TỌA ĐÀM ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TỈNH SÓC TRĂNG

25/04/2023 589 0

Ngày 25/4/2023, tại hội trường trụ sở các Ban Đảng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng đã phối hợp cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức Tọa đàm với chủ đề Đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Đến dự tọa đàm có ông Lâm Tấn Hòa, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; bà Vũ Thị Hiếu Đông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; Tiến sĩ Huỳnh Vũ Lam, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh…. cùng với khoảng 70 đại biểu là lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, các hội, phóng viên báo, đài trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cùng tham dự.

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát biểu khai mạc tọa đàm

Các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung về Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng; Giá trị trường tồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong kế thừa, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng; Ý nghĩa lý luận và thực tiễn 03 nguyên tắc cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam: “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa” trong sự phát triển văn học, nghệ thuật hiện nay ở tỉnh Sóc Trăng.

Đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm

Tọa đàm đã nhận được 16 bài tham luận của các đại biểu, trong đó có 04 tham luận đã được trình bày tại tọa đàm với các nội dung xoay quanh Bối cảnh, giá trị và phương pháp trong công tác văn hoá văn nghệ tỉnh Sóc Trăng dưới ánh sáng của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943; tinh thần của Đề cương văn hóa Việt Nam với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thị xã Vĩnh Châu”; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; tập trung khai thác nét độc đáo riêng biệt về văn hóa Sóc Trăng phục vụ phát triển du lịch. Ngoài ra, cũng đã có 06 ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Tọa đàm để làm rõ hơn các vấn đề về vai trò, sứ mệnh của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở tỉnh ta trong suốt 30 năm qua từ khi tái lập tỉnh đến nay,…

          Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Lâm Tấn Hòa, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu đã làm rõ vai trò quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà; những nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam đã thấm sâu vào hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, qua các ý phát biểu, đã thấy được sự tâm huyết, quyết tâm của các cấp, ngành đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc; đã có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp hay, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật góp phần vào xây dựng nền văn hóa và con người Sóc Trăng nghĩa tình, năng động, sáng tạo... Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ ghi nhận, xem xét để báo cáo đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà ngày càng phát triển, phát huy tốt vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong thời gian tới; tiếp tục quan tâm, đồng hành và tạo điều kiện cho hoạt động văn học, nghệ thuật tỉnh nhà ngày càng phát triển.

            Cũng vào trung tuần tháng 4 vừa qua, tại sự kiện Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM - Hà Nội 2023 đã nhấn mạnh chủ đề “Du lịch Văn hóa” sẽ là hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác các giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam./.

Nguyễn Dũng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu