“Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”

20/11/2023 836 0

STO - Đó là chủ đề của hội thảo do Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào sáng ngày 17/11 tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh. Các đồng chí: Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng; Lâm Vĩnh Phương - Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Trần Văn Út - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng chủ tọa hội thảo.

Chủ tọa hội thảo. Ảnh: CHÍ BẢO

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Trần Văn Út cho biết, đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại tỉnh Sóc Trăng được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2019 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, gồm các nội dung: Tổ chức khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê và lập danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; tham gia tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; triển khai trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn phát triển du lịch.

Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” là một trong những hành trình kết nối giữa Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là sự kết nối với các bảo tàng đồng bằng sông Cửu Long trong nhận thức và đánh giá của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trang phục đồng bào Khmer, Hoa để từ đó xác định hướng và giải pháp cho công tác bảo tồn và phát huy trang phục thiểu số.

Ban tổ chức đã nhận được 10 bài tham luận. Trong buổi hội thảo, các đại biểu đã nghe 5 báo cáo tham luận làm rõ vai trò quan trọng trang phục truyền thống trong đời sống của người dân trong mọi hoàn cảnh như: cưới hỏi, sinh hoạt hằng ngày hay khi tham gia các sự kiện, lễ hội… những khó khăn và giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Sơn Thanh Liêm cho rằng, Việt Nam có 54 dân tộc cùng cộng cư sinh sống. Mỗi dân tộc đều giữ cho mình những nét văn hóa và trang phục truyền thống đặc trưng. Đây chính là vốn quý, là phần hồn, là cốt cách của mỗi dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm cho trang phục truyền thống phổ biến, nâng cao lòng tự hào dân tộc. Lan tỏa ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

CHÍ BẢO

Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-phi-vat-the-cua-trang-phuc-dan-toc-thieu-so-tren-dia-ban-tinh-soc-trang-68826.html

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu