Kết quả thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL

27/12/2024 116 0
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2030 (Chương trình) là một trong các chương trình trọng điểm, đột phá phát triển du lịch, đây là chương trình hợp tác đầu tiên về du lịch được triển khai trên phạm vi rộng với sự liên kết của 14 tỉnh, thành và không gian liên kết đa dạng với 5 nội dung trọng tâm nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy cho cộng đồng và doanh nghiệp du lịch, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đến các vùng liên kết khác trên cả nước.

Lễ công bố kết quả bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL

Trong năm 2024, thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình của Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, ngành du lịch các tỉnh, thành đã tham mưu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ban hành kế hoạch triển khai Chương trình, trong đó tập trung vào triển khai các nhiệm vụ chủ yếu như trong công tác quản lý nhà nước về du lịch: Tổ chức Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành tại Bến Tre; Hội nghị tổng kết Chương trình tại Long An.

Về công tác phát triển sản phẩm du lịch: Khảo sát 09 tuyến điểm du lịch đường sông kết nối kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre; định hướng liên kết với 02 tuyến tàu cao tốc kết nối TP.HCM – Bến Tre; TP.HCM – Tân Châu – Campuchia với 22 tuyến du lịch đã khai thác tại các tỉnh thành; công bố 55 tuyến du lịch đường sông trong đó hoàn thiện và triển khai phương án khai thác 19 tuyến du lịch đường sông có phục vụ lưu trú trên sông kết nối các tỉnh, thành ĐBSCL với 35 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ du lịch, vận chuyển; Tổ chức 09 chương trình famtrip khảo sát du lịch kết nối các doanh nghiệp du lịch của TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ, Bạc Liêu, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang với trên 500 lượt doanh nghiệp tham gia.

Về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch: Tổ chức thành công Tuần lễ Thương mại – Du lịch TP.HCM và ĐBSCL tại Cần Thơ với chủ đề “Tinh hoa miền sông nước” với 08 hoạt động chính và 07 hoạt động, sự kiện hưởng ứng đã thu hút trên 100.000 lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm các hoạt động trong khuôn khổ cũng như tại thành phố Cần Thơ; Tổ chức Chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn với chủ đề “Nâng tầm điểm đến – kết nối hành trình” với 126 điểm đến du lịch tại TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, kết quả có 50 điểm đến được công nhận là điểm đến hấp dẫn khách du lịch; Tổ chức 07 không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch chung; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thông tin du lịch vùng trên website, trang mạng xã hội, các báo, đài của 14 địa phương.

Về công tác đào tạo nguồn nhân lực: Phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, bối dưỡng về du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa – lịch sử, chuyển đổi số trong du lịch; kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên du lịch,…

Về công tác xúc tiến, đầu tư du lịch: Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo du lịch để ngành du lịch 14 địa phương tiếp cận các ý tưởng sáng tạo trong du lịch với 153 hồ sơ đăng ký tham gia, kết quả có 10 hồ sơ được xét chọn cơ cấu vào 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và các giải khuyến khích.

Triển khai kế hoạch Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL của Ủy ban nhân dân tỉnh; ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ Chương trình như: Ngày hội Du lịch TP.HCM, Tuần lễ Thương mại – Du lịch TP.HCM và ĐBSCL, Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE, xây dựng và triển khai bản đồ điểm đến trọng tâm vùng ĐBSCL 3D/360, khảo sát tuyến du lịch đường sông, tham gia chương trình bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn với kết quả chùa Som Rong và chùa Chén Kiểu được công nhận là điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng, cùng với các hoạt động khác như diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, famtrip, khảo sát,….được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân của 14 địa phương đã tạo sự chuyển biến tích cực, thu hút hút sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và tạo ra những giá trị khác biệt để du khách và người dân các địa phương trong vùng thụ hưởng; thông qua việc triển khai Chương trình, trong năm 2024 nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch được liên kết trong vùng đã hình thành, công tác quản lý nhà nước về du lịch ngày càng chặt chẽ, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường, hoạt động chuyển số được đẩy mạnh; các sản phẩm du lịch của 14 địa phương đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế trải nghiệm, trong đó với hơn 2,7 triệu lượt khách về khu vực ĐBSCL tham quan, ngược lại có hơn 01 triệu lượt khách từ các tỉnh, thành ĐBSCL đến TP.HCM.

Trong năm 2025, 14 địa phương sẽ tiếp tục cụ thể hóa nội dung của Thỏa thuận liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức hội nghị triển khai Chương trình năm 2025; thực hiện và công bố đề án phát triển sản phẩm liên kết vùng; phát triển chương trình du lịch về nguồn gắn với giá trị lịch sử các vùng biên giới; tổ chức chương trình quảng bá du lịch vùng tại miền Trung; thực hiện quảng bá điểm đến trên nền tảng ứng dụng bản đồ thông minh 3D/360; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ về du lịch; hỗ trợ các tỉnh, thành tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại nước ngoài; xây dựng cẩm nang xúc tiến đầu tư chung 14 địa phương; tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình năm 2025.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy tốt vai trò tạo ra không gian chung để cộng đồng doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của 14 địa phương cộng hưởng tạo ra những giá trị kép với các chính sách kích cầu du lịch hấp dẫn; cũng như đã tạo nên một thương hiệu lớn để xúc tiến, quảng bá du lịch vùng đến với các thị trường trọng điểm du lịch để thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan và trải nghiệm.

Nguyễn Dũng
 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu