Nhân sự kiện tổ chức Đại hội đại biểu Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng (KHLS), nhiệm kỳ III (2019 – 2024), Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch kết hợp với Hội KHLS tỉnh tổ chức đoàn đại biểu dự Đại hội đi khảo sát, tham quan một số điểm du lịch trong tỉnh Sóc Trăng.
Đoàn tham quan Phủ thờ Thái Gia Hương – Tân Huê Viên
Trung tâm tập trung đại biểu có 03 đoàn, gồm tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh nhà Sóc Trăng. Theo lịch trình đoàn tham quan 02 huyện và 01 thị xã, gồm: Điểm du lịch Tân Huê Viên (thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành), tham quan Phủ thờ Thái Gia Hương, dây chuyền sản xuất, quầy bán các mặt hàng quà tặng lưu niệm du lịch, đặc sản địa phương và thưởng thức bánh nóng; tại huyện Mỹ Xuyên, đoàn tham quan Ba Thắc cổ miếu, chùa Tắc Gồng, tham quan vòng quanh, tìm dấu tích Thương cảng Bãi Xàu xưa (nay là ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên); ở thị xã Vĩnh Châu, đoàn khảo sát Mộ Hoàng cô (?).
Đoàn tham quan Ba Thắc cổ miếu
Qua cuộc trao đổi thông tin, Đoàn đánh giá cao các giá trị văn hóa, bề dầy lịch sử hiện hữu tại tỉnh Sóc Trăng, nhất là nhắc về Thương cảng Bãi Xàu. Tiến sĩ Trịnh Công Lý – Chủ tịch, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng cho biết “Bãi Xàu là trung tâm thương mại lớn của vùng Hậu Giang và là một trong 3 thương cảng lớn của vùng đất Nam bộ xưa. Cuối thế kỷ XIX, Bãi Xàu là trung tâm mua bán sầm uất của hạt Sóc Trăng, dân cư khu vực này lên đến 6.000 người. Từ tháng 2 đến tháng 6 bình quân mỗi tháng có 250 ghe thuyền từ các nơi của thương buôn Trung Quốc, Mã Lai, Bắc Kỳ... chở hàng đến như vải sợi, tơ lụa, đồ gốm, thuốc lá, thuốc bắc ... và chở đi gạo Bãi Xàu cùng một số sản phẩm khác như cá và khô.
Ở Sóc Trăng, rất hiếm có ngôi chánh điện (chùa Tắc Gồng) được tháp 03 nóc.
Riêng về Mộ Hoàng Cô (?), đến nay vẫn chưa rõ danh tính dưới mộ chính xác là ai và có những gì. Nhiều giả thuyết được truyền tụng từ khoảng 150 năm đến nay, người dân địa phương cứ gọi là mộ Hoàng Cô (?). Vùng này (hiện nay thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) chỉ còn một ngôi mộ bằng đá ong duy nhất là mộ của vị võ tướng hay là mộ của Hoàng Cô (?). Ngôi mộ không ai chăm sóc, tu bổ nên đã thấp đi rất nhiều. Đá ong đấp lên ngôi mộ cũng bị thời gian, mưa gió bào mòn. Theo lời kể của những hộ dân, sau ngày 30/4/1975, người dân nơi đây bắt gặp một cái mão của một vị võ tướng ở gần ngôi mộ bị mưa gió làm lộ ra. Mão được chuyền tay từ người này sang người khác, cuối cùng được giao cho một người ở Cà Mau cất giữ và hiện nay cũng không biết đích xác địa chỉ.
Mộ Hoàng Cô (?) – Đá Ong là hiện vật, có thể xác định triều đại và danh tính người dưới mộ.
Những năm gần đây, người dân địa phương đóng góp, xây tường thấp chung quanh khuôn viên để giữ gìn ngôi mộ. Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cùng các ngành chức năng đang tiếp tục mời các nhà khoa học nghiên cứu để làm sáng tỏ. Hy vọng rằng, những nhà khoa học về lịch sử, khảo cổ….có thể tham gia nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm về gốc tích của ngôi mộ đá ong này. Hiện nay, ngôi mộ vẫn là điểm thu hút khá đông người dân và du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu./.
Lý Thị Phương