PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP DU LỊCH TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SÓC TRĂNG THỜI GIAN TỚI

30/03/2023 228 0

 Sóc Trăng là tỉnh nằm ở ĐBSCL, có diện tích trên 3,220 km2, dân số hơn 1,3 triệu người. Đây là vùng đất hội tụ 3 dân tộc anh em Kinh – Khmer – Hoa, sống chan hoà với những nét văn hoá đa dạng, đặc sắc và là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhất là du lịch tâm linh, du lịch lễ hội và du lịch sinh thái miệt vườn. Với hàng trăm ngôi chùa Khmer trong đó có những ngôi chùa khá nổi tiếng như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét,…không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn mang giá trị tâm linh nhất định trong đời sống của người dân trong tỉnh, một trong những lễ hội tiêu biểu nổi tiếng của người Khmer là lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo truyền thống và nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc như Sân khấu Rô-băm, Dù kê, các điệu múa dân gian, phong tục, tập quán của người Khmer, người Hoa được quan tâm, bảo tồn, và phát triển để khai thác du lịch.

Trải nghiệm “trượt mong” ở Mỏ Ó (Ảnh Thanh Điền)

Du lịch cộng đồng khám phá cảnh quan, làng nghề truyền thống của người dân nông thôn miệt vườn gắn với tìm hiểu nét sinh hoạt, bản sắc văn hoá dân tộc, cùng tham gia các hoạt động hằng ngày của người dân, thưởng thức ẩm thực bản địa là những trải nghiệm lý thú cho du khách. Phát triển du lịch sinh thái trên hệ thống Cù lao dọc Sông Hậu và huyện Cù Lao Dung, chợ nổi Ngã Năm,… kết hợp tham quan các vườn cây ăn trái, chợ nổi đan xen những cánh đồng lúa bạt ngàn cũng là thế mạnh của du lịch Sóc Trăng. Với tiềm năng và vị trí thuận lợi của mình cùng với sự nổ lực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, hoạt động du lịch tỉnh Sóc Trăng những năm trước 2020 có mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-12%,   Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 ra đời, cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, hứa hẹn bước phát triển mạnh mẽ trong các năm tiếp theo, thế nhưng địa dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch nước ta, trong đó có ĐBSCL và Sóc Trăng. Sau hai năm “vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi phát triển du lịch” hoạt động du lịch đã từng bước phục hồi và khởi sắc trở lại, hoạt động du lịch đã trở lại bình thường từ ngày 15/3/2022.

Trong thời gian tạm dừng phòng chống dịch Covid-19 các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến, đổi mới trang thiết bị, nâng cấp sản phẩm đang hiện có… và sau khi có Nghị định số 128-NĐ/CP ngày 11/10/2021quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm mới, cơ cấu lại thị trường nhất là thị trường nội địa để bù đắp lượng khách quốc tế còn hạn chế. Đồng thời sắp xếp, bố trí lại bộ máy tổ chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, làm mới sản phẩm dịch vụ và thương hiệu, chuẩn bị cho làn sóng phát triển du lịch sau này. Năm 2022, du lịch Sóc Trăng đã phục hồi mạnh mẽ, tổ chức thành công Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo lần thứ V khu vực ĐBSCL và Ngày hội Văn hoá Dân tộc Khmer Nam bộ lần thứ VIII, doanh nghiệp du lịch đã đẩy mạnh xây dựng, kết nối tour, tuyến thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, tiêu biểu như Trần Đề - Côn Đảo, homestay Vườn cò - Chợ nổi Ngã Năm, các điểm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, làng nghề Vĩnh Châu,…Ước năm 2022 thu hút khoảng 2,14 triệu lượt khách, doanh thu đạt 840 tỷ đồng, đạt kế hoạch năm đã đề ra. Có thể nói kết quả trên là có sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp du lịch tỉnh nhà và để du lịch Sóc Trăng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, thiết nghĩ cần phát huy vai trò nồng cốt của doanh nghiệp du lịch, khẳng định vị trí quan trọng của doang nghiệp trong hoạt động du lịch, qua đó Nhà nước, địa phương quan tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, có chính sách miễn giảm thuế thích hợp và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng về ý nghĩa quan trọng của du lịch, qua đó tạo sự đồng thuận của xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh đúng pháp luật.

Đua ghe Ngo năm 2022 tại Sóc Trăng (Ảnh Thanh Điền)

Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, để du lịch tỉnh nhà phát triển tích cực trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Sóc Trăng cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh doanh du lịch, đề xuất một số giải pháp sau:

1. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao sản phẩm dịch vụ hiện có, phát triển sản phẩm mới, nhất là khách sạn các sao, làm mới thương hiệu, sản phẩm để tạo sự hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu lại của khách để tăng doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Phối hợp nâng tầm tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo, đầu tư phát triển văn hoá ẩm thực đặc trưng (Bánh pía, bún nước lèo), tham gia phối hợp nâng cấp Chợ nổi Ngã Năm, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với phum sóc, đình, chùa và làng nghề truyền thống ở Sóc Trăng, Vĩnh Châu và các điểm du lịch tại Cù Lao Dung, Cồn Mỹ Phước,… để tạo sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

2. Nghiên cứu xây dựng, phát triển tour, tuyến mới, đầu tư và khai thác có hiệu quả tour du lịch Trần Đề - Côn Đảo, tour Homestay – Chợ nổi, vườn cò, tour khám phá du lịch cộng đồng tại Cù Lao Dung, Kế Sách trải nghiệm bản sắc văn hoá dân tộc địa phương và các tour du lịch sinh thái miệt vườn, phối hợp khai thác tốt các tour du lịch tâm linh.

3. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác và xúc tiến quảng bá rộng rãi sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp có thế mạnh liên quan để tạo sức mạnh đầu tư phát triển sản phẩm và thu hút khách. Chú ý xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và phát triển điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.

Phải xác định sản phẩm dịch vụ chủ lực của mình để tập trung đầu tư, nâng cấp, nâng cao tính hấp dẫn, độc đáo để thu hút khách và sử dụng sản phẩm, trong đó quan tâm nhiều đến văn hoá ẩm thực là thế mạnh của doanh nghiệp để tuyên truyền, quảng bá có trọng tâm, trọng điểm tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp và du lịch tỉnh nhà.

4. Tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn lao động du lịch, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, chú ý ngoại ngữ giao tiếp và kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp hợp lý lao động để phát huy chuyên môn, năng lực của họ một cách tốt nhất, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của doanh nghiệp để từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động du lịch.

5. Tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và chính quyền các cấp, có cơ chế chính sách thu hút nhân tài, doanh nghiệp lớn, có tiềm lực hợp tác đầu tư, kinh doanh phát triển doanh nghiệp địa phương, xây dựng sản phẩm dịch vụ quy mô lớn, tạo sự chuyển biến tích cực cho du lịch phát triển.

6. Đổi mới nhận thức và nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, người lao động trong đơn vị, gắn bó, yêu nghề, chăm chút từng sản phẩm, dịch vụ tạo sự độc đáo, hấp dẫn của sản phẩm, lôi cuốn khách đến và nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự. Đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo an ninh trật tự tại điểm đến.

Với sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự ủng hộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực quyết liệt vươn lên của doanh nghiệp trên địa bàn, du lịch Sóc Trăng sẽ vững bước tiến lên, phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra./.

Lâm Thanh Bình

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu