Chùa Pringprum Mengkol hay thường gọi là Chùa Bến Đổi, tọa lạc tại xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng với tổng diện tích là 24.590m². Chùa có vị trí rất thuận lợi để Phật tử và du khách đến viếng do chùa tiếp giáp với tuyến hương lộ cạnh Ủy ban nhân dân xã Trinh Phú, mặt khác chùa tiếp giáp dòng sông Rạch Vọp, nơi ghe thuyền có thể ngược xuôi từ dòng sông Hậu đến chợ Mang Cá (xã Đại Hải, huyện Kế Sách) và Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Bến sông được nhà chùa xây dựng chỉnh chu, thuận tiện cho việc tham quan chùa bằng ghe, thuyền
Theo lời kể của sư trụ trì Sơn Ngọc Hà “Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1845 bằng những vật liệu thô sơ xuất phát từ lòng hướng Phật của bà con Phật tử trong vùng. Trước khi an lạc tại vị trí hiện tại, bà con đã từng dựng chùa tại một số vị trí khác cách chùa hiện tại khoảng vài cây số nhưng đều không thành do chiến tranh tàn phá hoặc vùng đất có nhiều cọp dữ. Trải qua thời gian dài bị bỏ hoang, di tích chùa cũ bị xuống cấp và sạt lở, từ năm 2000 sư trụ trì Sơn Ngọc Hà đã về tiếp nhận và thực hiện tu bổ và xây dựng lại chùa từ nguồn đóng góp của người dân. Dần dần, các công trình được nối tiếp nhau xây dựng tạo nên ngôi chùa bề thế như ngày nay”.
Chùa là một tổng thể kiến trúc gồm có chánh điện, sala, tượng Phật Thích Ca tọa thiền, khu tái hiện cuộc đời Đức Phật bằng tượng, cột cờ, các tháp để tro cốt của người mất…Đường dẫn vào chùa là một cây cầu kiên cố bắt qua con rạch nhỏ, dưới hai bên dốc cầu là cặp voi trắng lớn trong tư thế mạnh mẽ và uy nghi. Theo truyền thuyết, voi là con vật khôn nhất trong các loài thú và là hình tượng gắn liền với cuộc đời của Đức Phật. Phật Thích Ca Mâu Ni trong những tiền kiếp của mình đã sinh làm voi và vào kiếp sau cùng của mình, mẹ của Đức Phật đã mơ thấy voi trắng chui vào hông phải, từ đó bà mang thai và hạ sinh ra Đức Phật.
Lối dẫn vào chùa
Nổi bật trong khuôn viên ngôi chùa là tượng phật Thích Ca trong tư thế tọa thiền uy nghiêm, tượng cao 27,7m được xây dựng vào năm 2015 và khánh thành vào năm 2016 trên tổng diện tích gần 100m². Hai bên lối dẫn lên tượng Phật là hình tượng rồng. Rồng trong tiếng Khmer là "Neak", đây là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Phật giáo Khmer. Hình tượng rồng biểu trưng cho mưa thuận gió hòa và là hình tượng rất gần gũi với sự tích của đức Phật chẳng hạn như: Chín rồng phun nước tắm cho Thái tử khi mới đản sinh, rồng che mưa cho Phật, Phật hàng phục hỏa long… Tổng cộng có 35 bậc thang dẫn lên tượng Phật, chung quanh tượng Phật lớn là hình tượng Đức Phật khất thực tạo thành hàng rào bao quanh. Hình tượng Phật đi khất thực để giúp cho mọi người hiểu ra sự khổ và biết cách thoát khổ, bước chân khất thực của Phật không biên giới, Phật đi đến đâu thì người người được hân hoan, nhà nhà được đầm ấm, cuộc sống được thanh bình.
Tượng Phật Thích Ca tọa thiền
Chánh điện chùa được xây dựng năm 2004 với tổng diện tích 180 m². Cũng như các ngôi chùa Khmer khác, bên trong chánh điện thờ Phật Thích Ca. Chung quanh chánh điện được trang trí bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật từ lúc sinh ra cho đến khi nhập niết bàn. Kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt trước ngôi chánh điện chính là trên các đầu cột ở bốn góc được trang trí hình tượng chim thần Krud - mình người đầu chim và các tượng nữ thần Keynor ở tư thế vươn lên đỡ lấy mái chùa, tạo sự chuyển tiếp giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái.
Sala trong chùa được xây dựng theo quy cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng. Sala còn được gọi là nhà hội, là giảng đường của những sư sãi, nơi tiếp khách trong những ngày lễ tết trong năm của đồng bào Khmer. Ngoài ra, đây cũng là nơi dùng để cử hành lễ dâng cơm, nơi các Phật tử bàn bạc, chuẩn bị lễ vật trước khi lên chánh điện hành lễ theo nghi thức cổ truyền của dân tộc. Trung tâm sala có bàn thờ Phật Thích Ca nhưng đơn giản hơn so với chánh điện.
Nhà hội sala
Vào những ngày trời oi bức sau khoảng thời gian tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây, khuôn viên chùa vẫn khá mát mẽ do tán của những cây cổ thụ rợp cả một khoảng sân rộng. Các loại cây được trồng chủ yếu là cây đa, dầu, sao, da… Đặc biệt, trong sân chùa có cây da hàng trăm tuổi, tán cây rộng khoảng 30m, cành lá sum suê. Tương truyền cây da này có trước khi xây dựng chùa, tức là trước năm 1845.
Cây da hàng trăm năm tuổi trong khuôn viên chùa
Hiện tại, nhà chùa đang xây dựng thêm công trình tượng phật Thích Ca nhập niết bàn cao 16m, dài 42m ở phía bên trái chánh điện. Công trình được khởi công vào tháng 9/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Ngoài ra, phía sau chùa đang khởi công xây dựng công trình tượng rắn thần Naga che chở Đức Phật. Sau khi hoàn thành, các công trình này sẽ tô điểm thêm vẻ đẹp cho ngôi chùa, góp phần tạo thêm điểm nhấn để ngôi chùa không chỉ là nơi tu hành trang nghiêm của Phật tử mà còn là điểm đến nổi bật của du khách gần xa.
Tài liệu tham khảo: Khảo sát thực tế và theo lời của sư Sơn Ngọc Hà – Trụ trì chùa Pringprum Mengkol.
Nguyễn Lợi