Thực trạng và giải pháp về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020 - 2025

26/09/2023 1782 0

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với nhiệm vụ và giải pháp về du lịch là Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; trong đó, tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa lễ hội, di tích lịch sử, du lịch sinh thái, miệt vườn,... gắn với khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch”.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội; Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung khai thác tài nguyên; phát triển tiềm năng du lịch; đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, nâng tầm các sự kiện, lễ hội đặc trưng của 3 dân tộc, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch của tỉnh. Đã đạt được những kết quả như sau:

Về loại hình du lịch tâm linh, nhiều điểm du lịch tiêu biểu đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng chất về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn trật tự và chất lượng các dịch vụ phục vụ cho du khách, như: chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Kh’leang, chùa Mahatup (chùa Dơi), Nhà trưng bày Văn hóa Khmer... Ngoài ra, các dự án, hạng mục công trình được xây dựng mới như: Khu Văn hóa Tín ngưỡng Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm); chùa Som Rong; chùa Quan Âm Linh Ứng. Một số dự án đang triển khai thực hiện như: chùa Quan Âm Đông Hải (thị xã Vĩnh Châu), dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (huyện Châu Thành) và Tòa Liên Hoa Bảo tháp (tại điểm du lịch Tân Huê Viên).

Về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, sau khi Đề án Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh Sóc Trăng được triển khai thực hiện, loại hình du lịch cộng đồng tỉnh đã hình thành và từng bước phát triển, như: Cụm du lịch cộng đồng tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung... Đồng thời, các địa phương trong tỉnh đã gắn kết xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch, thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, giao thông thuận lợi, an toàn cho du khách. Vận động nhân dân xây hàng rào, trồng hoa dọc theo các tuyến đường, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh… tạo cảnh quan sinh thái tự nhiên, thu hút du khách khi tham quan trải nghiệm đồng quê.

Về du lịch biển, tỉnh hiện có điểm du lịch biển là biển Mỏ Ó thuộc huyện Trần Đề và biển Hồ Bể thuộc thị xã Vĩnh Châu; tuyến tàu khách cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện nay có 2 doanh nghiệp đang khai thác, trung bình 2 - 3 chuyến/ngày phục vụ khoảng 1.000 khách/ngày, mỗi năm phục vụ hơn 250 nghìn lượt khách.

Về du lịch lễ hội, hoạt động tổ chức các lễ hội truyền thống của tỉnh đã nâng cấp, đi vào nề nếp, phát huy truyền thống văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, quy mô các lễ hội ngày càng được nâng lên như: Lễ hội cúng Phước Biển; Lễ hội Thắk Côn (lễ hội Cúng dừa)... Đặc biệt Lễ hội Nghinh Ông (huyện Trần Đề) và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sóc Trăng có 92 chùa Khmer, với nét kiến trúc độc đáo và mang nét đặc trưng, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Nhiều di sản, di tích văn hóa, kiến trúc lịch sử của tỉnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa, di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia, đã được các địa phương, điểm du lịch khai thác phục vụ khách du lịch, tạo nên nét độc đáo của tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng các dịch vụ du lịch đi kèm như: dịch vụ xe điện phục vụ đưa khách tham quan tại khu vực chùa Mahatup (chùa Dơi) và một số tuyến đường trong nội ô thành phố Sóc Trăng; dịch vụ đưa phà cho khách tham quan và vui chơi quanh cồn Mỹ Phước và rừng bần ngập mặn Cù Lao Dung; xây dựng trên 20 sản phẩm văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa phục vụ khách du lịch; thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử, tụ điểm văn hóa tại các điểm du lịch; các chùa Khmer phục vụ khách tham quan. Góp phần khai thác, phát triển văn hóa tâm linh gắn với các loại hình văn hóa phi vật thể tại địa phương.

Giai đoạn 2020 - 2023, có nhiều điểm du lịch mới của tỉnh cũng đã được hình thành và trở thành điểm đến trong các chương trình tour, tuyến kết nối với các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh, như: Điểm du lịch Tân Huê Viên (huyện Châu Thành); chùa Som Rong, chùa Quan âm Linh Ứng (thành phố Sóc Trăng); Du lịch chùa Chén Kiểu, Điểm dừng chân Minh Khải (huyện Mỹ Xuyên); chùa Sê Rây Ta Mơn (huyện Trần Đề); Nhà cổ họ Lai (thị xã Vĩnh Châu); Du lịch Sân Tiên (huyện Cù Lao Dung)… Hiện tại, có 43 công ty lữ hành đã kết nối với tỉnh Sóc Trăng đưa khách du lịch theo các tour chính.

Về hạ tầng dịch vụ du lịch, toàn tỉnh có hơn 70 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 1 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn đạt hạng 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, và 60 khách sạn, nhà nghỉ đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch với tổng số hơn 1.400 phòng; có 6 công ty lữ hành nội địa; có 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, trong đó có 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Về nhân lực du lịch, toàn tỉnh hiện có hơn 470 công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã trực tiếp làm các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước, quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó có 9 công chức, viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên chuyên ngành du lịch và hơn 1.300 lao động trực tiếp phục vụ trong ngành, nghề du lịch, tham gia trực tiếp vào việc cung ứng các dịch vụ du lịch như: cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, các điểm du lịch, điểm tham quan, các công ty lữ hành, lao động tại các điểm du lịch cộng đồng và các dịch vụ khác... trong đó khoảng 75% được đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ du lịch.

Về khu, điểm du lịch, trong giai đoạn năm 2020 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh công nhận thêm 2 điểm du lịch (Điểm du lịch Di tích lịch sử Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng và Điểm du lịch chùa Bô Tum Vong Sa Som Rông), đến nay tỉnh có 6 điểm du lịch được công nhận, tăng 2 điểm so với năm 2020.

Kết quả tổng hợp lượt khách du lịch đến Sóc Trăng và doanh thu từ du lịch của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay như sau:

Năm 2021, toàn tỉnh có 760.440 lượt, doanh thu đạt 334 tỷ đồng. Năm 2022 có 2.794.000 lượt khách, doanh thu đạt 1.484 tỷ đồng. Cho thấy ngay từ tháng 3/2022, khi có chủ trương Chính phủ cho phép mở đón khách du lịch trở lại sau thời gian tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình du lịch tỉnh nhà đã nhanh chóng phục hồi. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh là 1.992.497 lượt, đạt 87% kế hoạch năm (khách quốc tế là 26.407 lượt, đạt 41% kế hoạch năm). Trong đó, tổng lượt khách lưu trú là 350.217 lượt, đạt 87% kế hoạch năm (khách lưu trú quốc tế là 12.417 lượt, đạt 52% kế hoạch năm); tổng lượt khách tham quan là 1.642.280 lượt, đạt 87% kế hoạch năm (khách quốc tế là 13.990 lượt, đạt 35% kế hoạch năm). Tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.010 tỷ 135 triệu đồng (đạt 100% kế hoạch năm).

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, ngành du lịch tỉnh nhà vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, một số nguyên nhân cơ bản như: việc đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và các sản phẩm du lịch mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế. Các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch triển khai còn chậm so với phê duyệt của UBND tỉnh; kết cấu hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, việc kết nối tour - tuyến từ các điểm tham quan chưa thực hiện tốt, có tác động bất lợi đối với hoạt động du lịch nói chung và xây dựng sản phẩm du lịch mới nói riêng.

Hằng năm, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng đều tăng bình quân 8%/năm, tuy nhiên, lượng khách lưu trú lại Sóc Trăng không nhiều, thời gian lưu trú không lâu. Đặc biệt qua gần 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, một số cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch, điểm tham quan du lịch phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động, lao động trong ngành du lịch bị dịch chuyển nhiều sang các ngành khác…

Xác định được những tiềm năng, lợi thế, đánh giá hiện trạng những mặt đã làm được; những khó khăn, hạn chế nêu trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 28/2/2022 của HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer, bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh không gian Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Sóc Trăng gắn liền với các di tích, lịch sử văn hóa kiến trúc; phát triển các sản phẩm nghệ thuật dân tộc đặc sắc phục vụ khách du lịch thường xuyên tại các điểm đến du lịch trên địa bàn nhất là các loại hình nghệ thuật được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghệ thuật sân khấu Dù kê, nghệ thuật Rôbăm, múa rom vong và nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer... qua đó nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng Sóc Trăng là vùng đất của những di sản và những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng, đồng thời khai thác những giá trị của di sản nêu trên để phục vụ cho phát triển du lịch tỉnh nhà.

Thứ ba, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022.

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động trong ngành du lịch, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 123/KH-UBND, ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho lao động trực tiếp phục vụ trong ngành, nghề du lịch đến năm 2030.

Thứ năm, tăng cường kêu gọi đầu tư, phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch, trong đó tập trung kêu gọi phát triển khách sạn 3 sao trở lên, nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch đường thủy nội địa, phát triển các dự án vui chơi giải trí, loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê... thông qua việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020 - 2025.

Thứ sáu, triển khai thực hiện, hoàn thành và vận hành hiệu quả Bảo tàng thông minh, Thư viện số, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” cùng với Hệ thống du lịch thông minh của tỉnh qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng đất và con người Sóc Trăng đến du khách trong nước cũng như quốc tế thông qua các nền tảng số.

Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự quan tâm, ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tỉnh đến cơ sở, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, du lịch Sóc Trăng sẽ có những bước phát triển tốt trong thời gian tới. Thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025 du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trong tương lai không xa, đến năm 2030 du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp địa phương, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương và là động lực để các ngành kinh tế tỉnh nhà càng phát triển.

Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/xay-dung-dang/thuc-trang-va-giai-phap-ve-phat-trien-du-lich-tinh-soc-trang-tren-co-so-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-soc-trang-nhiem-ky-2020-2025-67747.html

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu