TỤC TẢO MỘ TRONG DỊP TẾT ÂM LỊCH CỦA NGƯỜI VIỆT

25/10/2021 1430 0

      Hàng năm cứ vào khoảng từ rằm đến 24,25 tháng chạp là nhiều gia đình người VIệt (Kinh) đi tảo mộ. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mộ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình và cả phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó. Để tưởng nhớ người đã khuất, những người còn sống mỗi năm đều cúng giỗ. Và vào mỗi dịp năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, người ta còn lo sửa sang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình.

Ảnh sưu tầm

      Trong những ngày này, những khu mộ trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước hết là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp gia đình.

      Người đi tảo mộ lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ cho được sạch sẽ. Người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mộ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Mỗi ngôi mộ được sửa sang xong lại đắp một vuông đất mới đặt lên phần trung tâm, sau đó thắp nén nhang và có lời mời người đã khuất về hưởng Tết cùng con cháu. Cũng có khi, người tảo mộ đốt vàng mã (giấy tiền vàng bạc) hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này.

      Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiên, cũng để thắt chặt  tình yêu thương, đoàn kết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

      Theo phong tục của người Việt, gia đình sẽ đón tổ tiên (rước ông bà) về từ ngày 29,30 Tết (28,29 tết nếu tháng thiếu) và vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 3, con cháu thường làm mâm cơm chu đáo đặt lên bàn thờ, cúng  gia tiên với tất cả tấm lòng thành kính thiêng liêng. Thường thì ngày tiễn đưa ông bà cũng là ngày cuối cùng của chuỗi ngày nghỉ ngơi vui Tết của con cháu hoặc là ngày mùng 3, mùng 4 Tết. Mọi người trong gia đình lại quay trở về với cuộc sống thường nhật, với những công việc phải làm, cùng với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ. Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm ấm mồ”. Vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, các bậc tổ tiên đã khuất.

      Tảo mộ ở quê nhà mỗi dịp Tết đến, Xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó cũng là thể hiện của tình cảm "Uống nước nhớ nguồn". Người xưa có câu: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy. Chính vì thế, việc tảo mộ càng chứng tỏ ý nghĩa sâu sắc của câu ca dao:

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.

      Tiết trời cuối năm với cái se se lạnh còn sót lại của mùa đông cùng với ánh nắng chớm xuân thường gợi lên trong tâm hồn con người một nỗi buồn man mác, bâng khuâng. Ở một nơi xa xôi nào đó, có người xa quê vì nhiều lí do khác nhau mà không thể trở về, thắp một nén nhang thơm trên mộ cho người thân. Chứng kiến cái cảnh người người đi tảo mộ, nhà nhà đi tảo mộ, chắc lòng người cũng lắng xuống, bồi hồi, nhung nhớ và muốn quay về ngay bên gia đình mình...

      Ở Sóc Trăng - nơi cộng đồng 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng sinh sống, nên từ lâu đã có sự ảnh hưởng nhất định, do đó, tục tảo mộ vào cuối năm chỉ có ở một số ít gia đình người Kinh, chủ yếu sẽ diễn ra trong dịp Tết Thanh Minh.

      Tảo mộ ngày Tết là một phong tục đẹp. Mỗi phong tục đẹp là một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai, của tổ tiên gửi đến con cháu những giá trị đạo nghĩa làm người, tạo nên nếp nhà, gia phong, cũng là góp phần tạo nên dòng chảy văn hoá làng Việt và bảo tồn được hồn thiêng của văn hoá dân tộc./.                                                                      

Cẩm Tú

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu