Sóc Trăng có diện tích cồn và cù lao khá lớn, có chiều dài từ đầu cù lao Phong Nẫm, huyện Kế Sách đến đuôi cồn Cù Lao Dug (CLD) khoảng 60km. Chỉ tính riêng huyện CLDcó chiều dài khoảng trên 30km, chiều ngang rộng nhất đuôi cồn lên tới trên 10km. Tính chung, CLD cótới 26.059,93 ha đất tự nhiên, trong này có 14.860 ha diện tích đất nông nghiệp. Đây là vùng đất màu mỡ nhiều phù sa, phù hợp với trồng các loại cây ăn trái ở đầu cồn, các loại cây khác như mía, dừa, chuối. Đặc biệt là nuôi tôm, cá.
Với trên 1.200 ha rừng bần và hàng chục ngàn ha bãi bồi ven biển, hệ động, thực vật phong phú, Cù Lao Dung là địa diểm lý tưởng để xây dựng mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn với sông nước miệt vườn, với rừng và biển. Các cồn, cù lao khác là những vệ tinh cần thiết cho phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Thực tế dự án Du lịch cộng đồng do Công ty TNHH DVDL Vòng Tròn Việt thực hiện theohợp đồng ký với Sở KHCN tỉnh, tuy chưa hoàn thành, nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả, thu hút du khách trong và ngoài khu vực ĐBSCL đến khám phá, trải nghiệm, nhất là cồn Mỹ Phước và xã An Thạnh Nam.
Để có thể đưa huyện đảo CLD và một số cồn, cù lao khác của huyện Long Phú, huyện Kế Sách trở thành điểm đến du lịch thu hút, nhất là du lịch xanh, du lịch cộng đồng, đề xuất một số ý kiến như sau:
1.Bảo vệ và phát triển hệ thống rừng bần ngập mặn ven biển và dọc theo sông Hậu, hệ thống động thực vật ven biển, ven sông. Có thể khẳng định rằng hệ thống rừng bần góp phần vào giữ gìn hệ sinh thái, giữ gìn sự trong lành của môi trường trong tỉnh Sóc Trăng và các vùng lân cận. Đây còn là môi trường sinh sống lý tưởng của các loài dơi, loài chim, khỉ, rái cá, giáp xác . . .. Bần còn là một gia vị không thể thiếu được trong chế biến món ăn canh chua bần cá ngác hay làm gỏi bần. Bần còn gắn với truyền thuyết về tên gọi cây thủy liễu do vua nhà Nguyễn đặt tên.
Bảo vệ và phát triển ngày càng nhiều hệ thống rừng ven biển, ven sông, còn góp phần bảo vệ bờ biển, chống xói lỡ hai bên bờ sông, tạo cảnh quan thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường trong lành, phục vụ cho các hoạt động của con người.
2. Nghiên cứu phát triển hệ thống cây ăn trái 4 mùa trên vùng đất cồn và cù lao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế của cây trồng. Mấy năm nay, các hộ nhà vườn và ngành chức năng, cùng địa phương có nhiều dự án, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng hiệu quả chưa cao. Như ngày hội Sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước mùng 4, mùng 5/5 âm lịch, du khách chưa cảm thấy thu hút khi nơi đây còn thiếu nhiều cây ăn trái, nhãn chỉ có trái nhỏ, chưa sẵn sàng phục vụ du khách. Cù lao Phong Nẫm có loại nhãn tím, nhưng không thể phục vụ được theo nhu cầu thị trường v.v. . . Như vậy cần có dự án mang tính khả thi, làm cuộc cách mạng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với sự tham gia của nhiều nhà, mục tiêu là nâng cao được chuỗi giá trị của cây ăn trái xứ cồn, xứ cù lao của tỉnh Sóc Trăng.
Chúng ta cũng cần ngiên cứu cây trồng, quy hoạch thế nào cho khác với vườn cây ăn trái ở Tiến Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Tạo nên thương hiệu trái cây duy nhất có ở Sóc Trăng.
3. Bảo vệ nguồn nước ngọt thiên nhiên ban tặng cho chúng ta bằng nhiều phương cách khác nhau, để bảo vệ sự sống cho con người xứ cồn, đất cù lao. Hiện nay, sự cảnh báo của các nhà khoa học, khai thác quá mức nước ngầm sẽ làm sụt lún mặt đất khu vực đó và cũng làm cạn kiệt nguồn nước trong lành dưới lòng đất. Huyện Cù Lao Dung cần đầu tư bảo vệ, mở rộng kinh đào từ đầu cồn An Thạnh 1 đến giáp xã An Thanh 5. Với chiều ngang mặt kinh khoảng 15m - 20m, độ sâu 3 đến 4 mét, chiều dài khoảng 25 km, chúng ta sẽ có từ 1,2 triệu đến 2 triệu mét khối nước ngọt, đủ phục vụ cho hơn 70.000 dân của huyện đảo CLD. Đó là chưa tính đến hiệu quả phục vụ sản xuất của dòng kinh xanh này. Người dân sẽ không còn cảnh lo thiếu nước ngọt khi đến mùa khô hạn hàng năm. Tỉnh Tiền Giang ngăn dòng cửa Ba Lai làm cống đập Ba Lai từ năm 2004 để ngăn nước mặn giữ nước ngọt vào mùa khô đã phục vụ sinh hoạt cho khoảng 75.000 hộ dân trong tỉnh.
Như vậy, nếu quy hoạch dòng kinh nước ngọt theo đề nghị này thì huyện Cù Lao Dung sẽ có dòng kinh xanh nước ngọt quanh năm. Đây là nơi cung cấp tôm cá, đặc biệt cònlà sản phẩm du lịch độc đáo của xứ cồn thuộc tỉnh Sóc Trăng, nếu được khai thác phù hợp.
4. Cần có hệ thống thu gom, phân loại, xử lý rác và nước thải trên đất cồn và cù lao theo phương pháp khoa học, chống xả rác bừa bải xuống kinh rạch, xây dựng các cầu tiêu đều hợp vệ sinh, nước thải được xử lý trước khi đưa ra sông, rạch. Hiện nay, tình trạng các hộ dân vứt rác xuống kinh rạch còn khá phổ biến. Trong các bãi bổi rừng bần, rất nhiều rác, bọc ni lông được nước biển đẩy vào, ảnh hưởng môi trường phát triển của các loại cây, sự sống của các loại tôm, cua, cá, sò, ốc...
Ngoài ra, để góp phần xây dựng nông thôn mới, cần tuyên truyền khẩu hiệu “nói không với rác thải nhựa”. Cả hệ thống chính trị của từng dịa phương có thể nghiên cứu, tạo sự đồng thuận để đưa ra mục tiêu: xứ cồn, xứ cù lao không sử dụng bọc ni lông, không xả rác bừa bải, mỗi con đường là những đường hoa, đường bông, đường cây tạo bóng mát và cảnh quan, nơi thư giản cho du khách. Ở xã An Thạnh Nam, gần Famstay Sân Tiên, có hộ dân tham gia trong tổ DLCĐ còn biết cách đan giỏ lá dừa tặng du khách, để dựng các chai mật ong hay quà đặc sản trong đó.
5. Sẽ thiếu sót, nếu chỉ nói đến bảo vệ môi trường tự nhiên, mà không nói đến môi trường xã hội. Phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng luôn gắn với môi trường xã hội thân thiện, cởi mở. Người dân ở các điểm đến cần được tập huấn về văn hóa giao tiếp, hiểu được ý nghĩa mục đích và hiệu quả của việc phát triển du lịch tại địa phương, là thúcđẩy phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các dịch dụ đi kèm, mỗi gia đình có sự đồng thuận và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại địa phương điểm đến. Cần đầu tư cho công tác tuyên truyền vận động để mỗi người dân là một chủ nhà hiếu khach, luôn lịch sự, cởi mở với khách phương xa. Nụ cười, thái độ thân thiện sẽ là những sản phẩm du lịch vô cùng quý giá ở mỗi điểm đến.
6. Giữ gìn an ninh trật tự chung và đảm bảo an toàn cho du khách là một trong những yêu cầu khi tổ chức hoạt động du lịch, đón khách tại điểm đến cũng như trong suốt quá trình tour du lịch của khách. Để thực hiện tốt công tác này, cần có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền các hội đoàn thể quần chúng và cộng đồng dân cư. Không nên làm mất sự hứng thú tham quan, trải nghiệm của du khách khi phải lắc đầu hay phải trả lời cho những người bán vé số, hay mua bán dạo hoặc số người bán nhang đèn ở các nơi thờ tự, đình, chùa...
Là vùng sông nước nên du khách cần được đảm bảo an toàn tuyệt đối trong khi di chuyển, nhất là các phương tiện đường thủy, tàu, phà, đi tàu ra cửa biển, đi cầu khi ngang kinh rạch, tắm sông, đi trên ghe, xuồng, chạy xe đạp v.v... Các tàu, phà, thuyến cần có áo phao cho du khách, chạy xe 2 bánh cần có nón bảo hiểm... Trong khi dịch bệnh covid -19 còn, cần nghiêm túc tuân thủ 5K, chích 2 mũi hoặc mũi thứ ba cần thực hiện đúng quy định của ngành y tế và chính quyền địa phương từ các khâu ăn, uống, nghỉ ngơi, tham quan.
Giữ gìn an ninh trật tự nơi nghỉ đêm của du khách là vấn đề hết sức quan trọng. Cần tạo không khí an lành, thanh tịnh, tránh ôn ào, phiền toái đến du khách. Các khâu trình báo tạm trú cần được thực hiện gọn gàng nhanh lẹ giữa cơ sở lưu trú và ngành chức năng. Ngoài ra, điểm đến du lịch cũng cần có những dịch vụ thiết yếu để đáp ứng cho du khách khi cần thiết, tránh các trường hợp chờ đợi lâu, mất sóng điện thoại, bị cúp điện không báo trước…
Như vậy, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách, không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo mới lạ, giá cả phù hợp, mà còn có các yếu tố hết sức quan trọng là môi trường tư nhiên và xã hội. Cần quy hoạch bảo vệ làm cho môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của điểm đến du lịch ngày càng tốt hơn, tạo dấu ấn được trải nghiệm một khung cảnh gần gũi với thiên nhiên, an lành trong giao tiếp và sinh hoạt, khám phá những điều mới lạ trong du lịch xanh, những điều mới lạ về văn hóa độc đáo của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong loại hình du lịch cộng đồng, chính là một trong điểm nhấn để thu hút du khách đến với địa phương chúng ta./.
Trịnh Công Lý