CẢM NHẬN VỀ NGƯỜI DÂN KHMER TRONG TẾT CHÔL-CHNAM-THMÂY TẠI CHÙA BỐN MẶT HUYỆN CHÂU THÀNH

11/03/2020 1395 0

            Tôi sống tại Sóc Trăng. Chùa Bốn Mặt ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tôi đã đến đây được vài lần, nhưng lần này tôi đến đây vào đúng dịp tết Chôl-Chnam-Thmây vừa qua đã để lại trong tôi một cảm nhận mới lạ hoàn toàn. Một niềm vui chan hòa ấm áp của bà con và những nét văn hóa tâm linh rất đẹp trong ngày tết năm mới này.

          Tết năm mới của bà con như thường niên diễn ra trong 3 ngày 14-15-16/4 dương lịch. Tôi đến chùa Bốn Mặt vào buổi chiều ngày thứ 2 của tết. Từ ngã 3 An Trạch, rẻ phải về hướng huyện Kế Sách khoảng 2km là đến chùa. Không khí trên đường trở nên mát mẻ hơn với cái gió buổi chiều xuống, cảnh vật xung quanh yên bình, xe lưu thông trên đường đông hơn so với ngày thường. Từ khoảng cách khá xa,  tôi đã nghe được tiếng nhạc trầm vang, thanh thoát, rất đổi bình dị và rôm rả. Được biết đây là một trong những nhạc cụ truyền thống, không thể thiếu trong những ngày đại lễ, tết truyền thống của dân tộc Khmer. Bước đến cổng chào vào chùa, không gian nơi đây khác hẳn so với những bên ngoài, đông đút người, rộn rã tiếng nhạc hòa lẫn tiếng cười của bà con vui tết tại chùa. Đời sống bà con Khmer gắn liền với những ngôi chùa, và tiếng nhạc ngũ âm chính là cái hồn của dân tộc Khmer, réo gọi niềm vui rộn rả, làm không khí tết của bà con thêm sung túc, vui tươi hơn.

           Theo dòng người tôi bước vào cổng chùa. Chung quanh ngôi chính điện là những gian trại được dựng lên, có diện tích khoảng 7mx5m, bên ngoài được trang trí các hoa văn họa tiết mang sắc thái của dân tộc, với những ngọn tháp cao vút. Bên  trong mỗi gian có đặt bàn thờ tượng Phật Thích Ca rất trang trọng. Được biết mỗi gian như vậy là đại diện của một ấp, hay một xã trong huyện Châu Thành. Cách trang trí và bày trí trong mỗi gian là tùy thuộc điều kiện của mỗi đơn vị. Nhưng nhìn chung mỗi gian điều được trang trí rất chu đáo, hài hòa. Thể hiện đời sống của người dân địa phương đã có những chuyển biến tích cực.

Dọn vật cúng trên bàn thờ Phật chuẩn bị cho Lễ Tắm Phật

           Người dân thuộc mỗi ấp, xã đến chùa thấp nhang xong sẽ đến gian hàng của ấp mình, hay bất kỳ gian thờ nào của các ấp, xã khác để được các sư đọc kinh cầu nguyện và chúc tụng cho một năm mới vui vẻ, bình an. Bên cạnh đó, mọi người có thể yêu cầu mở một bài nhạc để tất cả mọi người sẽ cùng nhau múa vui những điệu múa của dân tộc. Tiếng nhạc, điệu múa giúp mọi xích lại gần nhau hơn. Những người nông dân chân chất, tay lắm chân bùn, vậy mà khi nghe tiếng nhạc khơi lên điệu múa, tôi cảm nhận họ không còn là một người nông dân bình thường mà  họ là những nghệ sĩ thật sự. Đôi bàn tay thô cứng trở nên mềm mại, dẻo dai, dáng điệu thì uyển chuyển.

          Ở phía sau, bên trái của sala là một sân khấu thu nhỏ, được nhà chùa xây dựng vào tháng 2/2015 để phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ cho bà con mỗi dịp lễ, tết. Dù còn khá sớm, chỉ hơn 7 giờ nhưng mọi người cũng đã tập trung khá đông trước sân khấu để  chờ đón những tiếp mục ca múa nhạc tại đây. Tôi là không nghe, không hiểu được tiếng Khmer. Nhưng có thể nói chính điệu nhạc cũng đã cho tôi cảm nhận được nét văn hóa đặc trưng của bà con Khmer.

           Đi một vòng, tôi thấy mỗi người cầm trên tay một cái túi cát. Hỏi thì tôi mới biết là họ đang làm lễ đắp núi cát. Trong ngày thứ 2 của tết, mọi người đi đến chùa ngoài việc dâng cơm tại Sala trước lúc 10 giờ, thì mọi người còn làm lễ đáp núi cát xung quanh chánh điện chùa từ sáng sớm cho đến hết ngày, thậm chí còn kéo dài đến trưa ngày hôm sau. Mỗi người một chút cát, vậy mà khi lễ hoàn tất, nắm cát ấy đã trở thành một đống cát khá lớn. Theo bà con nơi đây cho biết mỗi người khi cho nắm cát xuống đều sẽ cấm lên trên một cây nhang để cầu nguyện xua tan cái ác, đem lại điều tốt lành cho năm mới bình an. Đối với những người có đời sống kinh tế khá hơn thì họ sẽ lấy lúa thay cát để đáp thành núi lúa để giúp cho nhà chùa. Việc đắp núi cát bằng lúa vẫn không thay đổi ý nghĩa tốt đẹp cho tục đắp núi cát trong ngày tết.

           Mai sẽ là ngày thứ 3 của tết, mọi người cũng sẽ đi đến chùa dâng cơm, bái Phật, đặc biệt là Lễ tắm Phật, một trong những lễ quan trọng trong ngày tết Chôl-Chnam-Thmây. Tôi quay trở về TP. ST sau một buổi tối đầy thú vị cùng với bà con Khmer.

           Khoảng 10 giờ hôm sau, tôi chạy xe theo tuyến cũ đến với chùa Bốn Mặt. Khoảng 15 phút tôi đã đến nơi. Trời nắng khá gắt, nhưng mọi người đến chùa vẫn rất đông. Không gian chùa mát mẻ hơn với những cây sao cao vút, và những cây có tán thấp, lá khá to, độ chừng lá măn cụt. Mỗi cây đều đã cho trái, trái nhỏ có màu vàng da bò, trái to thì có màu đỏ thắm. Được biết loại cây này có tên gọi là cây đào hồng nhung. Trong chùa có hơn 100 gốc đào hồng nhung, có độ tuổi trung bình là 20 năm, có gốc đã có hơn 100 năm tuổi. Một cậu bé Khmer, độ khoảng 13 tuổi, nghe tôi hỏi về loại cây này đã nhanh chân trèo thoăn thoắt lên cây, hái một trái to màu đỏ đưa cho tôi và cười bẽn lẽn rồi chạy đi.

           Tôi cầm trái hồng nhung trên tay, mùi hương nhẹ phân phất, đặc trưng rất lạ. Tôi ghé vào quán gọi ly nước, cô hàng quán rất sẳn lòng cho tôi mượn con dao nhỏ. Tôi bốc vỏ ra, bên trong trắng ngần, thịt dẻ nhưng mềm vì đã chín, thịt trái rất bùi, có vị ngọt nhẹ, ăn rất ngon. Chị chủ quán bảo loại trái này ngon lắm, nhất là lúc vừa chín tới ăn sẽ rất ngon, chín mùi thì trái rất thơm nhưng thịt bị mềm, ăn không ngon. Còn nếu chưa chín tới thì trái sẽ có mũ, chát và khó ăn.

           Khoảng 11h, tôi đến sala của chùa (là giảng đường của sư sãi, là nơi tiếp khách trong những ngày lễ, tết truyền thống của dân tộc Khmer) là nơi mà mọi người tập trung về đây làm lễ dâng cơm. Khi tiến hành lễ dâng cơm xong, các vị sư thọ thực, sau đó mọi người mới cùng nhau dùng cơm, cũng tại sala. Dùng cơm xong mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp sạch sẻ và ngăn nắp. Lúc này, mọi người sẽ mang những dụng cụ dâng cơm của mình về nhà, rồi sau đó quay lại chùa. Ai ở xa thì ở lại chùa để tiếp tục chưng dọn và tham gia Lễ tắm Phật.

          Tôi bước vào chánh điện, lúc này không gian vẫn thoáng rộng. Từng lượt người đến thấp nhang, và đắp núi cát trước bệ thờ Phật. Tượng Phật bốn Mặt, cao hơn 1.2m, gồm có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi mặt có 5 vị Phật. Tượng Phật được người dân phát hiện trong lúc khai hoang tại vùng đất này vào năm 1537. Người dân tin đây là điềm lành, nên xây dựng chánh điện tại vị trí phát hiện và rước Phật vào thờ cho đến giờ. Hiện tượng Phật này vẫn giữ được nguyên hình dạng, kích thước và chất liệu như ban đầu. Có thể nói, tượng Phật Bốn Mặt ở chùa là tượng Phật Bốn Mặt có duy nhất có ở Việt Nam. Ở Bangkok, Thái Lan cũng có tượng Phật Bốn Mặt, nhưng lại là tượng một vị Phật có bốn mặt ở bốn hướng.

           Sau tượng Phật Bốn Mặt là bệ thờ Phật Thích Ca sơn son thiếp vàng uy nghi, xung quanh tượng Phật Thích Ca lớn có rất nhiều tượng phật Thích ca nhiều kích cỡ khác nhau. Đây là những bước tượng Phật do Phật tử trong vùng cúng Chùa.

            Sau khoảng 10 phút, khu vực chánh điện trở nên đông hơn, già trẻ, gái trai không ai quen ai, nhưng họ cùng nhau làm chung một công việc theo trật tự và rất nề nếp. Dừng như công việc này đã trở thành thói quen của mọi người trong dịp tết. Mọi người tập trung vào dọn các vật của Phật tử cúng chùa như tượng Phật (phật tử mới cúng trong dịp tết), cây lá vàng, Slathođôn (Trái dừa được vạt bằng, có gắn thêm nhang, đèn cầy, lá trầu và một số hoa tươi.... để chuẩn bị cho Lễ Tắm Phật. Trên khuôn mặt mọi người ai cũng nở nụ cười rất tươi, để chào đón Lễ Tắm Phật. Mọi người như chung cùng một mái nhà, chan hòa, gắn bó dưới nơi linh thiên này. Theo quan niệm tâm linh của người Khmer, Lễ Tắm Phật mang ý nghĩa rửa sạch những tội, những điều không hay trong năm cũ, mang đến sự may mắn, vui vẻ, an lành trong năm mới. Khi tết đến ai cũng mong chờ Lễ này để được mai mắn cả năm.

Lễ tắm Phật

          Một phút lắng lại trong tôi, tôi cảm thấy vui với niềm vui của người dân nơi đây. Một cảm nhận sâu sắc về đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Khmer. Có lẻ, tôi đã có chút trầm lặng. Một bà cụ trên 60 tuổi, trên hai bàn tay bà đầy hoa vạn thọ (hoa trên trái Slathođôn), bà trao vào tay tôi và nói một lèo bằng tiếng Khmer, nụ cười nhân ái đầy thân thiện. Tôi không biết tiếng Khmer, nhưng nụ cười của bà và hành động ấy, tôi hiểu ý nghĩa và tấm lòng của bà! Tôi quay sang chị Chanh Tha (sống tại Trà Quýt, Châu Thành, người chị Khmer tôi quen được khi vào chánh điện) “Em không biết tiếng Khmer”, mọi người trong nhóm cười vui, rồi bảo “Bà lão nghĩ là em đang đợi để xin “lộc”, nên bà cho và bảo lấy về làm lộc năm mới, may mắn cả năm”.

             Đến hơn 12h30, sau khi các vị sư tụng niệm làm nghi thức lễ xong, tiến hành nghi thức tắm Phật trong sự hăm hở nô nức của tất cả mọi người. Các vị sư tiến lên bàn thờ Phật chính trong chánh điện, phất nước thơm và hoa tươi đựng trong cà ôm tắm Phật. Mọi người đứng xung quanh đầy vui mừng, háo hức chờ đón những giọt nước Phật thanh mát, xua đi những lo toan, phiền muộn trong năm cũ, mang điều mai mắn trong năm mới. Các vị sư dùng gàu phất nhẹ ra xung quanh. Trên tay mỗi người đều cầm một dụng cụ nhỏ có thể chứa nước thơm của Phật, đem về nhà làm niềm may mắn cho gia đình. Những giọt nước thơm dường như làm cho mọi người trở nên tươi trẻ hơn, mạnh khẻo hơn để bắt đầu một năm mới thành công, hạnh phúc.

           Tôi quay trở về, niềm vui trong lòng vẫn chưa dứt. Nơi linh thiên đó, vùng đất, con người chân chất, thân thiện và những nghi thức lễ trong tết truyền thống của bà con Khmer nơi đây đã thật sự cho tôi những cảm xúc thật khó quên và đầy thú vị. Hứa hẹn cho những gì sắp đến tôi sẽ trải nghiệm thêm để hiểu thêm về nét đặc sắc của người dân Khmer Sóc Trăng. Chúc bà con Khmer tết năm mới nhiều niềm vui, may mắn, hạnh phúc và trúng mùa./.

                                                                                      Kim Lê

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu