm du lịch cấp tỉnh Tân Huê Viên với nhiều công trình xây dựng mang kiến trúc dân tộc Hoa và Kinh. Trong những công trình nêu trên, chúng ta cần chú ý đến tính lịch sử, mang tính chất tiêu biểu đại diện của Hồ Nước Ngọt. Đặc biệt là của các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnhcần lưu ý bảo vệ, trùng tu, phát huy trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Du khách xem biểu diễn dàn nhạc ngũ âm
Ngoài di sản kiến trúc đình, chùa, miếu, tỉnh Sóc Trăng còn được biết đến với văn hóa lễ hội phong phú của 3 dân tộc được giữ gìn từ xưa và phát huy đến ngày hôm nay. Đó là các lễ, Tết, hội của người Khmer như Tết vào năm mới Chôl - chnăm - thmây, Lễ Đôn - ta, Lễ hội Ooc om boc – Đua ghe Ngo, Lễ Kiết giới (Sà Mạ)...; Tết Nguyên tiêu, Thanh Minh, Đoan Ngọ, lễ hội đấu đèn, hội thi Thư pháp ... của người Hoa; Tết Nguyên đán, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Sông nước miệt vườn của người Kinh.
Ngoài sự độc đáo, hấp dẫn, thu hút của Hội Đua ghe ngo truyền thống trong Lễ hội Ooc om boc, người Khmer Nam bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng còn nổi tiếng với nghệ thuật sân khấu Rô băm, Dù kê, các điệu múa dân gian... Những di sản văn hóa lễ hội này ngày càng được bảo tồn và phát huy, phục vụ cho đời sống tinh thần của 3 dân tộc và cả hoạt động du lịch của tỉnh. Nghệ thuật sân khấu Rô băm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Các loại hình ca, múa, nhạc Khmer, dụng cụ nhạc khí, dàn ngũ âm ngày càng được biết đến nhiều hơn, góp phần tích cực trong giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Đoàn nghệ nhân sân khấu Rô băm đã được Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cử đi dự Lễ hội đời sống dân gian tại Hoa Kỳ năm 2007. Bộ VHTTDL đã có quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật sân khấu Rô băm” của người Khmer huyện Trần Đề. Lễ đón nhận Bằng công nhận được Sở VHTTDL tổ chức tại huyện Trần Đề tháng 5 năm 2019.
Tóm lại, di tích lịch sử, di sản văn hóa rất có giá trị cho hôm nay và mai sau, vì vậy chúng ta cần đề cao nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và của địa phương nói riêng, thông qua thái độ ứng xử nghiêm túc và có trách nhiệm với di tích lịch sử và di sản văn hóa của tỉnh (Kiểm kê, bảo tồn và phát huy). Những di tích, di sản văn hóa có thể làm điểm tham quan du lịch hay trình diễn phục vụ (đối với di sản văn hóa phi vật thể) cần bảo đảm tốt môi trường tự nhiên và xã hội, tránh tình trạng lợi dụng hay chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần có thể làm hư hỏng di tích lịch sử, di sản văn hóa, không đảm bảo sự phát triển bền vững trong quá trình bảo vệ di sản, di tích gắn với hoạt động du lịch. Trân trọng, gìn giữ và phát huy tốt các di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn kết với hoạt động du lịch là một trong những biểu hiện của ý thức và hành động bảo vệ truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, là sự tự hào về quá khứ của các thế hệ đi trước; cùng quá khứ, thông qua những di tích lịch sử, di sản văn hóa, để xây dựng hiện tại và phát triển tương lai./.
Trịnh Công Lý