Hành trình chiếc ca nô do Bác Tôn lái và 12 chiến sĩ cộng sản từ nhà tù Côn Đảo về cửa biển Mỹ Thanh ngày 23/9/1945

26/09/2023 1022 0

Năm 1945 là năm phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cả nước với cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Ở nhà tù Côn Đảo, từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, phong trào đấu tranh của những người tù chính trị cộng sản dần dần chuyển sang một cục diện mới, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945. Đó là việc đấu trí, cô lập, phân hóa kẻ thù, từng bước tập hợp lực lượng về phía cách mạng, nâng dần mức độ đấu tranh, lật đổ ách thống trị tại nhà tù, thành lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo trong những ngày đầu tháng 9/1945. Đây là một quá trình chuẩn bị và tiến hành hết sức thận trọng, công phu, thể hiện sự năng động, nhạy bén của Đảo ủy nhà tù trong việc đề ra phương thức giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng ngay trong bối cảnh và điều kiện hết sức đặc biệt, xa cách với phong trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi trong đất liền.


Bia lưu niệm Đoàn tù chính trị về bến Đại Ngãi. Ảnh Sóc Ca

    Trong khi chờ đợi tàu ở đất liền ra rước về, để chủ động đối phó với những bất trắc có thể xảy ra, Đội phòng thủ Côn Lôn do đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Đảo ủy cùng đồng chí Phan Trọng Tuệ phụ trách, trang bị vài chục khẩu súng, còn lại là giáo mác, mã tấu, gậy gộc được huấn luyện quân sự ngay để làm nhiệm vụ. Đảo ủy còn chỉ đạo các công tác khác như giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển các đoàn thể quần chúng như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Thiếu nhi cứu quốc; huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ về lý luận và thực tiễn; xuất bản báo Độc lập để phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Tôn Đức Thắng cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ sửa ca nô để liên lạc với đất liền, sửa radio để nghe tin tức. Radio sửa xong, cả đảo reo hò khi nhận được tin qua một đài phát thanh nước ngoài về bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và danh sách thành viên Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Trong khi đó, ở trong đất liền, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, việc tổ chức rước đoàn tù chính trị Côn Đảo trở về đất liền là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và của Xứ ủy, Ủy ban hành chánh Nam bộ.

    Tại Sài Gòn, sáng ngày 25/8/1945, cuộc cách mạng tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi trọn vẹn. Tối cùng ngày, Xứ ủy và Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ tổ chức cuộc họp để kiểm điểm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn, vừa bàn kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt, vừa khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức rước tù chính trị Côn Đảo.

    Sau quá trình triển khai và chuẩn bị khẩn trương, đoàn đi rước gồm 25 chiếc ghe mũi đỏ Gò Công và tàu Phú Quốc. Sau mấy ngày chạy trên các sông trong đất liền, đoàn ra tới Côn Đảo vào tối ngày 16/9/1945. Từ ngày 18/9 đến 22/9/1945, Đảo ủy nhà tù nhanh chóng triển khai nhiều công tác như tổ chức vận động Tuần lễ vàng thu được số tiền và vàng trị giá khoảng 2.000 đồng; viếng thăm mộ các liệt sỹ hy sinh tại Côn Đảo như mộ Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong… Các thuyền viên vừa được hướng dẫn tham quan các nhà tù, vừa tranh thủ thời gian tu sửa ghe như đóng lại sập ngồi, chỉnh, sửa lại buồm, dây các loại… Một bộ phận cán bộ lãnh đạo Đảo ủy và các chi bộ khẩn trương thực hiện công tác tập hợp và lập danh sách số tù chính trị, bố trí số lượng người cụ thể xuống tàu Phú Quốc và các ghe, ca nô.

    Khuya 22, rạng sáng ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc và đoàn ghe 25 chiếc chở gần 2.000 tù chính trị rời Côn Đảo. Theo sau đoàn tàu, ghe là chiếc ca nô chở 13 người tù chính trị. Chiếc ca nô do Bác Tôn hướng dẫn cùng với 2 thợ máy làm tài công là Nguyễn Hùng Minh và Nguyễn Hùng Phước.

    Trên đường về, cả đoàn ghe cùng chiếc ca nô lại bị gió mạnh rồi mưa giống, sóng lớn. Riêng chiếc ca nô bị sóng đánh, nước tràn cả vào bên trong, chiếc la bàn lớn bị sóng đánh rơi xuống biển. May nhờ đồng chí Tôn Đức Thắng còn giữ được chiếc la bàn nhỏ được gắn trong cây bút máy để ở túi áo ngực, nên ca nô vẫn được định hướng chạy về phía đất liền và đi lạc vào cửa Mỹ Thanh.

    Khi chạy gần đến xóm nhà, tiến vào gần bờ thì chiếc ca nô tắt máy. Lúc này, số dân quân, thanh niên, thiếu niên tiền phong của xã Lạc Hòa và nhân dân đã tập hợp khá đông với nhiều cờ đỏ sao vàng, cờ vàng sao đỏ (cờ hiệu của Thanh niên Tiền phong). Một người trên ca nô lội vào bờ hỏi thăm, rồi lại lội trở ra ca nô. Sau đó, số người trên chiếc ca nô chỉnh đốn lại quần áo, rời ca nô đi vào bờ. Mực nước ngập khoảng gần 1 mét, tất cả đoàn người đứng thành hàng dài, có 1 thanh niên cầm cờ đỏ sao vàng đi trước, tiến vào bờ và hát vang bài hát “Tiến lên đường máu”. Tất cả mọi người trên bờ ùa xuống mé nước đón đoàn tù chính trị. Một sự xúc động dâng tràn đối với mọi người có mặt lúc đó. Đại diện chính quyền, đoàn thể và nhân dân lập tức đưa đoàn đến võ ca (nơi làm sân khấu hát đình). Số thì dọn bánh, trái, trà nước; số thì chạy lo chỗ nghỉ, nấu cơm, thức ăn. Nhiều người trong đoàn cầm bánh pía, bánh in trong tay mà nước mắt cứ rưng rưng.

    Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, thăm hỏi, nắm tình tình hình chung, chiều tối cùng ngày, đoàn được hướng dẫn đi ngay về Sóc Trăng bằng chiếc ca nô theo tuyến sông Mỹ Thanh vào Cổ Cò, Bãi Xàu. Riêng đồng chí Phạm Hùng cũng đi ngay ra Đại Ngãi để đón đoàn tàu Phú Quốc và các ghe về ghé địa điểm này.

    Như vậy, điều khẳng định là tàu Phú Quốc và đoàn ghe 23 chiếc cập bến Đại Ngãi (huyện Long Phú), còn chiếc ca nô thì cập bến Mỹ Thanh. Tuy nhiên, danh sách cụ thể đoàn người trên chiếc ca nô thì lại có sự khác nhau ở một số tài liệu đã được công bố. Tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng ở thành phố Hồ Chí Minh và khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại thành phố Long Xuyên có ghi danh sách do đồng chí Nguyễn Hùng Minh cung cấp gồm 13 người giống như nhau. Trong quyển “Bác Tôn, cuộc đời và sự nghiệp” cũng ghi danh sách 13 người, nhưng chỉ khớp 10 người so với danh sách trên, còn 3 người lại khác về tên họ là: Tài (nhà bếp), Nguyễn Văn Trước và Nguyễn Văn Thủ. Còn tư liệu trong quyển “Mùa thu rồi ngày hăm ba, tập 2” lại có sự khác nhau 4 người trong danh sách so với phần tư liệu của đồng chí Nguyễn Hùng Minh. Riêng quyển “Một con người bình thường vĩ đại” nêu danh sách chỉ có 8 người, trong này có một số người chưa rõ tên họ.

    Để có thể phục vụ cho công tác nghiên cứu và xác định rõ vấn đề này, người viết xin đưa ra bản tổng hợp so sánh, đối chiếu sau đây:

STT

Tại Bảo tàng

Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minhvà Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

tại thành phố Long Xuyên

Trong quyển “Mùa thu rồi ngày hăm ba, tập 2: Độc lập hay là chết”, Hội đồng Khoa học xã hội TP.HCM, NXB Chính trị quốc gia 1996, tr.85

Trong quyển

“Bác Tôn, cuộc đời và sự nghiệp” - Ban Chấp hành Tỉnh ủy An Giang, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1998, trang 140

Trong quyển “Một con người bình thường vĩ đại ”

(Kỷ yếu hội thảo), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, 1988, trang 234

Tài liệu so sánh và khẳng định của tác giả bài viết

1

Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng

2

Phạm Hùng

Phạm Hùng

Phạm Hùng

Phạm Hùng

Phạm Hùng

3

Phan Trọng Tuệ

Phan Trọng Tuệ

Phan Trọng Tuệ

Phan Trọng Tuệ

Phan Trọng Tuệ

4

Nguyễn Văn Vịnh

Nguyễn Văn Vịnh

Nguyễn Văn Vịnh

Vịnh

Nguyễn Văn Vịnh

5

Nguyễn Hữu Xuyến

Đào Văn Trường

Nguyễn Văn Thủ

 

Đào Văn Trường

6

Nguyên Văn Trọng

Nguyễn Văn Trọng (Trọng Bé)

Trọng ( Em) (Cai Lậy)

Cam

Nguyễn Văn Trọng

7

Đặng Sâm

Sâm (Cai Lậy)

Sâm (Cai Lậy)

Sâm

Huỳnh Văn Sâm

8

Nguyễn Hùng Minh

Nguyễn Hùng Minh

Nguyễn Hùng Minh

Nguyễn Hùng Minh

Nguyễn Hùng Minh

9

Nguyễn Hùng Phước

Nguyễn Hùng Phước

Nguyễn Hùng Phước

Nguyễn Hùng Phước

Nguyễn Hùng Phước

 

Dương Văn Khuê

Trần Diệp

Khuê (Trần Diệp)

 

Trần Diệp (Lê Đức Khuê)

11

Lê Đức Phổ

Trần Văn Sớm

Tài (nhà bếp)

 

 

12

Trần Hữu Danh

Nguyễn Hữu Phước (Năm Thành)

Nguyễn Văn Trước

 

 

13

Lã Vĩnh Lợi

Lã Vĩnh Lợi

Lã Vĩnh Lợi

 

Lã Vĩnh Lợi

    Qua việc nghiên cứu và gặp một số nhân chứng, trong đó có đồng chí Trần Văn Sớm, Đào Văn Trường, Trần Diệp (ông Trần Văn Sớm (1918-2014), nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (1976-1982), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông về hưu năm 1991 và mất tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004. Ông Đào Văn Trương (1916-2017) mang quân hàm Đại tá từ năm 1950 và là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn 351 pháo binh; nguyên Tư lệnh Pháo binh, cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông chuyển hệ dân sự từ năm 1960 và về hưu năm 1979. Ông mất năm 2017 tại Hà Nội)… chỉ có 2 đồng chí Đào Văn Trường và đồng chí Trần Diệp xác nhận là có đi trên chiếc ca nô này và đồng chí Lê Đức Khuê chính là Trần Diệp. Còn đồng chí Trần Văn Sớm xác nhận là đi trên đoàn ghe ghé Đại Ngãi. Như vậy, tư liệu đồng chí Nguyễn Hùng Minh cung cấp có thể nhớ không chính xác về danh sách chung trong đoàn, riêng họ và chữ lót của đồng chí Trần Diệp viết đúng là Lê Đức Khuê. Một số hồi ký và bài viết nghiên cứu lại ghi trong danh sách có đồng chí Lê Văn Lương.

    Cho đến nay, trong số 13 người trên chiếc ca nô vẫn còn 2 đồng chí chưa có điều kiện để khẳng định chính xác. Mong rằng sẽ có người tiếp tục nghiên cứu để có thể xác định rõ ràng hơn về danh sách 2 người còn lại.

    Như vậy, liên quan đến việc đón tiếp đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền ngày 23/9/1945, ngoài các địa điểm là cầu tàu Đại Ngãi, cầu tàu Lục tỉnh tại chợ Sóc Trăng, chùa Quan Âm, làng Đại Ngãi (nay là thị trấn Đại Ngãi thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) - nơi một số tù chính trị đau yếu phải nghỉ đêm tại chùa, hôm sau mới đưa về tỉnh lỵ Sóc Trăng, Trường Taberd (nay là Trường ISchool Sóc Trăng, trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng), còn có ngôi Đình làng Mỹ Thanh với những diễn biến chi tiết sự kiện vừa nêu. Được biết, tàu Phú Quốc còn ra Côn Đảo lần thứ hai và chở khoảng 100 người tù từ Côn Đảo trở về, cặp bến Cần Thơ vào ngày 30/9/1945.

    Đến năm 1995, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công nhận nơi đón tiếp Đoàn tù chính trị Côn Đảo về nghỉ tại Sóc Trăng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2004, UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận Chùa Quan Âm là Di tích cấp tỉnh (chùa hiện đang quá trình xây dựng mới). Nhà Bia lưu niệm Đoàn tù chính trị về bến Đại Ngãi được tu sửa, xây dựng lại trên diện tích khuôn viên gần 1.500m2 với kinh phí trên 6,4 tỷ đồng. Riêng địa điểm Đình làng Mỹ Thanh đón tiếp 13 người về trên chiếc ca nô do Bác Tôn lái vẫn chưa được tiến hành xây dựng thành nơi di tích lịch sử quý giá.

    Với những đặc điểm nổi bật mang tính truyền thống lịch sử lâu dài của việc tiếp đón trọng thể, chân tình và đầy trách nhiệm, quan tâm bảo vệ, chăm sóc của Đảng bộ, quân dân, nhiều tầng lớp công, thương, trí thức, học sinh, đồng bào các dân tộc, tôn giáo… tại Sóc Trăng đối với đoàn quân chiến thắng trở về từ ngục tù Côn Đảo, xin kính trọng đề nghị lên lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng xem xét hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận quần thể Di tích cấp quốc gia đặc biệt với các địa điểm vừa trình bày ở trên (theo Điều 29 Luật Di sản Văn hóa 2001 - sửa đổi, bổ sung năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010). Đây cũng là nhiệm vụ chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng vô cùng quan trọng của cả hệ thống chính trị và để trân trọng, tôn vinh hơn 1.800 người tù Chính trị Côn Đảo chiến thắng trở về đất liền, tiếp tục hành trình chiến đấu gian khổ và vô cùng anh dũng của 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, cứu nước sau này.

Trịnh Công Lý

Nguồn:https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54308&id=297203&catname=Tu-tuong&title=Hanh-trinh-chiec-ca-no-do-Bac-Ton-lai-va-12-chie

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu