HẠ TẦNG DU LỊCH SÓC TRĂNG SAU 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH

30/03/2023 215 0

STO - Năm 1992, ngay sau khi tái lập tỉnh, Sóc Trăng đã xác định là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch (DL) sinh thái và giàu tài nguyên DL văn hóa, cùng với sự kết tinh những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng 3 dân tộc anh em: Kinh - Khmer - Hoa được thể hiện đậm nét qua hệ thống chùa chiền kiến trúc đa dạng; hệ thống các di tích văn hóa lịch sử phong phú. Tuy nhiên, muốn phát triển được ngành công nghiệp “không khói” này thì điều kiện tiên quyết là phải có được hạ tầng giao thông đồng bộ, tương xứng với tiềm năng. Vì thế, sau 30 năm, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo đà để Sóc Trăng trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đầu tư, nâng cấp các điểm đến tham quan

Tính từ năm 2001 đến đầu năm 2022, tỉnh đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các điểm DL như: Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy, Nhà lưu niệm cơ sở cách mạng Mỹ Quới, chợ nổi Ngã Năm… cũng như hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án Khu Văn hóa tín ngưỡng Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (Châu Thành), tượng đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm, sửa chữa khán đài đường đua ghe ngo và một số tuyến đường vào các điểm tham quan DL. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư 101,7 tỉ đồng phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.

 Đông đảo người dân đến tham quan Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa DL được đẩy mạnh. Giai đoạn này, có 8 dự án xã hội hóa đã được triển khai với tổng kinh phí trên 800 tỉ đồng gồm: Khu Văn hóa tín ngưỡng Sóc Trăng, chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Quan Âm Đông Hải (Hồ Bể), chùa Som Rong, chùa Sro Lôn, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên...

Hệ thống hạ tầng ngày càng phát triển, số điểm tham quan DL trong tỉnh tăng khá nhanh đã góp phần thu hút đông đảo du khách về với Sóc Trăng. Nếu năm 2015 chỉ có khoảng 1,3 triệu du khách, thì năm 2019 đã có 2,4 triệu du khách, doanh thu đạt 1.020 tỉ đồng (năm 2019). Chủ tịch Hiệp hội DL tỉnh Sóc Trăng Tiến sĩ Trịnh Công Lý chia sẻ: “Nếu năm 2001, tỉnh chỉ có 1 công ty lữ hành nội địa, vài khách sạn trung bình thì đến cuối năm 2021 đã tăng lên 70 cơ sở lưu trú, trong này có 1 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao. Số điểm tham quan tăng lên đến trên 30 điểm, trong đó, có những điểm thu hút khách du lịch ngày càng đông như: chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Som Rong, Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Peam Buôl Thmây… Tỉnh có 4 điểm DL cấp tỉnh, 5 điểm kinh doanh được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách DL. Gần đây, vùng cù lao được đầu tư các dự án DL sinh thái, DL cộng đồng, là điểm đến mới gắn với thiên nhiên vườn cây ăn trái, rừng và biển. Một số trong 8 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh được đầu tư tôn tạo, tu bổ, trong đó có một số di tích là điểm đến tham quan của nhiều du khách”.

Điểm nhấn trong quá trình phát triển DL của tỉnh là tuyến cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, từ khi khai trương đến nay, đã có 2 công ty tàu cao tốc khai thác tuyến đường biển này, mỗi ngày chạy từ 3 - 5 chuyến khứ hồi. Từ tuyến tàu biển này, cùng với nhiều sự đầu tư cho điểm đến DL, sản phẩm DL, Sóc Trăng được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. 

Những định hướng mời gọi đầu tư

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển DL TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn năm 2022 - 2025, theo đó mời gọi đầu tư phát triển DL, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển DL; tăng cường các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đầu tư mới hệ thống cơ sở lưu trú, nâng cấp hệ thống khách sạn, nâng dần tỷ lệ các khách sạn đạt chuẩn cao cấp 4 sao. Nâng cấp một số nhà nghỉ DL trở thành khách sạn 1 - 2 sao, một số nhà trọ đạt chuẩn là nhà nghỉ DL... Khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ DL, đặc biệt là trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại TP. Sóc Trăng, trong đó, có một số khu phố kinh doanh thương mại, ẩm thực, trung tâm giải trí về đêm; dự án phố đi bộ dọc theo bờ sông Maspéro tại trung tâm TP. Sóc Trăng gắn với đặc trưng văn hóa 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa để thu hút khách DL tham quan trải nghiệm. Kêu gọi đầu tư xây dựng các bến tàu DL, điểm dừng chân, đầu tư các tuyến xe điện vận chuyển khách DL, vận động nhân dân cải tạo và đổi mới vườn cây ăn trái. Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với sân golf, Dự án Khu DL sinh thái rừng ngập mặn (đảo Khỉ), hình thành các dịch vụ DL sinh thái, DL cộng đồng…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Phạm Văn Đâu cho biết: “Ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về phát triển DL tỉnh Sóc Trăng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, các công trình cần thiết tạo thuận lợi để du khách đến được điểm tham quan và sử dụng các dịch vụ được thuận tiện, nhất là các vùng đang khó khăn về giao thông, cơ sở hạ tầng. Đồng thời, hỗ trợ người dân hoặc trực tiếp đầu tư xây dựng các công trình phục vụ DL tại các cụm DL cộng đồng, trên tinh thần người dân sẽ là những nhà đầu tư chủ yếu và chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư của mình”.

Trao đổi về định hướng phát triển DL tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2035, Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cho rằng: “Sóc Trăng cần tập trung đưa DL của tỉnh trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tầm nhìn 2035; phát triển DL trên nền tảng lợi thế so sánh về tài nguyên văn hóa và tài nguyên sinh thái biển của tỉnh; phát triển sản phẩm DL có sự khác biệt giữa các địa phương trong tỉnh và có sự khác biệt với sản phẩm của các tỉnh ĐBSCL; có tính kết nối cao với vùng ĐBSCL và cả nước, hướng tới kết nối với DL quốc tế. Phát triển DL với sự rõ nét văn hóa của một vùng sinh thái sông nước ĐBSCL với bản sắc riêng. Đồng thời, phát huy lợi thế của các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh, để kết nối với hoạt động DL".

Sự quan tâm phát triển hệ thống giao thông đã tạo đòn bẩy quan trọng để Sóc Trăng khẳng định vị thế và khai thác hiệu quả tiềm năng, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương trong tương lai.

THI RE

(Nguồn:https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/ha-tang-du-lich-soc-trang-sau-30-nam-tai-lap-tinh-56602.html)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu