Lễ hội Thắk Côn của đồng bào Khmer được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

24/06/2025 67 0
Ngày 19/3/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Châu Thành tổ chức Lễ công bố Quyết định số 1661/QĐ-BVHTTDL ngày 03/6/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa Lễ hội Thắk Côn (còn gọi là Lễ Cúng Dừa) của đồng bào Khmer xã An Hiệp, huyện Châu Thành vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 


Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Châu Thành dự lễ đón nhận


Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Sóc Trăng đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại và quốc gia, gồm: Đờn ca tài tử Nam Bộ, Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Trần Đề, Nghề thủ công truyền thống bánh pía của người Hoa thuộc huyện Châu Thành, Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc ngũ âm, Nghệ thuật múa rô băm, Nghệ thuật múa rom vong, Nghệ thuật dù kê của đồng bào Khmer, Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer, Lễ hội Phước Biển, Lễ hội Thắk Côn.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng ông Sơn Pô cho biết: Theo tín ngưỡng của đồng bào Khmer, Lễ hội Thắk Côn hay còn gọi là lễ hội Cúng Dừa, là một lễ hội độc đáo riêng biệt của đồng bào Khmer, diễn ra ở ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Lễ hội Thắk Côn được hình thành từ hơn 300 năm trước, được duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội diễn ra trong 03 ngày từ 15/3 đến 17/3 âm lịch. Lễ hội Thắk Côn bắt nguồn từ một truyền thuyết về gò đất nổi lên, khi dẫm chân lên có âm thanh vang như tiếng cồng. Qua quá trình lịch sử, sự kiện này dần dần được linh thiêng hóa và trở thành tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp. 


 
Nghi thức lễ cúng dừa

Lễ hội phản ánh tư duy của nghề nông ngay từ thời điểm tổ chức - người nông dân bắt đầu đón mùa vụ mới và mừng một mùa thu hoạch – cho đến việc lựa chọn sản vật dâng cúng - với nguyện ước tạ ơn trời đất, thần linh, ông bà phù hộ cho mùa màng tươi tốt hoặc tạ ơn bề trên đã cho một mùa bội thu. Ngoài ra, lễ hội còn có một dấu ấn riêng là các slathodon (bình bông làm bằng trái dừa) – tượng trưng cho sự thanh khiết và mong cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. 
Lễ hội Thắk Côn huyện Châu Thành có vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... thúc đẩy con người sống thiện, sống đẹp để ngày một hoàn thiện bản thân, giao lưu văn hóa các dân tộc, quảng bá du lịch của địa phương.

Diệu Thúy
 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu