MỘT SỐ LỄ HỘI ĐỘC ĐÁO CỦA CÁC DÂN TỘC TRONG TỈNH SÓC TRĂNG

17/02/2023 372 0

Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Lễ hội ở nước ta thật đa dạng và phong phú. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, mỗi năm Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước. Mỗi lễ hội mang một sắc thái và giá trị riêng của mỗi dân tộc. Tỉnh Sóc Trăng là mái nhà chung của ba dân tộc anh em: Kinh, Khmer, Hoa, với dân số trên 1,2 triệu người. Họ cùng nhau sinh sống từ nhiều thế kỷ nay đã tạo nên cho Sóc Trăng có nhiều nét đặc thù về sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống ở địa phương. Những hoạt động, sinh hoạt văn hóa lễ hội diễn ra xuyên suốt gần như quanh năm trên khắp địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Mỗi dân tộc có những lễ hội độc đáo riêng, song trong quá trình cộng cư sinh sống mỗi lễ hội đã trở thành những lễ hội chung của cả ba dân tộc.

Sàng sẩy cốm dẹp

Đầu tiên phải kể đến là lễ hội Cúng Phước Biển, một lễ hội truyền thống của đồng bào người Khmer vùng biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Người Khmer gọi là Chrôirum check, được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, thu hút rất nhiều du khách. Đây là dịp để bà con ngư dân người Khmer vùng biển Vĩnh Châu, tạ ơn biển cả đã cho con người nguồn hải sản quý giá và cầu nguyện cho người đi biển được bình yên, đánh bắt được nhiều tôm cá.

Đèn nước

     Lễ hội Cúng Phước Biển được tổ chức tại chùa Cà Săng (Srei Krosang) ở làng biển xã Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: bắt đầu bằng lễ cầu siêu, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn biển cả và cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với dân làng. Sau đó, người ta rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến khu vực hành lễ, nơi dựng sẵn một cái rạp với chiều dài 8m, ngang 18m. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ cầu nguyện tam bảo, cầu quốc thái dân an và chư tăng thuyết pháp. Sau các nghi lễ truyền thống là những hoạt động hội hè, giải trí. Nhiều trò chơi dân gian giàu tính truyền thống của dân tộc Khmer được tổ chức như đua bò kéo xe, đua ghe ngo trên cạn, thi đua tưới rẫy, thi nhặt củ hành,... Ngày hội cũng có những chương trình biểu diễn văn nghệ với những điệu múa uyển chuyển, điêu luyện của các cô gái Khmer hòa cùng dàn nhạc ngũ âm và cả vũ điệu cổ truyền như múa gà, múa trống sadam, múa khỉ của các nghệ nhân Khmer. 

Sôi nổi hội Đua ghe Ngo

 

     Tiếp theo là Lễ hội Thác Côn độc đáo của đồng bào Khmer vùng An Trạch, còn  lễ hội Cúng dừa được tổ chức hàng năm tại chùa Mahasal Thatmon, diễn ra vào các ngày 15, 16 và 17 tháng 3 âm lịch, thu hút rất đông người dân quanh vùng và du khách gần xa đến tham quan dự lễ.

      Lễ hội này mang ý nghĩa cầu mong sự an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giúp người ta nhớ về cội nguồn tổ tiên, ông bà đã sống chan hòa và yêu thương nhau hơn trên mảnh đất này. Lễ vật dùng để cúng trong lễ hội là trái dừa tươi được trang trí thêm hoa, lá, nhang đèn, nhìn như những chiếc bình bông, rất độc đáo, nên còn gọi là lễ hội cúng Dừa. Những chiếc bình bông sặc sỡ được trang trí bằng hoa tươi và nhang đèn cắm trên trái dừa ấy được người Khmer gọi là Slathođôn.

Làm lễ trước khi dâng bông vào Sala

     Sau khi lễ hội kết thúc là lúc thực hiện nghi lễ đem hạt giống ra đồng dâng cúng đất đai, cúng hồn lúa, cúng những vị thần bảo hộ cho ruộng vườn, làng mạc, tỏ lòng biết ơn các vị thần đem lại mưa thuận, gió hòa cầu mong vụ sau sẽ trúng mùa hơn. Ngoài ý nghĩa là một hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng, Thác Côn còn là lễ hội đặc trưng mang đậm tính chất nông nghiệp, bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa mà du khách ở phương xa ít khi có dịp tham dự.

     Tại vùng biển Kinh Ba – Trần Đề, từ lâu tồn tại tín ngưỡng tục thờ Cá Ông là một nét đặc sắc trong đời sống tâm linh vì Cá Ông là một vị thần luôn giúp ngư dân vượt qua những phong ba bão táp, mang lại mùa thu hoạch hải sản bội thu. Để tỏ lòng kính trọng và cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, hàng năm vào ngày 21 tháng 3 âm lịch ngư dân xứ biển Kinh Ba, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề lại tưng bừng tổ chức lễ hội Nghinh Ông.

     Vào sáng ngày 21/3 ÂL tại Lăng Ông Nam Hải ngư dân vùng biển Kinh Ba cùng đông đảo du khách gần xa đã hội tụ về để bắt đầu lễ hội. Đoàn Đào Thầy (hầu Ông) tiến hành những nghi lễ truyền thống sau đó tham gia diễu hành cùng đoàn múa lân rồi lên thuyền ra biển để cúng Ông. Lễ vật cúng gồm heo quay, vịt luộc, rượu, trái cây cùng hoa tươi,… Sau khi cúng vái xong, đại diện Đoàn nghi lễ sẽ xin keo, xin thành công có nghĩa là Ông đã chứng cho tấm lòng thành của ngư dân. Thuyền chính sẽ phát tín hiệu để các thuyền khác cùng quay vào bờ. Đến bờ, Đoàn nghi lễ sẽ diễu hành quanh lăng và sau đó, thực hiện nghi thức rước Ông vào lăng nghi lễ: nhạc lễ, múa lân và dâng lên Ông những sản vật mà ngư dân đã thu hoạch được. Song song với phần lễ thì những hoạt động của hội cũng diễn ra rất sôi nổi và đầy hấp dẫn với những trò chơi dân gian, thi đấu thể thao như: kéo co, bóng chuyền, bi sắt, … Vào các buổi tối ở Lăng Ông Nam Hải còn tổ chức hát bội, đờn ca tài tử phục vụ các nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và du khách.

     Hàng năm, vào ngày mùng 4-5 tháng 5 âm lịch, tại cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng lại diễn ra Lễ hội Sông nước Miệt vườn vào dịp tết Đoan Ngọ nhằm tôn vinh trái cây miệt vườn và người làm vườn, mừng vụ mùa no ấm và cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa tới lại được bội thu hơn nữa. Lễ vật chính trong mâm cúng là những loại trái cây thu hoạch được trong mùa vụ của năm đó, trang trí theo những hình thù đẹp mắt hay những biểu tượng của Long, Lân, Qui, Phụng, với những loại trái cây nổi tiếng như: Cam sành Ba Trinh, mít nghệ An Mỹ, bưởi năm roi Kế Thành, chôm chôm Phong Nẫm,...

     Trong thời gian diễn ra lễ hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hội thi như Hội thi Ẩm thực Sông nước Miệt vườn, đỗ bánh xèo kỷ lục với đường kính 1m, triển lãm trái ngon, Hội thảo kỹ thuật về cây ăn trái, đua thuyền rồng,… Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian như: đập nồi, nhảy bao, bi sắt,.... thu hút đông du khách đến tham quan và vui chơi.

     Đến với lễ hội, du khách có thể khám phá nhiều món ăn dân dã mang hương vị xứ cồn như cá lóc luộc hèm, canh chua cá ngát nấu bần, ốc luộc nước dừa chấm cơm mẻ,....và có thể thưởng thức đờn ca tài tử dưới những vườn cây ăn trái rợp bóng mát.

     Trong các Lễ hội của các dân tộc ở Sóc Trăng, ấn tượng nhất, hoành tráng nhất và cũng là “thương hiệu” của du lịch Sóc Trăng, chính là Lễ hội Ooc- om-boc – Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Đối với người Khmer, mặt Trăng được xem là một vị thần điều tiết mùa màng đã giúp họ làm ăn khá giả trong năm. Lễ vật dùng để cúng Trăng là Om – boc hay còn gọi là cốm dẹp, được quết từ lúa nếp mới cùng với các loại hoa màu, trái cây. Trước khi làm lễ cúng, mọi người làm một cái cổng hoa lá với 2 cây tre làm trụ và một cây làm đà ngang ở trước sân nhà hay sân chùa. Phía trên cổng, giăng một dây trầu gồm 12 lá được cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Sau khi cháy hết tuần hương, Vị Achar gọi trẻ con đến ngồi xếp bằng trước bàn thờ, dùng tay nhúm một ít cốm và lễ vật khác, đút vào miệngtừng đứa trẻ, tay kia vỗ lưng và hỏi ước muốn của chúng, câu trả lời của các em suôn sẻ, lễ độ, rành rọt thì người lớn tin rằng năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Trong đêm cúng Trăng, người ta còn tổ chức thả đèn nước trên sông, với quan niệm sẽ xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại sự bình yên trong phum, sóc. Nhiều hoạt động sân khấu truyền thống Khmer như đoàn Dù kê, Rô băm biểu diễn phục vụnhân dân trong tỉnh vàkhách hành hương.

     Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, ngày hôm sau Lễ cúng trăng (15/10) là Hội đua ghe Ngo. Ghe được bảo quản tại chùa, trước khi tham dự đua tại phum, sóc thường tổ chức Lễ hạ thủy cho ghe rất long trọng. Năm nào cũng vậy, cuộc đua quy tụ hàng trăm vận động viên các đội nam nữ người dân tộc Khmer tại các chùa ở Tp. Sóc Trăng, các huyện, kể cả các tỉnh bạn tham gia tranh tài. Lễ hội Oc- om-boc – Đua ghe Ngo là 1 trong 15 Lễ hội cấp quốc gia của Việt Nam. Để  nâng tầm lễ hội, năm 2013, Chính phủ đã thống nhất cho tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức Festival Đua ghe Ngo với sự tham gia tranh tài của các đội ghe trong và ngoài tỉnh, và có thể có các đội ghe nước ngoài.

     Ngoài ra, Sóc Trăng còn có một số lễ hội khác như lễ Thanh minh, lễ Đấu đèn của người Hoa, lễ hội Vu lan 15/7 âm lịch của người Hoa, người Kinh, Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Dotla của người Khmer. Mỗi lễ hội đều mang đậm dấu ấn phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa của cả ba dân tộc, từ niềm vui thắng lợi được mùa, đời sống cải thiện và qua đó thể hiện tình đoàn kết keo sơn gắn bócùng nhau chung sức vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.

                                                                                      Tân Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu