Nghệ thuật điêu khắc tạo hình trong các chùa Khmer Sóc Trăng

17/02/2023 271 0

     Gần đây, tại một số ngôi chùa Khmer trong tỉnh Sóc Trăng xuất hiện nhiều tác phẩm điêu khắc bằng gỗ đẹp và độc đáo thu hút đông du khách tham quan như chùa Serey Kandal (Vĩnh Châu), chùa Phnô Rôkar (Châu Thành), chùa Chén Kiểu (chùa Sro Lon), ....Nghề điêu khắc gỗ bằng những gốc cây cổ thụ từ lâu đã là một nghề thủ công truyền thống, những công đoạn thao tác đều chủ yếu bằng tay không thông qua bất cứ loại máy móc nào.

Tạo hình chim muông bằng gỗ

     Nhằm khôi phục lại nghề điêu khắc gỗ đang dần mai một tại Sóc Trăng, các vị sư tại các ngôi chùa ở Sóc Trăng đã mời các nghệ nhân điêu khắc về chỉ dạy và truyền nghề cho các sư. Các vị sư trong chùa vừa học giáo lí Phật pháp vừa có thêm một nghề để lo cho tương lai và ổn định cuộc sống sau này. Mỗi học viên chỉ mất khoảng 2 năm chuyên tâm học tập là có thể thành thạo nghề. Tùy theo từng loại sản phẩm lớn hay nhỏ, mô hình đơn giản hay phức tạp thì thời gian chế tác khác nhau thường ít nhất là 1- 2 tuần, lâu nhất đến cả hơn 1 năm,... Các tác phẩm điêu khắc đều mang nét văn hóa gắn với chùa, chiền, đời sống sinh hoạt của các dân tộc tại Sóc Trăng như: những bức phù điêu, hoa văn Khmer, 12 con giáp, tứ hùng, tứ linh,...Ban đầu, các vị sư được dạy khắc những con vật đơn giản như chim, cò, 12 con giáp,... Còn muốn đạt được những kỹ thuật cao, tác phẩm có độ tinh xảo, thẩm mỹ thì phải học xuyên suốt trong vòng 3 năm.

     Để cho ra những tác phẩm đẹp và sắc xảo, người học phải có lòng đam mê, sự tỉ mỉ và cái duyên với nghề mới có thể học, mới phát triển được khả năng của mình. Bên cạnh nét đẹp về mặt thẩm mỹ tác phẩm cần phải có độ bền, nên đòi hỏi chất lượng của rễ cây cũng cần được tuyển chọn kỹ lưỡng về độ dẻo, dai, chống chịu được côn trùng, những gốc thường được chọn như cây vú sữa, dầu, sao,... Trong quá trình tạo dáng, cần giữ nguyên nét hoang sơ đầy ấn tượng vốn có của mỗi gốc cây, lưu giữ được cái hồn của bộ rễ như màu sắc, độ cong, sự đan chéo nhau, để tác phẩm tạo ra vừa chân thật vừa trừu tượng biến hóa.

     Với những đôi bàn tay khéo léo của các sư, từ những gốc cây tưởng chừng chỉ sử dụng làm củi đốt đã trở nên có hồn và thành một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, giúp du khách có thể chiêm ngưỡng và mua về làm quà cho người thân. Việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này, cần phải có sự đầu tư thường xuyên và sự mở rộng thị trường đầu ra của sản phẩm như khuyến khích nhận đặt hàng từ các du khách, bà con Phật tử và đặc biệt nên thực hiện việc gia công thường xuyên tại chùa, giúp du khách hiểu thêm về nghề điêu khắc, có thể chỉ dạy cho du khách tự tay mình làm một số công đoạn nhỏ trong quá trình chế tác, qua đó tạo thêm những hoạt động mới thu hút du khách khi đến tham quan tại các ngôi chùa Khmer trong tỉnh.

     Về Sóc Trăng, ghé tham quan chùa Sro Lon (hay chùa Chén Kiểu) thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, du khách còn có thể chiêm ngưỡng những công đoạn điêu khắc tạo ra các sản phẩm tinh thần của đồng bào Khmer đang dần phục dựng lại tại Sóc Trăng./.

Tân Trang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu