Địa danh Vũng Thơm – cái nôi của nghề làm bánh Pía trứ danh

20/06/2025 295 0
Sóc Trăng là địa bàn cư trú của các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Trong quá trình cộng cư, cộng đồng các dân tộc ở đây đã hình thành nên một nền văn hoá đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là: "văn hoá xứ giồng". Đặc trưng "văn hoá xứ giồng" được thể hiện qua các mặt trong đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực, lễ hội và bánh Pía là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hình thành nên nét đặc trưng văn hóa đó.

Nghệ nhân Huỳnh Nhật Quang, lò bánh Pía Mỹ Anh thực hiện giới thiệu làm bánh thủ công

Bánh pía là một biểu tượng văn hóa của Sóc Trăng, là một món ăn đặc sản gắn liền với làng nghề Vũng Thơm. Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu (người Tiều).  Từ ''Pía'' có gốc từ tiếng Triều Châu ''pi-é'' có nghĩa là bánh. Trước đây việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công, từ những lò bánh lâu đời như: Công Lập Thành, Thuận Thành, Tân Hưng, Mỹ Hiệp Thành, Tạo Thành,… Những người thợ học nghề ở các lò bánh này dần dần cũng mở những cơ sở sản xuất nhỏ rồi phát triển thành những cơ sở lớn trên địa bàn Vũng Thơm, sau đó chuyển ra xây dựng trên Quốc lộ 1A và thành phố Sóc Trăng. Nhưng vì danh tiếng của làng nghề từ lâu đã gắn liền với địa danh Vũng Thơm nên tất cả các lò bánh, hiệu bánh ở đâu đâu cũng đặt vào thương hiệu mình một khẩu hiệu “Đặc sản Vũng Thơm, Sóc Trăng”

Truyền thuyết tên gọi địa danh Vũng Thơm

Vũng Thơm không phải là một địa danh hành chính chính thức mà chỉ là một tên gọi trong dân gian tại địa phương gọi theo truyền thuyết của người Khmer. Vũng Thơm là tên gọi khác của 2 làng Phước Tâm (nay là Phú Tân) và Phú Nổ (nay là Phú Tâm) nay thuộc xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Theo truyền thuyết kể rằng vào khoảng 1.000 năm trước, đây là một cảng biển, thương nhân Ấn Độ thường xuyên ghé vào. Địa danh này xuất phát từ cách gọi của người Khmer là Kompong Thom: Bến lớn, cảng lớn”. Ai có ngờ rằng vùng đất giồng cát này ngày xưa từng là một cái cảng lớn. Nhưng chuyện “thương hải hóa tang điền” trước nay cũng không phải chuyện hiếm gặp.

Truyền thuyết kể lại “Thuở xưa, Vũng Thơm là một doi đất nhô ra biển. Mỗi khi thủy triều xuống, các ghe thuyền qua đó nếu không muốn đi vòng thường phải dừng lại chờ thủy triều lên mới băng qua được. Do thuyền bè tập trung nên nơi đây mang tên gọi là Kompong Thom, có nghĩa là bến lớn, cảng lớn. Một đêm nọ, có một thuyền buôn đến Vũng Thơm thì gặp lúc thủy triều xuống. Thông thường, phải neo thuyền lại chờ thủy triều lên mới đi qua được, nhưng người chủ thuyền vốn biết nhiều phép thuật, nên bảo mọi người trên thuyền đi ngủ cả và dặn rằng nếu có thấy gì lạ cũng không được lên tiếng, để y làm phép cho băng qua doi đất để ra biển sớm. Theo lệnh chủ thuyền, mọi người đều buông chèo, vào khoang thuyền ngủ. Đến quá khuya, trong khi ghe đang bay lướt qua doi đất thì người đầu bếp, do tối qua mải lo dọn dẹp ở đầu lái, không nghe chủ dặn, bị đánh thức bởi tiếng gà gáy, trở dậy, lấy gàu ra thành thuyền múc nước rửa mặt, định chuẩn bị nấu cơm ăn sáng. Nhưng khi thả gàu xuống thì đụng vào đất và vướng vào cây cỏ, người đầu bếp lấy làm lạ, la toáng lên. Tức thì thuyền bỗng mất phép thiêng, đứng khựng lại, rơi xuống vỡ tan…”.

Chiếc thuyền rớt xuống và chìm nghỉm, hàng hóa và vật dụng trên ghe trôi tứ tán theo dòng nước. Chiếc cồng vàng chìm tại nơi ngày nay mỗi năm tổ chức hội Thak côn (lễ Cúng Dừa). Một chiếc lu đồng trôi xa hơn về phía Sóc Vồ mà điểm hiện tại là ngay tại Chùa Peng Som Râth (chùa Lu Đồng). Một tượng Phật thì lại rớt trước khi chiếc ghe chìm nên ở trên dấu tích của chiếc ghe xưa chìm. Ở đây, hiện nay bà con trong Sóc đã dựng một sala cùng một ngôi miếu nhỏ là Thiên Hậu ngày nay (Thiên Hậu Thánh Mẫu Cung) để ghi nhớ tích xưa.

Người Triều Châu ở Vũng Thơm

Theo các tài liệu ghi chép lại, người Hoa tới định cư ở Sóc Trăng khoảng thế kỷ XVII. Trong đó, nhiều đợt người Triều Châu xin Chúa Nguyễn vào tỵ nạn ở Đàng Trong, những nhóm người này được đưa đến khai phá vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng. Riêng ở “Vũng Thơm”, theo ký ức của hậu duệ người Hoa, chủ yếu là người Triều Châu, “tổ tiên” của họ tới định cư cách đây hơn 100 năm.

Tại miếu Thiên Hậu (Thiên Hậu Thánh Mẫu Cung) hiện nay vẫn còn lưu giữ chiếc chuông bằng gang ghi ngày dựng miếu: Bồng Đàm pha – Quang Tự ất mùi niên, đoan nguyệt cốc nhật lập, có nghĩa là: Dốc Bồng Đàm, năm Kỷ Mùi niên hiệu Quang Tự, lập vào ngày lành đầu tháng 5. Như vậy, nội dung có bảng chữ trên thân chuông cho biết chiếc chuông này được đặt đúc riêng dành cho miếu Đông Nhạc ở Bồng Đàm pha (người Triều Châu đọc là Doằng Tham po - tức giồng Vũng Thơm, từ đó việt hóa thành tên gọi Vũng Thơm cho đến ngày nay) vào năm Quang Tự Ất Mùi 1895, tức cách đây hơn 100 năm, khớp với ý niệm  của người Triều Châu về thời điểm tổ tiên định cư.

Bánh Pía Vũng Thơm

Tương truyền, bánh pía xuất hiện ở vùng đất này từ thế kỉ 17, theo chân những người Hoa đến phương Nam, những chiếc bánh này khi ấy là lương thực bí mật giúp họ thoát khỏi những ngày tháng cơ cực. Sau khi đến phương Nam và ổn định, họ bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh. Dần dần món bánh này được cải biến cho hợp với khẩu vị của người Việt.

Làng nghề làm bánh Pía ở Vũng Thơm được xác nhận là đã có từ khoảng 80 – 100 năm, người Hoa làm bánh để ăn và bán cho những người dân quanh nhà, dân địa phương qua những tiệm tạp hóa, quán nước, các khu chợ,... Lò bánh Công Lập Thành được coi là lò bánh đầu tiên ở làng Vũng Thơm. Ông Âu Minh Xương được xem là một trong những ông tổ của làng nghề làm bánh Pía ở Vũng Thơm.

Đến năm 1980, làng Vũng Thơm có tới gần 20 lò làm bánh Pía, nhân bánh Pía xưa kia của người Trung Hoa được làm bằng thịt vịt quay, chao cùng với mỡ heo hoặc mỡ cừu, vỏ làm bằng bột mì hoặc hạt kê, nướng lửa than. Vỏ bánh có cấu trúc nhiều lớp da mỏng xếp chồng lên nhau và có thể lột dễ dàng ra từng lớp nên còn có tên là “bánh lột da”. Bánh Pía ngày trước cũng khá đơn giản, bánh có hai phần: vỏ ngoài làm bằng bột mì và phần nhân gọi là Tàu xa lá (nghĩa là bánh đậu xanh mứt mỡ) hay Òn xa lá (nghĩa là bánh môn mứt mỡ) và đặc biệt là Can Xại (nghĩa là lá cải muối mặn) – tên gọi những loại bánh Pía của người Triều Châu và đây cũng là những loại bánh Pía đầu tiên xuất hiện ở vùng Vũng Thơm.

Vào năm 1963, ông Trần Cang là người lấy bánh Pía của lò bánh Tạo Thành (lò bánh Pía của cha ông Ngô Minh Tạo ngày xưa) đi bán ở nhiều nơi; khi đến Lái Thiêu để bán bánh thì ông Trần Cang thấy vùng đất này có nhiều sầu riêng nên đã về đề xuất gia đình ông Tạo làm thử nhân sầu riêng và đây cũng là nguồn gốc ra đời của bánh Pía nhân đậu xanh sầu riêng phổ biến và nổi tiếng đến ngày nay.

Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, đến nay nghề làm bánh Pía ở vùng Vũng Thơm nói riêng và ở tỉnh Sóc Trăng nói chung đã có những bước phát triển bền vững và vượt bậc. Các cơ sở, lò bánh Pía ra đời ngày càng nhiều nhằm nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, nhân bánh Pía còn bổ sung thêm lòng đỏ trứng muối và các thành phần khác, cũng như phát triển và đa dạng thêm nhiều loại nhân mới như khoai môn, đậu đỏ,…

Du khách tham quan Điểm du lịch Tân Huê Viên

Thương hiệu đặc sản bánh Pía Sóc Trăng

Từ một loại bánh bình thường được dùng làm lương thực đi đường, dưới bàn tay tài hoa của những người thợ, những nghệ nhân lâu năm đã đưa bánh Pía trở thành một món ngon đặc sản mang thương hiệu của tỉnh Sóc Trăng.

 Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay có trên 50 cơ sở sản xuất bánh Pía lớn, nhỏ với dây chuyền hiện đại sản xuất ra sản lượng bánh đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng mang lại giá trị kinh tế và lợi nhuận trên thị trường tỉnh và thị trường cả khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung, các lò bánh pía lớn được xây dựng rất quy mô. Các quán ăn, các gian hàng nhỏ bán rất nhiều loại bánh pía chủ yếu cho khách thập phương khi đi ngang tỉnh có thể mua về ăn hoặc làm quà biếu cho bạn bè và người thân.

Bên cạnh đó, làng nghề này cũng đã mang lại cho người lao động nguồn thu nhập khá ổn định. Mỗi lò bánh đều cần rất nhiều công nhân. Đến khoảng thời gian tháng bảy, tháng tám đến tháng mười hai thì lò bánh càng cần nhiều lao động để tăng lượng bánh sản xuất cung cấp cho thị trường vì đây là khoảng thời gian của Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán. Làng nghề bánh Pía đã mang lại cho người dân Vũng Thơm nói riêng và người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung những hiệu quả kinh tế nhất định. Cũng chính từ lợi ích kinh tế mang lại, cộng đồng dân cư từng bước xây dựng nên làng nghề chuyên sâu, sản xuất hàng hóa mang tính chuyên nghiệp hơn, chất lượng sản phẩm được nâng cao và đạt được các tiêu chuẩn cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm như GMP, HACCP, ISO 22000:2005,…

Các cơ sở, lò sản xuất bánh Pía đã có mặt và mở đại lý, chi nhánh hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó riêng Công ty TNHH Chế Biến Thực Phẩm Bánh Pía - Lạp Xưởng Tân Huê Viên đã có trên 150 đại lý, chi nhánh, văn phòng, trên 100 siêu thị trong cả nước; xuất khẩu và mở trên 20 đại lý tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh,…; trên 100 siêu thị Costco tại Mỹ, Canada, Ustralia.

Bánh Pía đã được công nhận là 01 trong 10 đặc sản quà bánh Việt Nam do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập và công nhận vào năm 2013. Đồng thời, cũng đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng giới thiệu bánh Pía tại sự kiện du lịch

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa

Sau gần 100 năm ra đời của nghề làm bánh Pía ở Vũng Thơm Sóc Trăng, qua những biến đổi thăng trầm của thời cuộc, những giá trị truyền thống và văn hóa của làng nghề bánh Pía vẫn được lưu giữ và trao truyền từ những nghệ nhân người Hoa đầu tiên đến thế hệ các bạn trẻ ngày hôm nay. Theo số lượng thống kê khảo sát, tỉnh hiện có 26 nghệ nhân làm bánh Pía (những người có kinh nghiệm thực hành trên 10 năm), trong đó có 18 nghệ nhân đang thực hiện công việc truyền nghề cho khoảng 50 người kế thừa.

Điều đó, cho thấy sức sống bền bỉ của làng nghề làm bánh Pía theo thời gian bởi những nghệ nhân này luôn quan niệm “gói cho nhà ăn”. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi của nghề làm bánh Pía ở Vũng Thơm góp phần làm cho nghề làm bánh Pía vẫn duy trì được sức sống bền bì theo thời gian mà không làm mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Hiện nay, nhiều công đoạn trong quy trình làm bánh Pía vẫn được thực hiện bởi bàn tay của những người thợ lành nghề, nghệ nhân nhằm giúp cho bánh Pía sản xuất luôn giữ được những nét đặc trưng riêng và vẫn mang những giá trị văn hóa cốt lõi vốn có của nó. Điều đó đã giúp cho bánh Pía ở Vũng Thơm nói riêng và ở tỉnh Sóc Trăng nói chung dù mang tính thương mại có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu sang thị trường của nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống của làng nghề bánh Pía.

Mỗi sản phẩm là một câu chuyện và qua đó thể hiện nét văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng miền. Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, một giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy năng lực của các làng nghề truyền thống. Năm 2015, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập của Công ty Tân Huê Viên đã mở cửa cho khách tham quan dây chuyền sản xuất và thưởng thức bánh Pía nóng. Năm 2016, Công ty Tân Huê Viên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng trao chứng nhận là Điểm du lịch của tỉnh Sóc Trăng và đang thu hút rất đông lượng khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Năm 2018, Điểm du lịch Tân Huê Viên đã khởi công xây dựng dự án Liên hoa Bảo Tháp với tổng diện tích trên 42.000m2 với điểm nhấn là công trình hoa sen có chiều cao dự kiến 68m, đường kính 99m. Công trình được thiết kế 3 tầng, bao gồm: Nơi thờ tôn tượng Đức Phật Dược Sư đúc bằng đồng đỏ dát vàng cao 6,8m, với mong muốn cầu nguyện cho mọi người được an lành, Khu thuyết minh, khu mua sắm, khu trưng bày, triển lãm, giới thiệu về lịch sử hình thành, truyền thống sản xuất bánh Pía - lạp xưởng. Dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện và đưa vào phục vụ khách tham quan.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã, đang khuyến khích các cơ sở, lò sản xuất bánh Pía hoạt động theo mô hình này để giúp cho người tiêu dùng không chỉ sử dụng sản phẩm bánh Pía một cách đơn thuần mà còn biết được quy trình làm ra của những sản phẩm bánh Pía. Từ đó, người tiêu dùng sẽ hiểu và trân trọng các sản phẩm bánh Pía mà họ sử dụng thông qua những giá trị văn hóa truyền được gửi gắm trong đó.

Với việc xây dựng thương hiệu, có chính sách quảng bá tốt, gắn với việc phát triển hài hòa giữa du lịch và sản phẩm du lịch, trong đó bản sắc văn hóa truyền thống phải giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, không bị thương mại hóa. Đây là những điều kiện cần thiết để phát triển nghề và làng nghề nói chung và làng nghề bánh Pía ở Sóc Trăng nói riêng; góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống các dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Cho thấy sự bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ trên lĩnh vực văn hóa mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn, trong đó có ngành du lịch, giúp cho việc giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho người thợ thủ công có đời sống ổn định, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Với những nỗ lực bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, tin hoa ẩm thực địa phương, năm 2020, nghề làm bánh Pía thủ công truyền thống ở xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam.

Nguyễn Dũng

* Tài liệu tham khảo:

- Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng.

- Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng: https://soctrangtourism.vn.

- Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng: https://sovhttdl.soctrang.gov.vn.

- Website Báo Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/.

- Website Điểm du lịch Tân Huê Viên: https://banhpiatanhuevien.vn/.

- Website Hương Sắc Miền Tây: https://huongsacmientay.com/.

- Website Topgotourist: https://topgotourist.vn/.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu