Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông Maspero

24/06/2025 84 0
Sóc Trăng có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, tạo bởi dòng sông Hậu và sông Mỹ Thanh tạo điều kiện tốt để phát triển các tour – tuyến du lịch sông nước. Đặc biệt, sông Maspero có cảnh quan đẹp chạy xuyên qua trung tâm thành phố Sóc Trăng đã tạo nên tiềm năng lớn trong việc phát triển văn hóa lễ hội sông nước. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua dòng sông đã được chọn là nơi tổ chức hoạt động đua ghe Ngo trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua Ghe Ngo hàng năm của tỉnh. Để khai thác tối đa tiềm năng phát triển du lịch văn hóa lễ hội trên sông Maspero thì cần có những giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực:

Hội đua ghe Ngo trên dòng sông Maspero

1. Giải pháp quy hoạch sông Maspero (đoạn tổ chức lễ hội)

          a) Không gian sông nước

          - Đoạn tổ chức lễ hội trên sông Maspero có lượng trầm tích phù sa lớn cộng với cát và các mảnh vụn nên cần được nạo vét, tạo độ sâu thích hợp cho lòng sông, loại bỏ các vật liệu ô nhiễm tạo thuận lợi cho các hoạt động của lễ hội. Việc nạo vét sông giúp các hoạt động lễ hội được diễn ra xuyên suốt tránh được việc nước sông quá cạn do ảnh hưởng của chế độ nhật triều.

          - Quản lý không gian tiêu thoát nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy trên những khúc sông liền kề như đoạn ngã tư Sông Đinh, sông Saintard, kênh Tam Sóc … giúp cho dòng sông Maspero đảm bảo tính thông suốt dòng chảy, tránh bồi lắng phù sa và các chất ô nhiễm. Các dự án bờ kè, gia cố bờ sông, san lấp lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông không được gây cản trở dòng chảy, thu hẹp quá 5% bề rộng lòng sông.

          - Thực hiện thường xuyên việc điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến dòng chảy, các biện pháp bảo vệ phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông; nghiên cứu sự biến đổi dòng chảy, lòng dẫn và các tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông.

          - Quản lý hành lang bảo vệ dòng sông theo quy định, các hoạt động xây dựng khu đô thị, công nghiệp, dân cư ven sông đảm bảo không phát sinh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, sạt lở lòng sông.

          b) Quy hoạch không gian ven sông Maspero

          - Về cơ bản đoạn tổ chức lễ hội trên sông Maspero đã được xây bờ kè kiên cố, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra bờ kè tránh tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Hệ thống lan can bờ kè cần được bảo trì thường xuyên để tạo vẻ mỹ quan, đảm bảo an toàn cho du khách khi tổ chức lễ hội. Không gian bờ kè ven sông có thể sơn theo màu sắc phù hợp với chủ đề lễ hội hàng năm để tạo hiệu ứng. Hệ thống cây xanh dọc bờ sông cần đồng bộ và được chăm sóc tốt tạo cảnh quan xanh 2 bên dòng sông. Cần xây thêm những bồn hoa dọc bờ kè, trồng xen kẽ nhiều loại hoa sinh động tạo màu sắc đa dạng cho bờ sông. Thiết kế đèn led hiệu ứng đổi màu tại các lan can, sử dụng các trụ đèn trang trí cách điệu. Một số đoạn đường cần trang trí đèn lồng tạo nên màu sắc đa dạng.

          - Cần bố trí sắp xếp các bến tàu phục vụ cho công tác tổ chức lễ hội và nhu cầu tham quan và check-in của du khách. Các bến tàu cần được chỉnh trang, đảm bảo vệ sinh và tránh tình trạng rong rêu. Cần xây dựng thêm những bè nổi đa màu sắc cập bến tàu tạo điểm nhấn cho dòng sông.

          - Bố trí khán đài cho du khách và người dân tham quan các hoạt động lễ hội trên sông nước, đảm bảo sức chứa, tính mỹ quan và không gian phù hợp, tránh tình trạng quá chật chội gây ảnh hưởng đến tâm lý thưởng ngoạn của du khách. Xem xét thương mại hóa vé tham quan tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Lễ thả đèn nước trên sông Maspero

2. Giải pháp phát triển loại hình nghệ thuật phục vụ lễ hội

          a) Nghệ thuật dân tộc Khmer

          - Nghệ thuật truyền thống của người Khmer có tính sáng tạo cao và mang đậm các giá trị văn hóa, xã hội và tính cộng đồng, rất phù hợp trong việc khai thác phát triển du lịch lễ hội. Đáng kể nhất là loại hình văn hóa phi vật thể như nghệ thuật sân khấu rô băm, dù kê và các loại hình múa dân gian như rom vong, sarawan, sa dăm…

          - Khai thác các giá trị nghệ thuật dân tộc Khmer làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, tạo nên màu sắc đa dạng trong tổng thể văn hóa các dân tộc của tỉnh Sóc Trăng:

          + Vận động các chùa Khmer nổi tiếng tại thành phố Sóc Trăng như chùa Som Rông, chùa Mahatup… cùng với người dân Khmer địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật Khmer phục vụ du khách tham quan trong thời gian diễn ra lễ hội.

          + Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đồng bào Khmer tại địa phương về cách thức làm du lịch, nghệ thuật giao tiếp với du khách, các kỹ năng giới thiệu, trình bày, hướng dẫn du khách về nguồn gốc, ý nghĩa của nghệ thuật dân tộc Khmer, cách thức giao lưu văn hóa, văn nghệ với du khách.

          + Các doanh nghiệp du lịch phối hợp cùng với người dân Khmer địa phương xây dựng các homestay phục vụ du khách khi có nhu cầu trải nghiệm nghỉ lại nhà của đồng bào dân tộc.

          b) Nghệ thuật dân tộc Kinh

          - Nghệ thuật dân tộc Kinh rất phong phú và đa dạng, mỗi vùng miền có những nét nghệ thuật riêng trong tổng thể bức tranh văn hóa của người Việt. Các loại hình nghệ thuật của người Kinh có thể khai thác phục vụ lễ hội như múa nón, đờn ca tài tử, hoạt cảnh cải lương hay một số loại hình nghệ thuật của miền Trung, miền Bắc như ca trù, hát bài chòi… 

          + Hàng đêm trong thời gian diễn ra lễ hội, có thể tái hiện một số hoạt cảnh cải lương đặc sắc, gần gũi với đời sống người dân Nam Bộ trên sông Maspero. Tổ chức giao lưu đờn ca tài tử, múa nón cùng với du khách.

          + Hỗ trợ kinh phí mời các đoàn nghệ thuật miền Bắc, miền Trung tham gia biểu diễn hát ca trù, hát bài chòi… tạo nên màu sắc độc đáo, mới lạ phục vụ du khách tham dự lễ hội.

          c) Nghệ thuật dân tộc Hoa

          - Nghệ thuật truyền thống của người Hoa có nhiều thể loại như hát, múa, hài kịch... trong đó tiêu biểu là hát quảng, hát tiều, ca kịch, múa Lân Sư Rồng,…

          + Mời đoàn ca kịch Triều Châu – Châu Quang của thị xã Vĩnh Châu tham gia biểu diễn ca kịch phục vụ lễ hội.

          + Tổ chức thi đấu trình diễn múa Lân Sư Rồng giữa các địa phương. Đây là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố, ba con thú này tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc. Nó không những là loại hình nghệ thuật trong dân gian mà còn là một môn võ thuật với sự tranh tài hấp dẫn giữa các đội.

          d) Một số nghệ thuật hiện đại

          - Tổ chức trình diễn điệu nhảy Flashmob, huy động học sinh, sinh viên, người dân địa phương cùng tham gia tạo không khí sôi động và cùng giao lưu với du khách.

          - Trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng thiết bị bay không người lái (drone) trên nền âm nhạc hiện đại, trình diễn những hình ảnh về danh lam thắng cảnh, điểm du lịch và một số hình ảnh của tỉnh Sóc Trăng đổi mới và phát triển.

3. Giải pháp phát triển hoạt động thể thao phục vụ lễ hội

          - Tổ chức thi đấu thể thao dân tộc tại các lễ hội không chỉ tạo sân chơi hấp dẫn cho bà con nhân dân, thu hút du khách, giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự khéo léo, mà còn góp phần giữ gìn và phát triển các môn thể thao truyền thống, thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng tại các địa phương. Các môn thể thao có thể tổ chức như kéo co, bắn cung, bóng chuyền hơi, đẩy gậy…

          - Một số bộ môn thể thao có thể tổ chức trên dòng sông Maspero như chèo thuyền kayak, lướt ván, tổ chức đua ghe Ngo thu nhỏ dành cho khách du lịch, trải nghiệm flyboard….

4. Giải pháp phát triển các dịch vụ trải nghiệm sông nước ngày lễ hội

          Sông Maspero vừa mang giá trị về lịch sử vừa mang giá trị văn hóa sâu sắc. Sông chảy ngang qua trung tâm thành phố Sóc Trăng với đôi bờ vừa hiện đại, vừa thơ mộng, cổ kính rất thích hợp cho việc ngắm cảnh và du lịch tâm linh. Hơn nữa, trong thời gian diễn ra lễ hội hai bên bờ sông được trang trí lộng lẫy, đầy màu sắc do đó việc khai thác dịch vụ trải nghiệm sông nước bằng tàu, thuyền trong những ngày lễ hội là hết sức cần thiết nhằm đa dạng các hoạt động phục vụ khách du lịch.

          Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các loại tàu, thuyền đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, ưu tiên thu hút đầu tư du thuyền kích cỡ lớn kết hợp phục vụ ẩm thực, các loại hình nghệ thuật.

          Hệ thống cầu cảng, bến đỗ và trạm dừng nghỉ cần được xây dựng đồng bộ và đầy đủ nhằm tạo thuận lợi cho giao thông vừa đảm bảo tính thẩm mỹ tạo cảnh quan du lịch. Có thể kết hợp các bến tàu trở thành những điểm dừng chân đúng nghĩa như có các nhà hàng, quán ăn, khu mua sắm...

          Về phương tiện tàu, thuyền cần thuận tiện, an toàn và hiện đại. Các phương tiện cần phải được kiểm tra chất lượng chặt chẽ, đăng kiểm đăng ký đúng quy định, đảm bảo an toàn cho du khách và đội ngũ thuyền viên cần có thái độ lịch sự, hòa nhã và trách nhiệm đúng đắn khi tham gia giao thông. Máy móc trang bị phải đảm bảo chất lượng không gây ô nhiễm môi trường và giảm tiếng ồn. Các doanh nghiệp, công ty lữ hành quản lý phương tiện cần đảm bảo điều kiện chặt chẽ về tình trạng kỹ thuật của phương tiện, cũng cần đưa vào khai thác nhiều loại phương tiện tàu, thuyền khác nhau với các mức giá dịch vụ khác nhau, giúp phục vụ được nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau. Cơ quan có thẩm quyền quản lý chất lượng phương tiện cần siết chặt công tác kiểm tra và hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải vi phạm nhằm giảm thiểu tình trạng xấu của phương tiện, nâng cao chất lượng vận chuyển du lịch.

          Đội ngũ phục vụ du khách tham quan bằng thuyền cần được tào đạo bài bản, mang tính chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ người dân địa phương tham gia vào công tác thuyết minh du lịch nhằm đem đến sự gần gũi và chân thật hơn.

5. Giải pháp phát triển dịch vụ ẩm thực phục vụ lễ hội

          Ẩm thực từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong hoạt động trải nghiệm du lịch. Du lịch ẩm thực đã trở thành xu hướng mới, đem lại những điều mới mẻ, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo được lợi thế cạnh tranh cho điểm đến. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association) trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, họ sẵn sàng dành trung bình 25% chi phí du lịch để chi tiêu cho ẩm thực và có tới 81% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương tại điểm đến ( ).

          Ẩm thực Sóc Trăng nổi tiếng với nhiều món ngon hấp dẫn trong tổng thể bức tranh ẩm thực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể kể đến như bún nước lèo, bánh cống, bánh pía, lạp xưởng, khô trâu Thạnh Trị, bò nướng ngói Mỹ Xuyên, bánh ống, bánh gừng… Trong đó, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đã công nhận món bún nước lèo và bánh cống Sóc Trăng vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam; bánh Pía vào top 10 đặc sản quà bánh nổi tiếng Việt Nam. Ngoài ra, món bún nước lèo Sóc Trăng còn được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là món ăn đặc sản năm 2023.

          Ẩm thực Sóc Trăng được đánh giá rất cao bởi du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên để du lịch ẩm thực trở thành điểm nhấn cho du lịch Sóc Trăng, đặc biệt trong thời gian tổ chức lễ hội thì cần tạo được sự khác biệt.

          + Phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa tạo ra các món ăn từ những nguyên liệu đặc sản ấn tượng. Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo tính sáng tạo, thẩm mỹ cho món ăn.

          + Đẩy mạnh quảng bá ẩm thực trên các nền tảng mạng xã hội, các trang web, đầu tư những hình ảnh đẹp, các bài viết chi tiết, review không gian… sẽ tạo được tự tò mò, hứng thú trong lòng du khách.

          + Các nhà hàng cần đầu tư tạo nên không gian ẩm thực đặc sắc, riêng biệt, tạo được dấu ấn trong lòng du khách. Các nhà hàng cần có sự liên kết với nhau và liên kết với các công ty lữ hành để xây dựng thương hiệu, tour ẩm thực địa phương và các tour ẩm thực chuyên đề.

          + Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tôn vinh các nghệ nhân ẩm thực, các chuyên gia.

          + Cần có chiến lược đa dạng các loại nhà hàng với phong cách khác nhau như Âu – Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… nhằm phục vụ nhiều đối tượng khách từ các vùng văn hóa khác nhau.

          + Khuyến khích kêu gọi đầu tư cơ sở ăn uống đạt chuẩn.

          + Trong thời gian lễ hội, cần tổ chức một sự kiện nhằm tạo nên không gian ẩm thực địa phương thu nhỏ, nơi du khách có thể thưởng thức hầu hết các đặc sản, ẩm thực của Sóc Trăng.

6. Giải pháp phát triển dịch vụ lưu trú phục vụ lễ hội

          Toàn tỉnh hiện nay có 28 khách sạn và 36 nhà nghỉ đạt chuẩn( ). Cơ sở lưu trú quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt trong thời gian diễn ra lễ hội lượng khách du lịch tăng cao đột biến dễ dẫn đến công suất phòng không đủ, các dịch vụ lưu trú không đảm bảo, không đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

          Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú phục vụ lễ hội, các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể:

          - Khuyến khích và yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch hiện tại từng bước chỉnh trang, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ khách, đăng ký thẩm định xếp hạng sao.

          - Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào cơ sở lưu trú thông qua chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú cao cấp, có thương hiệu của các tập đoàn trong nước và quốc tế. Rà soát, nghiên cứu quy định mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ ở những khu vực có thể đảm bảo được an ninh và trật tự an toàn xã hội để phục vụ du khách.

          - Xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trú nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng giao tiếp tốt, thái độ văn minh, lịch sự, năng lực ngoại ngữ có thể phục vụ tốt khách quốc tế. Đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách cho công tác tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo quản trị các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, trưởng các bộ phận quan trọng của doanh nghiệp lưu trú (Trưởng bộ phận Lễ tân (FOM), Trưởng bộ phận F&B (FBM), Trưởng bộ phận Sales & Marketing, …); cán bộ, công chức, viên chức ngành du lịch, lưu trú... bằng các hình thức tập huấn, đào tạo tại các viện, trường trong nước, mời chuyên gia nước ngoài đào tạo.

          - Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, rà soát, đánh giá các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, hoàn thiện các quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động lưu trú; xây dựng quy chế phối hợp các lực lượng liên ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh để xử lý triệt để các hiện tượng ép giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với khách du lịch tại các cơ sở lưu trú.

7. Giải pháp đảm bảo giao thông ngày lễ hội

          Giao thông là 1 trong 3 lĩnh vực chính của du lịch, gồm lữ hành, lưu trú và vận chuyển. Cũng giống như các ngành kinh tế khác, giao thông thuận lợi là “đòn bẩy” để du lịch phát triển. Một điểm đến dù có hấp dẫn nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt cũng sẽ khó khăn trong thu hút được khách du lịch.

          Trong thời gian diễn ra lễ hội, để thu hút và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch thì hệ thống giao thông vận tải liên tỉnh, liên vùng cần được thông suốt, giao thông nội tỉnh, đặc biệt là tại thành phố Sóc Trăng cần được đảm bảo.

          - Đối với giao thông đường thủy trên sông Maspero (đoạn tổ chức lễ hội):

          + Cơ quan chức năng cần sắp xếp, tổ chức quy hoạch từng đoạn sông Maspero cho từng hoạt động lễ hội phù hợp với từng khung giờ khác nhau nhằm tối ưu hóa các hoạt động phục vụ du khách cũng như khai thác tối đa vẻ đẹp của dòng sông. Lập phương án đảm bảo an toàn giao thông trên sông trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Kiểm tra tiêu chuẩn an toàn của các phương tiện phục vụ du khách trước khi diễn ra lễ hội.

          + Tích cực tuyên truyền chủ các phương tiện và người dân nâng cao ý thức đảm bảo an toàn giao thông cho du khách, thái độ lịch sự, ân cần phục vụ khách tham quan.

          - Đối với giao thông đường bộ:

          + Phân tích, dự báo ước lượng số lượng khách du lịch có thể đến trong thời gian lễ hội để lên phương án vận động các công ty vận tải trong tỉnh, liên tỉnh tăng chuyến phục vụ du khách.

          + Cơ quan chức năng triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn và xử lý triệt để các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng. Bảo đảm điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở. Khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị và dọn dẹp lòng đường, vỉa hè dành cho người đi bộ.

          + Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông, chủ phương tiện và người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

          + Nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng trong nội ô thành phố Sóc Trăng và trên địa bàn tỉnh; chỉnh trang lại hệ thống xe buýt, tăng chuyến, đảm bảo đúng giờ; các hãng taxi cần cam kết đúng giá cước, tránh tình trạng chặt chém du khách; tăng cường đội ngũ xe công nghệ hiện có như Grab, GoJek, ưu tiên mời gọi thêm các hãng vận tải công nghệ khác như Be, taxi xanh SM…nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của du khách.

          + Tuyên truyền, nâng cao ý thức phục vụ du khách cho đội ngũ làm công tác vận tải như tài xế, phụ xế, nhân viên bến xe, nhân viên tổng đài… đảm bảo thái độ lịch sự, chuyên nghiệp, tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch.

8. Giải pháp đảm bảo an ninh trật tự ngày lễ hội

          - Cơ quan chức năng cần xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, bố trí lực lượng (công an, cảnh sát giao thông, trật tự đô thị, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố…) thường xuyên ứng trực tại các điểm diễn ra lễ hội, sẵn sàng ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bất ổn liên quan đến an ninh trật tự, góp phần giữ gìn hình ảnh đẹp của lễ hội. Phát hiện, ngăn chặn, răn đe và kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm móc túi, trộm cắp, cướp giật tài sản của người dân.

          - Làm tốt công tác sắp xếp trật tự việc mua bán, không để người bán hàng “chèo kéo” du khách. Lập phương án xử lý tình trạng ăn xin tránh để lại ấn tượng không tốt đối với du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Vận động các hộ dân kinh doanh, mua bán tại các điểm tham quan du lịch và tại khu vực tổ chức lễ hội thể hiện được sự thân thiện, văn minh và hiếu khách.

          - Thành lập tổ phản ứng nhanh phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ứng phó với các sự cố có thể xảy ra trong thời lễ hội.

          - Tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tăng cường cảnh giác, tích cực đấu tranh, thực hiện nghiêm tinh thần tố giác tội phạm, đảm bảo an toàn cho du khách.

9. Giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường ngày lễ hội

          Sông Maspero vào những ngày lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động trải nghiệm sông nước trên sông cùng với một lượng lớn du khách tham quan dọc hai bên bờ sông nên rất dễ dẫn đến ô nhiễm nếu không kiểm soát tốt. Để các du lịch trải nghiệm lễ hội được đảm bảo, giữ gìn được nét đẹp của dòng sông Maspero cũng như các điểm tham quan du lịch, thì cần có sự chung tay của cả cộng động địa phương, khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan chức năng:

          - Thực hiện tốt các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải công cộng, đặc biệt tại khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội tập trung đông người. Nghiên cứu mô hình thu gom rác thải tự động trên sông.

          - Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương và du khách nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, giữ vững mô hình điểm tham quan du lịch “xanh, sạch, đẹp”, chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng và không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.         

          - Đối với các cá nhân, tổ chức quản lý, khai thác du lịch cần bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; ban hành, niêm yết công khai các quy định, quy chế về bảo vệ môi trường tại khu vực công cộng thuộc pham vị quản lý.

          - Cơ quan chức năng cần kiên quyết xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nhằm tạo tính răn đe, lan tỏa trong cộng đồng và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

          - Vận động người dân, doanh nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ tại khu, điểm du lịch cần sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như ống hút bột gạo, ống hút cỏ, tre; bao bì thiên nhiên như lá chuối; các loại ly, cốc bằng giấy dễ phân hủy; các sản phẩm từ tre, trúc như vỏ xách, túi,…một mặt góp phần bảo vệ môi trường mặt khác tạo nên sự thích thú cho du khách.

          - Thực hiện pano, băng rôn tuyên truyền đến du khách tại nơi công cộng với tinh thần "Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân".

10. Giải pháp kết nối tour, tuyến sản phẩm du lịch lễ hội

          - Các cơ quan chuyên môn cần quảng bá mạnh mẽ sản phẩm du lịch lễ hội tại các sự kiện du lịch lớn trong cả nước để lan tỏa thông tin đến khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành nhằm đưa sản phẩm du lịch lễ hội vào chương trình tour tham quan bán cho du khách.

          - Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh cần xây dựng sớm tour du lịch lễ hội và đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tiếp cận đến khách du lịch trong cả nước. Song song đó, cần phát triển quan hệ liên kết với doanh nghiệp du lịch lớn của TP.HCM, ĐBSCL để kết nối tour – tuyến. Trước hết, phát triển quan hệ với Vietravel, Saigontourist, doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ. Lấy du lịch lễ hội văn hóa sông Maspero làm trung tâm, liên kết với các điểm tham quan nổi tiếng khác của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh lân cận như tour “Về miền lễ hội: TP. HCM – Sóc Trăng”, “Hành trình trên đất phù sa: TP.HCM – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau”, “Nét độc đáo văn hóa Khmer: TP.HCM – Trà Vinh – Sóc Trăng”,…

          - Đẩy mạnh công tác liên kết các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh với sản phẩm du lịch lễ hội sông Maspero nhằm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, giữ chân du khách lưu trú tại tỉnh lâu hơn từ đó đáp ứng tốt nhu cầu của du khách cũng như tăng doanh thu du lịch. Các tour nội tỉnh đáng tham quan dành cho du khách có thể kể đến như tour đảo Ngọc Cù Lao Dung (tham quan Đền thờ Bác Hồ, Dịch vụ Cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, câu cua, Farmstay Sân Tiên, Quán Café Cô Hai, tham quan vườn trái cây…); tour Châu Thành – Kế Sách (chùa Bốn Mặt, Cơ sở đan đát Thủy Tuyết, Cồn Mỹ Phước, Cồn Phong Nẫm); tour Mỹ Tú – Ngã Năm (Khu Căn cứ Tỉnh ủy, Homestay Chợ Nổi Ngã Năm, làng nghề đan lục bình, hợp tác xã trà mãng cầu, Chợ nổi Ngã Năm); tour Trần Đề - Vĩnh Châu (Lăng Ông Nam Hải, Chùa Tà Mơn, biển Mỏ Ó, Khu du lịch sinh thái Hồ Bể, Chùa Quan Âm Đông Hải, Chùa Cà Săng, Nhà Cổ họ Lai, Thiên Hậu Cổ Miếu, vườn nhãn…); tour Mỹ Xuyên (Chùa Chén Kiểu, Chùa Tắc Gồng – ngôi chùa cổ nhất tỉnh, Đình Hòa Tú).

Nguyễn Văn Lợi

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu