Đình Hòa Tú lưu giữ giá trị lịch sử truyền thống cách mạng

15/09/2023 376 0

STO - Ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có một di tích lịch sử văn hóa với tuổi đời hơn trăm năm. Đó là đình Hòa Tú, một công trình kiến trúc nghệ thuật mang những đặc trưng cổ truyền của văn hóa dân tộc Việt Nam gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử hào hùng, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của nhân dân vào ngày 23/11/1940.

Theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương, ngày xưa, làng Hòa Tú rất sung túc, dân làng hòa thuận, làm ăn yên ổn. Vua Tự Đức đã khen ngợi và phê sắc phong thần cho làng vào ngày 29/11/1852. Cũng từ đó, dân làng góp sức xây dựng một ngôi đình đẹp, rộng rãi, khang trang để thỉnh sắc về thờ. Ngôi đình đầu tiên có diện tích rất rộng, hơn 360m2, gồm 3 gian song song, bố trí theo hướng Đông Bắc, Tây Nam, cổng nhìn hướng Đông Bắc, mái đình lợp ngói âm dương, cột đình bằng gỗ căm xe chắc chắn. Trong đình, từ cột kèo, bài vị, bệ thờ, liễn đối đều được chạm trổ khéo léo. Gian đầu là nhà võ ca, gian giữa nhà khách, gian sau là điện thờ thần và các vị công thần khai quốc…

Ngoài ý nghĩa mang nét đẹp văn hóa, đình Hòa Tú còn là nơi gắn liền nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của địa phương qua các thời kỳ, dấu ấn là cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nhân dân vào ngày 23/11/1940.

Đình Hòa Tú gắn liền nhiều sự kiện, dấu ấn lịch sử cách mạng của địa phương. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Năm 1938, đồng chí Phạm Hồng Thám và đồng chí Tư Bối về Hòa Tú xây dựng cơ sở Đảng, sau đó Chi bộ Hòa Tú được thành lập với 3 đảng viên là các đồng chí: Nguyễn Tấn Đạt, Văn Ngọc Chính và Trần Văn Tấn (Bí thư Chi bộ Hòa Tú). Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hòa Tú, các tổ chức phản đế của nông dân, thanh niên, phụ nữ… làng Hòa Tú ra đời và phát triển nhanh chóng. Ngày 23/11/1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được Chi bộ Hòa Tú tiếp nhận, đông đủ mọi người từ các ấp trong làng với vũ khí thô sơ cầm chặt trong tay: gậy gộc, giáo mác, kích, phảng, búa… tập trung trước sân đình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Đến 2 giờ sáng ngày 24/11/1940, cuộc khởi nghĩa của làng Hòa Tú thắng lợi, lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện tung bay trong làng Hòa Tú…

Theo chiều dài lịch sử, mặc dù bị ảnh hưởng, tàn phá bởi chiến tranh nhưng hồn cốt của đình Hòa Tú vẫn được nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ. Trước năm 1945, đình được tu sửa lại, vách ván được thay bằng vách gạch trát vôi. Năm 1946, khi giặc Pháp trở lại, quyết không để địch có nơi đóng quân, người dân buộc phải tháo dỡ đình. Cho đến năm 1957, ngôi đình được xây dựng lại, tuy nhiên do cột kèo hư hỏng, đồ thờ thất lạc, ngôi đình đã không còn nguyên vẹn như xưa. Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, năm 1990, Đảng bộ, nhân dân huyện Mỹ Xuyên và làng Hòa Tú ngày trước đã góp của, góp công xây dựng lại ngôi đình và một bia lưu niệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở làng Hòa Tú năm 1940.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đình nhiều lần được trùng tu, gần đây nhất là vào năm 2010. Hiện trạng của đình là nền rộng 112m2, có hai gian, gian trước là võ ca, gian sau là điện thờ. Trong điện thờ có bệ thờ thần giữa điện xây bằng gạch trát ximăng, trên vách giữa bệ treo một bằng nền đỏ gắn chữ Thần bằng gỗ sơn nhũ vàng, đồ thờ là một bộ tam sư gồm 1 bình gốm cắm hương ở giữa và 2 chân nến bằng gỗ hai bên hình tượng đôi hạc đứng trên lưng rùa được vẽ bằng sơn dầu. Bên trái của điện thờ là bệ thờ đồng chí Văn Ngọc Chính và các liệt sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Hòa Tú năm 1940; bệ bên góc phải thờ các liệt sĩ và nhân dân Hòa Tú đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cách cổng đình 14m có dựng tấm bia lưu niệm. Mặt trước bia tô đá rửa, trên đó trang trí lá cờ đỏ sao vàng hình tròn chạm nổi, dưới cờ là 1 ô vuông lõm tạm gắn một bảng thiếc kẻ dòng chữ “Truyền thống Hòa Tú 23/11/1940”.

Hiện nay, trong đình còn lưu giữ nhiều vật phẩm quý như 2 chiếc mai rùa bằng gỗ, 2 cái lưng hạc bằng gỗ có khắc văn tự Hán Nôm, đôi chân bài vị bằng gỗ hình chữ nhật có chạm hoa văn quanh viền, 1 mảnh gỗ chạm hình rồng lượn trong mây và 1 mảnh gỗ chạm hình mặt rồng phun nước, Sắc phong thần làng Hòa Tú do vua Tự Đức phê, 1 khẩu súng 2 nòng là di vật của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại làng Hòa Tú năm 1940.

Theo thông lệ, cứ đến ngày rằm tháng 2 âm lịch mỗi năm, đình Hòa Tú sẽ tổ chức lễ cúng linh thần, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm bái. Hiện nay, Ban Quản trị đình gồm các vị cao niên trong vùng đã từng gắn bó với ngôi đình đảm nhiệm việc chăm sóc, bảo vệ công trình, đồng thời lo việc tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm.

Đình Hòa Tú là một trong những ngôi đình có quá trình hình thành và phát triển lâu đời gắn với lịch sử hình thành của vùng đất Hòa Tú xưa. Đình còn là một địa chỉ đỏ giáo dục về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng dân tộc. Ông Nguyễn Quốc Thống - Phó Ban Hội đình Hòa Tú cho biết, đình Hòa Tú đã chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992, trở thành 1 trong 8 di tích cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng.

XUÂN NGUYÊN

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu