ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH GẮN VỚI THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU

30/03/2023 213 0

Sóc Trăng được biết đến với những ngôi chùa Khmer cổ kính cùng nhiều lễ hội như Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Óc-Om-BoK, do đó lâu nay khách du lịch “định danh” hình ảnh của tỉnh gắn liền với văn hóa Khmer. Nhưng Sóc Trăng không chỉ có vậy, mà điểm đến này còn có nhiều tài nguyên khác nữa, là tiềm năng để phát triển thành nhiều sản phẩm du lịch cho các thị trường khác nhau.

Về tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Sóc Trăng có sông Hậu, kinh rạch; các đảo nổi trên sông; bờ biển dài ở thị xã Vĩnh Châu, rừng ngập mặn và nhiều loại tôm cá. Trong đó Cù Lao Dung đang là đảo nổi lớn nhất trên sông Hậu (diện tích hơn 260 Km2), nơi có khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên được ví như “Viên Kim Cương” trên sông Mekong.

Trải nghiệm bơi xuồng ở Farmstay Sân Tiên, Cù Lao Dung (Ảnh: Nguyễn Lợi)

Về tài nguyên văn hóa, tỉnh có gần 100 ngôi chùa Khmer, cùng con số tương đương các chùa Việt, Hoa ở tất cả các huyện thị trong tỉnh. Bên cạnh đó là những loại hình âm nhạc như Đờn Ca Tài Tử, Ngũ Âm, múa Răm-Bông ở đây đều rất nổi tiếng, đồng thời ẩm thực của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer cũng được du khách biết đến từ lâu.

Lễ hội Đua ghe Ngo Sóc Trăng (Ảnh tác giả)

Du lịch tỉnh Sóc Trăng phát triển dựa trên những lợi thế về tài nguyên khác biệt này. Tuy đã có sự cố gắng rất lớn từ phía chính quyền và doanh nghiệp địa phương, nhưng kết quả của ngành du lịch tỉnh nhà còn khá khiêm tốn. Biểu đồ dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này:

Nguồn: Tác giả tổng hợp dựa trên báo cáo của các Sở DL, VHTTDL ĐBSCL (2021)

Trong đó, năm cao điểm nhất là năm 2019 (trước dịch COVID-19) khách và doanh thu du lịch của tỉnh Sóc Trăng so với các tỉnh/ thành bán đảo Cà Mau như sau:

 

Cần Thơ

Hậu Giang

Sóc Trăng

Bạc Liêu

Cà Mau

Tổng số khách

(lượt người)

8.869.065

486.861

2.400.000

2.542.700

1.692.660

Doanh thu (tỷ đồng)

4.435

172

1.020

2.308

2.619

Nguồn: Tác giả tổng hợp dựa trên báo cáo của các Sở VHTTDL Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau (2021)

Như vậy Sóc Trăng chỉ đứng trên tỉnh Hậu Giang về cả số lượng khách và doanh thu, nhưng nếu chỉ tính riêng doanh thu thì chưa bằng 50% tỉnh lân cận là Bạc Liêu.

Có nhiều nguyên nhân để giải thích điều này, như thiếu sản phẩm du lịch, khả năng giữ khách qua đêm còn hạn chế và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong đó thiếu sản phẩm hoặc phát triển sản phẩm chưa gắn với thị trường mục tiêu, là một trong những nguyên nhân chính.

Đề xuất thị trường mục tiêu

Qua báo cáo thống kê du lịch của Sở VHTTDL, thì lượng khách quốc tế luôn chiếm tỷ lệ dưới 5%, chẳng hạn như năm 2019 khách quốc tế chỉ đạt 90.000 lượt trên tổng số 2.400.000 lượt khách toàn tỉnh. Vì vậy trong tương lai gần, khách nội địa vẫn là thị trường mục tiêu của du lịch Sóc Trăng, bao gồm:

a/ Khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền Đông

Nguồn khách rất lớn, dễ khai thác và thường nghỉ lại từ 1 đến 2 đêm trong các cơ sở lưu trú có chất lượng từ 2 đến 4 sao, farmstay, hoặc đi tiếp sang các tỉnh lân cận.

b/ Khách nội vùng ĐBSCL

Nguồn khách rất lớn, chủ yếu đến từ TP Cần Thơ và các đô thị trong vùng, họ là thích các tham quan, giải trí, câu cá và hoạt động trải nghiệm ở các khu, điểm du lịch. Đây là thị trường dễ tính, nhưng chi tiêu không cao, tỷ lệ lưu lại qua đêm thấp và ít có thói quen bảo vệ môi trường.

c/ Khách Hà Nội và Miền Bắc

Phần lớn họ đi theo tour trọn gói bằng máy bay đến Tp. Cần Thơ hoặc TPHCM, sau đó đi tiếp về Mũi Cà Mau. Tỉnh Sóc Trăng có thể đón được khách này nếu có dịch vụ chất lượng cao và khách sạn 3-4 sao.

Đề xuất phát triển sản phẩm gắn với thị trường

Thông thường khách đi du lịch cần các dịch vụ chính là: Vận chuyển, tham quan, ăn uống, lưu trú, giải trí và mua sắm. Tùy từng phân khúc mà khách mua toàn bộ hay chỉ mua một vài sản phẩm, đồng thời yêu cầu của họ về chất lượng, giá cả và hình thức mua hàng cũng rất khác nhau.

Vì vậy việc xác định thị trường mục tiêu trước, sau đó mới phát triển sản phẩm dịch vụ, thì dễ thành công hơn.

a/ Đối với dịch vụ vận chuyển

Phát triển xe điện trong các đô thị lớn để bán cho tất cả các đối tượng khách có nhu cầu đi city tour;

Phát triển xe thô sơ bằng sức kéo của trâu, ngựa tại các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn; trên các cù lao và vùng ven biển;

Đặc biệt cần có đội tàu, cano công suất lớn để khai thác tuyến du lịch trên sông Hậu.

Các sản phẩm vận chuyển này để có thể đón được tất cả các loại khách, trong đó tour trên sông bằng tàu cao cấp thì thường được khách ngoài vùng ưa chuộng hơn.

b/ Đối với dịch vụ tham quan

Thường thì khách từ TPHCM và Miền Bắc thích các điểm tham quan có chiều sâu về văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong khi đó khách nội vùng ĐBSCL lại thích trải nghiệm và chụp hình vui vẻ.

c/ Đối với dịch vụ ăn uống

Khách ngoài vùng thích món ăn cao cấp và chấp nhận trả giá cao hơn, đặc biệt là khách đi du lịch bằng máy bay. Đồng thời họ cũng muốn thưởng thức các món ăn truyền thống của cư dân bản địa, có thể đó là món ăn Khmer.

Trong khi đó khách nội vùng lại thích món ăn tươi, giá cả phải chăng và không đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ.

d/ Lưu trú

Đây là yêu cầu “phải có” nếu muốn giữ khách lưu đêm và nắm được công đoạn có chi tiêu cao nhất trong chuỗi giá trị du lịch. Trong tương lai gần, các cơ sở lưu trú trong TP Sóc Trăng và thị xã Ngã Năm khó có thể cạnh tranh với thành phố Cần Thơ, vì vậy cần có chiến lược phát triển ưu tiên các điểm nghỉ dưỡng nhỏ dạng lodge, bungalow, resort ở các trang trại, trên các cồn, cù lao và tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu.

e/ Giải trí

Thường thì khách ở lại qua đêm luôn muốn có nơi để thư giãn và thưởng thức văn nghệ. Vì vậy tỉnh Sóc Trăng cần khuyến khích đầu tư một số điểm giải trí bán đêm như quán bar, karaoke, đồng thời có nơi biểu diễn âm nhạc truyền thống của đồng bào Khmer và cả cổ của Người Việt.

f/ Mua sắm

Tỉnh Sóc Trăng đang nổi lên như là trung tâm mua sắm bánh pía, hàng thủ công và các loại hải sản khô. Ngoại trừ bánh pía được đóng gói cao cấp, còn các sản phẩm khác có bao bì rất sơ sài và nhãn hiệu đôi khi không rõ ràng. Nếu muốn bán được cho khách cao cấp, nhất là khách miền Bắc, thì các sản phẩm này cần được cải thiện cả về chất lượng, bao bì, nhãn mác và địa điểm bán.

Với những phân tích nêu trên, hy vọng tỉnh Sóc Trăng sẽ xây dựng được chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với các thị trường mục tiêu khác nhau, để từ đó nâng cao khả năng thu hút, cũng như giữ khách lưu lại lâu hơn./

Phan Đình Huê

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu