VỀ VẤN ĐỀ GIỚI THIỆU VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÁC CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH TẠI SÓC TRĂNG

10/03/2020 1256 0

          Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối hạ lưu sông Hậu, có diện tích tự nhiên 3.311,76 km2, dân số gần 1.200.000 người. Tỉnh hiện có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: thành phố Sóc Trăng, 2 thị xã và 8 huyện.

         Cùng với những đặc trưng chung của vùng đất Nam bộ về du lịch, Sóc Trăng vẫn có các tiềm năng riêng để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa lễ hội, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức các loại hình nghệ thuật văn hóa, thể thao truyền thống của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Sóc Trăng còn có điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với ưu thế là có các dãy cù lao dọc theo sông Hậu dài hơn 50 km ra tận biển Đông và trên 1.500 ha rừng ngập mặn ven biển. Sóc Trăng còn có các làng nghề truyền thống như đan đát, làm muối, bánh pía, lạp xưởng, dệt chiếu,... có thể khai thác du lịch.    

          Sóc Trăng có 08 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và gần 43 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc cấp tỉnh. Trong đó, có những di tích là điểm đến không thể thiếu khi du khách đến Sóc Trăng, nổi bật là chùa Mahatup (Dơi), chùa Kh’leang, chùa Đất Sét, Khu Di tích Đón đoàn tù Chính trị Côn Đảo, Khu Căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước,v.v…

           Ngoài ra, Sóc Trăng cũng có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc. Đó là sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù kê, các điệu múa dân gian của dân tộc Khmer, dân tộc Hoa. Tỉnh cũng rất quan tâm bảo tồn và phát huy những loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo này để phát triển văn hóa dân tộc và phục vụ du lịch.

Biểu diễn văn nghệ phục vụ lễ hội Oc-Om-Boc

         Trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế của sông nước, vùng biển để tổ chức các mô hình dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn. Hiện nay Sóc Trăng có nhiều hoạt động văn hóa lễ hội diễn ra hàng năm của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh như lễ hội Ooc – om - boc và đua ghe Ngo, lễ cúng Phước Biển, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Cúng Dừa, các lễ hội cúng đình ở các địa phương trong tỉnh, . . . .

          Với sự hấp dẫn của điểm đến, với lượng khách du lịch đến Sóc Trăng tăng đều hàng năm từ 7% đến trên 10% các cơ sở lưu trú trong tỉnh cũng tăng nhanh từ đầu thế kỷ XXI đến nay, đề đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của du khách khi đến Sóc Trăng. Toàn tỉnh có trên 70 khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách du lịch tập trung ở TP. Sóc Trăng. Các khách sạn được xây dựng trong những năm gần đây đã chú ý đến chất lượng tiền sảnh, trang trí nội thất, các dịch vụ đi kèm, góp phần tạo sự hài lòng cho du khách. Trong đó phải nhắc đến kiến trúc khách sạn, việc trang trí hình ảnh đã tạo nên sự hài hòa trong thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tỉnh. Ngoài ra, hình thức trang trí trong các CSLT và trang phục của các nhân viên lễ tân, bàn, bar, bếp cũng thể hiện màu sắc văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh. Riêng nhà hàng khách sạn Ngọc Thu là đơn vị tiên phong trong giới thiệu bản sắc văn hóa của tỉnh  thông qua việc mời đội văn nghệ nghiệp dư trình diễn các điệu múa, lời ca của dân tộc Khmer, mời khách cùng ca múa với nghệ sĩ, diễn viên nghiệp dư. Nhà hàng Satraco cũng mời các nghệ sĩ ca múa của Đoàn VHNT Khmer tỉnh hướng dẫn cho nhân viên nhà hàng các điệu múa dân tộc Khmer như múa gáo, núa sạp, ca hát, phục vụ du khách. Một số CSLT còn liên kết với Trung tâm TTXTDL để hướng dẫn các đoàn khách tham quan các điểm chùa Khmer nổi tiếng hoặc tham dự các lễ hội  dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, là nhân dịp Lễ hội ooc-om-boa – Đua ghe Ngo hàng năm ( năm 2013 được Bộ VHTTDL quyết định nâng lên thành Festival Đua ghe Ngo), tỉnh đều tạo điều kiện cho các CSLT và công ty lữ hành đưa khách du lịch vào khán đài xem Đua ghe Ngo. Mặt khác, Trung tâm TTXTDL khi xuất bản thường kỳ Bản tin du lịch và một os61 ấn phẩm quảng bá đều gời cho các CSLT để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu điểm đến của du khách.

SÓC TRĂNG TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH PHỤC VỤ KHÁCH DU LỊCH

 

          Ngoài ra, trong các món ăn giới thiệu với du khách, các CSLT đều chú đến việc giới thiệu ẩm thực của tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt là bún nước léo, bánh pía, bánh in, tôm cá biển v.v. .. Có khá nhiều đoàn khách từ phía Bắc đã đặt bún nước lèo Sóc Trăng cho khách trong đoàn thưởng thức. Các điểm dừng chân bán bánh pía, lạp xưởng, bánh kẹo Sóc Trăng đều được các CSLT nhiệt tình giới thiệu cho du khách đến tham quan mua sắm.

           Như vậy, bước đầu, các CSLT đã góp phần thiệu văn hóa địa phương đến với du khách, vừa là những sản phẩm tinh thần, vừa là những sản phẩm văn hóa ẩm thực, phong cách giao tiếp, tạo điều kiện cho du khách khám phá những nét văn hóa độc đáo của 3 dân tộc trong tỉnh.

          Tuy nhiên, giới thiệu văn hóa địa phương trong các cơ sở lưu trú du lịch tại Sóc Trăng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Còn khá nhiều CSLT chưa chú ý đến tầm quan trọng của việc giới thiệu văn hóa địa phương cho du khách, kiểu kiến trúc, hình thức trang trí chưa chú ý đến việc thể hiện bản sắc văn hóa địa phương, chưa trực tiếp giới thiệu với du khách những nét văn hóa độc đáo của 3 dân tộc, nhất là dân tộc Khmer  trong tỉnh. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, giới thiệu ẩm thực dân tộc, quảng bá, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận các lễ hội văn hóa dân tộc trong tỉnh vẫn chưa được nhiều. Hình thức du lịch homestay chưa phát triển trong tỉnh nên cũng hạn chế điều kiện cho du khách hòa nhập, khám phá những nét văn hóa dân tộc độc đáo của Sóc Trăng.

Ghe ngo thu nhỏ trưng bày tại các cơ sở lưu trú

          Với một mặt mạnh và hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, để tăng cường giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa tại Sóc Trăng, thiết nghĩ ngành chức năng của tỉnh cần có một số giải pháp để giúp cho các CSLT tham gia các hoạt động giới thiệu văn hóa địa phương đến du khách. Trong đó, có lưu ý các doanh nghiệp về quá trình thiết kế xây dựng, trang trí nội thất, giới thiệu  ẩm thực, các kế hoạch thời gian tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc, những sản phẩm  du lịch địa phương mang đậm màu sắc dân tộc v. v. . . . Cần đầu tư nghiên cứu, xây dựng những mô hình hoạt động văn hóa địa phương để phục vụ du khách như hướng dẫn du khách  học đánh dàn nhạc ngũ âm, các loại đàn, điệu múa dân tộc, hướng dẫn nấu các món ăn và làm một số bánh truyền thống, một số hoạt động nghề nghiệp thủ công khác.

          Ngoài ra, cần tạo điều kiện tổ chức cho các CSLT tham quan học tập các điển hình tốt về giới thiệu văn hóa địa phương ở các tỉnh trọng điểm du lịch có kinh nghiệm hay, để trao đổi, vận dụng phù hợp tại Sóc Trăng. Từ đó, sẽ góp phần tích cực vào việc tăng thêm sức hấp dẫn thu hút du khách khi đến Sóc Trăng./.

                                                                                      Công Lý

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu