TIỀM NĂNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN CÙ LAO DUNG

30/03/2023 209 0

Là dãy đất nằm giữa dòng sông Hậu, Cù Lao Dung có quá trình khai khẩn, định cư và hình thành vùng đất này từ giữa thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Dưới thời nhà Nguyễn, Cù Lao Dung chỉ có 2 làng là An Thạnh nhất và An Thạnh Nhì nằm trong Tổng Định Khánh thuộc huyện Vĩnh Định, Phủ Ba Xuyên. Khi thực dân Pháp lập ra xứ Nam Kỳ thuộc địa, Cù Lao Dung thuộc 2 tổng Định Mỹ và Định Hòa. Sau Cách mạng tháng tám năm 1945 và sau ngày Miền Nam hoàn giải phóng, Cù Lao Dung thuộc địa phận huyện Long Phú. Năm 2002, huyện Cù Lao Dung được chia tách, thành lập theo Nghị định 04 của Chính Phủ và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30/4/2002.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ

     Huyện có 08 đơn vị hành chính, gồm 7 xã và 01 thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 264km, chiếm 7,9% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Sóc Trăng. Dân số hơn 58.000 người; trong đó gần 94% là người Kinh. Huyện có hơn 13.800ha đất sản xuất; hơn 3.900 ha nuôi thủy sản.

     Cù Lao Dung là huyện nằm trong vùng kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, được thiên nhiên ưu đãi, phù sa màu mỡ, khí hậu ôn hòa và lợi thế rất lớn về mặt địa lý, với 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn khác nhau để phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao gắn với du lịch. Huyện có Quốc lộ 60 đi ngang, đường tỉnh lộ 933 và 933B cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nhà. Mặt khác, vùng đất Cù Lao Dung được phù sa bồi đắp nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản… Đồng thời, vùng đất này còn có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Tất cả những lợi thế đó đang dần được tạo đà phát triển cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Huyện có hơn 3.600ha vườn cây ăn trái đặt sản chủ lực như: xoài cát chu, xoài cát hòa lộc, xoài Đài Loan, thanh long, nhãn IDo, thanh nhãn, bưởi da xanh, dừa dứa... đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Du khách trải nghiệm đi cầu tre xuyên rừng

     Huyện Cù Lao Dung có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các loại hình du lịch, trong đó huyện đang chú trọng phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, home stay với các hoạt động như: tham quan nhà vườn, hái trái cây, hát đờn ca tài tử; khám phá cánh rừng phòng hộ nguyên sinh với diện tích hơn 1.400ha; trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp khi triều rút của bãi nghêu rộng hơn 800ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của đảo khỉ với những nét rất riêng của các loài động vật và thủy hải sản...

     Với vẻ đẹp nên thơ của sông nước hữu tình, quanh năm sóng vỗ, Cù Lao Dung có những nét rất riêng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: bãi bồi ven biển rộng hơn 16.000ha, Cù Lao Dung đang là vùng đất hội đủ tiềm năng mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho các dự án phát triển du lịch về nguồn gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng và di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ và các di tích cấp tỉnh như: Bia Chiến thắng Rạch Già, Bia Chiến thắng An Hưng, Bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng,…

     Các ngôi chùa của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa như chùa An Minh, chùa Tân Giác, chùa An Hòa, chùa KosTung; các tiềm năng về văn hóa phi vật thể (hát Dù Kê, biểu diễn trống Sadăm, lễ Kỳ Yên Đình thần Nguyễn Trung Trực và các lễ hội của da dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trên địa bàn huyện), các làng nghề truyền thống cũng là lợi thế rất lớn để huyện phát triển du lịch như làng nghề bó chổi cọng dừa, nghề thủ công mỹ nghệ, nghề rèn,…

     Cùng với đó, truyền thuyết về vùng đất linh thiêng là Sân Tiên hay những dấu tích trên đường bôn tẩu của vị vua Triều Nguyễn – Gia Long như Rạch Long Ẩn, Rạch Trường Tiền, Cù Lao Dung còn là cơ hội cho đầu tư phát triển du lịch tâm linh... Đến nay, huyện đã dần hình thành được 3 làng du lịch đó là: làng du lịch Sân Tiên, làng du lịch Rạch Long Ẩn, làng du lịch Rạch Trường Tiền đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước tham quan trãi nghiệm về đi thuyền trên sông đờn ca tài tử, tham quan vườn hái trái cây hay xuống bãi bồi bắt ốc len, cá thòi lòi, cá bống sao; tham quan khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.600 ha tuyệt đẹp. Đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã như khỉ, rái cá, kỳ tôm, rắn, tôm, cua, cá, vọp, ba khía....Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, tạo nên những nét đặc trưng riêng về điểm du lịch sinh thái để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

     Về ẩm thực, Cù Lao Dung có những món ăn dân dã mang đậm nét đặc trưng của vùng đất cù lao như: canh chua bần cá bông lao, cá ngát; cá bống sao, cá thòi lòi kho sả, nướng muối ớt; chù ụ hay ba khía rang me; ốc len xào dừa; gỏi bông bần; chả mía,… Tất cả những nét riêng này đang là những tiềm năng lớn cần được khai thác để phát triển du lịch cho vùng đất này.

      Để thu hút kêu gọi đầu tư, theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017-2020 huyện có 7 danh mục dự án được phê duyệt trong đó có dự án khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn với quy mô 76ha, nhà máy điện gió số 10 có quy mô 3.800ha và nhà máy điện gió số 11 có quy mô 2.600ha, cụm công nghiệp An Thạnh quy mô 40ha. Hiện, huyện đang làm các thủ tục đề nghị Tỉnh bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư cho dự án Khu bảo tồn sinh thái Đảo khỉ; điện năng lượng mặt trời gắn với nuôi trồng thủy sản công nghệ cao…

     Với Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường trung tâm chạy dài từ đầu đến cuối cù lao đang thực hiện; dự án xây dựng bến phà kết nối Cù Lao Dung - Trần Đề - Duyên Hải; đặc biệt là cầu Đại Ngãi nối liền Quốc lộ 60 khi đưa vào hoạt động, Cù Lao Dung sẽ có điều kiện thông thương với các khu vực, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các tour, tuyến du lịch... Đây là điều kiện, là tiền đề để Cù Lao Dung mở thêm trang mới phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch. Cù Lao Dung vùng đất giàu tiềm năng này, có rất nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp về với địa phương để cùng khai thác các tiềm năng, thế mạnh để tạo nên những giá trị mới cho chính mình và góp phần tạo bước đột phá cho sự phát triển của Cù Lao Dung.

          Đồng thời, theo kế hoạch phát triển du lịch huyện Cù Lao Dung giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, huyện sẽ tập trung phát triển du lịch ở các địa bàn trọng điểm của huyện cụ thể:

          - Thị trấn Cù Lao Dung

          Quy hoạch nâng cấp hệ thống giao thông đến các điểm di tích Bia chiến thắng Rạch Già, Bia thành lập Trường Chính trị đầu tiên của tỉnh. Xây dựng kế hoạch phát triển các làng nghề truyền thống hiện có; kêu gọi đầu tư các khu nhà nghỉ, hệ thống nhà hàng, khách sạn; các điểm mua sắm, siêu thị, các khu ăn uống, chợ đêm phục vu nhu cầu du khách.

          Phát huy các di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, tạo vẽ mỹ quan để thu hút khách. Nâng cao giá trị của chợ tết, chợ hoa xuân, giữ gìn cảnh quan môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại, từng bước hình thành lối ứng xử văn hóa với du khách trong giao tiếp.

          - Xã An Thạnh Nhất

          Rà soát quy hoạch và phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển mô hình du lịch homestay, hình thành các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng riêng để phục vụ phát triển du lịch, quan tâm phát triển các điểm vui chơi, giải trí, các loại hình văn hóa, văn nghệ để thu hút du lịch.

          Xây dựng kế hoạch sư tầm, bổ sung các cổ vật, kỷ vật, hiện vật liên quan đến truyền thuyết về Vua Gia Long tại rạch Trường Tiền, rạch Long Ẩn để phục dựng di tích, khôi phục lại di tích Cây Dương Đỏ.

          - Xã An Thạnh Nam

          Đưa vào quy hoạch khu du lịch rừng bần ngập mặn, khu bảo bồn đàn khỉ đuôi dài, điểm du lịch gắn với truyền thuyết sân tiên; phát triển hệ thống điện giá, năng lượng mặt trời; lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư hệ thống nhà nghỉ, các khu nghỉ dưỡng, các dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ du khách; phát triển hệ thống giao thông đường thủy nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi đến tham quan và trải nghiệm.

          - Xã An Thạnh Tây

          Tập trung quy hoạch, phát triển và nhân rộng mô hình vườn cây ăn trái gắn với phát triển nông thôn mới và phát triển du lịch tại địa phương.

          - Xã An Thạnh Đông

          Giữ gìn và phát huy giá trị của Lễ hội Đền thờ Bác Hồ, kết hợp mở rộng nhiều hoạt động mang đậm nét truyền thống, đặc trưng riêng của từng địa phương, qua đó từng bước nâng tầm lễ hội nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.

          Quy hoạch, phát triển và nhân rộng các vườn cây ăn trái trên địa bàn, duy trì phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống tại địa phương để phục vụ khách du lịch.

          - Xã An Thạnh 2

          Đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch tâm linh, tín ngưỡng, giữ gìn và phát huy các hoạt động lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer (đua ghe Ngo, Lễ Oóc Om Bóc, Lễ Sene Đolta, múa trống Sadăm; sân khấu Dù Kê,…

          - Xã An Thạnh 3

          Quy hoạch nâng cấp hệ thống giao thông đến điểm di tích bia chiến thắng An Hưng, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

          Đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu từ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, nhà hàng – khách sạn, các dịch vụ ăn uống tại địa phương.

          - Xã Đại Ân 1

          Từng bước hình thành mô hình du lịch trên sông để liên kết các tour du lịch trên địa bàn huyện tạo thành tuyến du lịch tham quan trên sông để tạo cảm giác mới lạ cho du khách vừa tham quan vừa thưởng thức các món ăn đặc sản vùng đất Cù Lao Dung.

          Đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu từ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, nhà hàng – khách sạn, các dịch vụ ăn uống tại địa phương.

Tuy nhiên, để Cù Lao Dung phát triển du lịch thì ngoài việc phát huy và khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh còn là quyết tâm và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Và, vấn đề đặt ra cho ngành hiện nay là:

1. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch của huyện trên Cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và du khách đến nghiên cứu, khám phá.

2. Thường xuyên nghiên cứu, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền để xây dựng kế hoạch quy hoạch và đề án thu hút đầu tư phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử hiện có.

3. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách.

4. Tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phối kết hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng với các địa phương khác để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao.

5.  Tập trung đào tạo kỹ năng giao tiếp, lối ứng xử có văn hóa với du khách; củng cố và thành lập mới những câu lạc bộ đờn ca tài tử, đào tạo bài bản theo hướng chuyên nghiệp; được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất để phục vụ cho các đoàn du khách khi giao lưu văn hóa, văn nghệ với địa phương.

6. Phối hợp với các ngành làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong khai thác du lịch; giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái ở các điểm du lịch; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch bền vững.

Để mục tiên du lịch Cù Lao Dung phát triển trở thành hiện thực, đòi hỏi các cấp, ngành đại phương cần phải tiếp tục nghiên cứu, học tập các mô hình, rút kinh nghiệm phát triển du lịch của các tỉnh trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng những loại hình du lịch mới, khai thác tốt tiềm năng và tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà và trách nhiệm của các nhà đầu tư, tin rằng du lịch sẽ là cú hích tạo bước đột phá đề Cù Lao Dung trở thành “con rồng mới” của vùng đất chín rồng.

Nguyễn Dũng

* Tài liệu tham khảo:

- Kế hoạch số 62/KH-UBND, ngày 04/5/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung về Kế hoạch phát triển du lịch huyện Cù Lao Dung giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

* Trang thông tin điện tử https://culaodung.soctrang.gov.vn.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu