Sông Maspero và Lễ hội Đua ghe Ngo

25/06/2025 32 0
Từ rất sớm, Sóc Trăng đã là một không gian mở - mở ra biển Đông với việc hình thành các thương cảng như Đại Ngãi, Bãi Xàu… xa xưa và cảng mới tại vàm Đại Ngãi, Nhu Gia... Không chỉ giao lưu trong khu vực mà còn ngược dòng Mêkông giao lưu với các nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan… đón nhận các luồng thông thương quốc tế .

Riêng thành phố Sóc Trăng có trên 240 kênh, rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước, lấy từ nguồn nước sông Hậu về theo kênh Phú Hữu, Sóc Trăng – Phụng Hiệp, kênh 30/4, Sóc Trăng – Đại Ngãi cung cấp cho thành phố khá dồi dào. Về giao thông đường thủy: các kênh, rạch có độ dốc thấp, hiện tượng bồi lắng diễn ra rõ rệt. Sông rạch lưu thông với nhau một cách tự nhiên làm cho hệ thống giao thông thủy thông suốt. Năm 1908, Tỉnh trưởng Maspero cho đào tuyến kênh Sóc Trăng – Phụng Hiệp (còn gọi là kênh Maspéro). Kênh Maspero nối tỉnh lỵ Sóc Trăng với kênh đi Phụng Hiệp và nối với kênh Saintard ra sông Bassac. Ngoài ra, còn có kênh từ Sóc Trăng đi Bãi Xàu dài trên 1.200m là đường vận tải thủy chủ yếu trước đây.

Dòng sông Maspero

Trước đây Sông Mapero là nguồn sinh kế, tuyến giao thông với các hoạt động thương mại "trên bến dưới thuyền", là cơ sở hình hành và phát triển thành phố Sóc Trăng. Quá trình đô thị hóa đã thu hẹp diện tích nước mặt nước giảm dần, kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp… Sông Maspero là tuyến sông tỉnh quản lý, hiện trạng đạt sông cấp V với chiều sâu trung bình 2.50 m, chiều rộng trung bình 50 m, duy trì luồng lạch đủ độ sâu để phương tiện thủy hoạt động bình thường. Bên cạnh vai trò giao thông thủy, tuyến sông này còn là tuyến cảnh quan chính của thành phố, do đó định hướng quy hoạch và phát triển các bến tàu khách du lịch dọc theo sông .

Sông (kênh) Maspero dài 7km, thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 01 m, dòng chảy trung bình, tốc độ gió trung bình năm là 1,6m/s. Sông Maspero nằm trong lòng thành phố Sóc Trăng, đi qua các phường 4, phường 8, phường 6, phường 1, phường 2, phường 7, phường 9 và nối liền huyết mạch đi qua các con sông, kênh, rạchchảy ra sông Hậu và các tỉnh lân cận. Hai bên bờ sông có dân cư sinh sống đông đúc, có nhiều khu, điểm mua bán sầm uất. Tuy nhiên, nguồn nước các sông, kênh, rạch nội ô thành phố và riêng sông Maspero bị ảnh hưởng nguồn nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nước sinh hoạt từ các hộ dân chưa qua xử lý, bùn bã lâu ngày không được thu gom cộng với rác làm ứ đọng, giảm khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực, gây tình trạng ngập nước khi có triều cường và mưa lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân.Theo thống kê năm 2019, thành phố Sóc Trăng có 45 tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm, trong đó có 18 tuyến kênh bị ô nhiễm nặng; tập trung nhiều tại các phường trung tâm của thành phố. Cụ thể là địa bàn phường 2, phường 3 mỗi phường có 10 tuyến kênh bị ô nhiễm. Theo đó, UBND thành phố Sóc Trăng đã phê duyệt cải tạo khắc phục ô nhiễm 13 công trình với 31 tuyến kênh, kinh phí thực hiện khoảng 17,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường và kiến thiết thị chính.

Tỉnh Sóc Trăng, với sự cộng cư, giao hòa, gắn kết lâu đời của ba dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa là một trong những tỉnh đẹp và thơ mộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này nổi tiếng với những ngôi chùa cổ kính mang kiến trúc độc đáo, có khung cảnh thiên nhiên yên bình, ẩm thực phong phú và đặc biệt người dân hiền lành, gần gũi. Riêng thành phố Sóc Trăng được thành lập vào năm 2007, có diện tích 76,01 km2 và dân số trên 137.000 người, gồm 10 phường,là nơi hội tựu nhiều điểm tham quan, trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí. Đặc biệt, là nơi tổ chức nhiều sự kiện về văn hóa, lễ hội, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh. Nổi bật, các điểm chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Kh'leang, chùa La Hán, chùa Som Rong (với điểm nhấn là Tượng Phật Thích Ca nằm lớn nhất tại Việt Nam),.. các lễ hội Đấu đèn của dân tộc Hoa, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến Sóc Trăng hàng năm.

Thành phố Sóc Trăng hiện đang thu hút khách du lịch với nhiều hoạt động về đêm với âm hưởng thơ ca viết về dòng Sông Trăng thơ mộng, hay với câu hát “Kia dòng nước Sung Đinh chảy về Chông Chác; nước quanh năm nuôi lúa ấp giồng...” trong bài hát Sóc Trăng thân thương của cố nhạc sĩ Quách TrungTín. Vẻ đẹp yên bìnhvới đôi bờ sông Maspero lung linh ánh đèn lôi pro – típ, nơi reo hò cổ vũ của hàng ngàn người dân, du khách đỗ về khán đài Đua ghe Ngo trẩy lễ hội Oc Om Bóc – Đua ghe Ngo; nơi giao thương tấp nập người mua kẻ bán tại chợ Mỹ Phương; nơi có một ngôi chùa lung linh, nguy nga tráng lệ được mệnh danh là chùa vàng Peam Buol Thmay; hay nơi gợi nhớ về ngã tư Cột Đèn Lồng đi vào lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ và nhà máy Pháp từng có giai đoạn hoạt động…

Với lợi thế là tỉnh có 72 km bờ biển, có 3 cửa sông chính là cửa Định An, Trần Đề và cửa sông Mỹ Thanh, có nhiều cồn, cù lao dọc theo dòng sông Hậu đổ ra biển Đông, hệ thống sông ngòi chằng chịt đã hình thành và tạo điều kiện cho người dân Sóc Trăng tổ chức các hoạt động thể thao sông nước phù hợp với điều kiện môi trường, thổ nhưỡng. Về hoạt động thể thao Sóc Trăng nói chung và phong trào thể dục, thể thao quần chúng nói riêng với nhiều kết quả tích cực. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương, ban ngành đã quan tâm tổ chức các giải, hội thao chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, mừng tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer... góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo những người yêu thích thể thao tham gia thi đấu. Đặc biệt, tại thành phố Sóc Trăng, vào ngày 02 ngày 14 – 15 tháng 10 âm lịch hàng năm, tại đường đua ghe Ngo thành phố Sóc Trăng các đội ghe Ngo nam và nữ thi đấu rất sôi nổi, hào hứng giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng. Trên đường đua này, tỉnh Sóc Trăng đã tranh thủ nguồn vốn trung ương đầu tư xây khán đài đua ghe ngo nằm cặp sông Maspero (bên bờ phường 8) với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Đây chính là nơi tổ chức hội đua ghe ngo truyền thống cấp quốc gia hằng năm vào dịp lễ Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer Nam bộ và thu hút  hàng chục ngàn khán giả trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng tập trung dọc hai bên sông Maspero, thành phố Sóc Trăng để hò reo, cổ vũ cho các đội ghe Ngo tranh tài, tạo nên sinh khí náo nhiệt và tinh thần thể thao đoàn kết đầy ấn tượng.

Lễ hội đua ghe ngo

Năm 2024, Giải đua có 50 đội ghe Ngo gồm 5đội nữ và 53 đội nam đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, với hơn 4.000 vận động viên nam, nữ tranh tài. Các đội ghe Ngo nam tranh tài ở cự ly 1.200m và ghe nữ 1.000m.

Đua ghe Ngo là môn thể thao truyền thống được đông đảo người dân Nam bộ yêu thích và là hoạt động chính trong lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer.Sóc Trăng đang giữ kỷ lục là tỉnh tổ chức giải đua có số lượng ghe Ngo và vận động viên tham gia nhiều nhất. Sau các hoạt động văn hóa thể thao đặc sắc, giao thương kinh tế vùng miền, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng 2024 đã thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham quan và tham gia các hoạt động. Giải đua ghe ngo thu hút trên 200.000 lượt du khách đến xem và cổ vũ trực tiếp, 620.000 lượt đại biểu đến tham gia, tham quan các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Đây là nét văn hóa dân tộc đặc sắc của tỉnh, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch phong phú phục vụ du khách.

Lý Phương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu