VƯỜN CÒ SÁU XOM VÀ NHỮNG GIAI THOẠI VỀ MIẾU BÀ CHÚA XỨ

20/09/2019 2036 0

Kỳ 2: Dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

      Vườn cò Sáu Xom và miếu bà Chúa Xứ

     Theo ông Huy, miếu bà Chúa Xứ trong vườn nhà ông đã có từ trước khi ông nội ông sang mảnh đất này. Có lẽ nhờ sự linh ứng của bà mà trong suốt các năm chiến tranh ác liệt, địch bỏ bom khắp cả vùng nhưng miếu bà vẫn tuyệt nhiên không bị trúng quả bom nào. Thấy được sự linh ứng đó, sau khi hòa bình được tái lập, gia đình ông Sáu Xom đã bỏ công, bỏ của xây dựng lại ngôi miếu từ kiến trúc gỗ, tôl trở thành kiến trúc kiên cố như hiện nay. Với vị trí là một ngôi miếu tại gia, hai câu đối nơi miếu bà Chúa Xứ của gia đình ông Huy cũng thật phù hợp: “Chúa Xứ tọa gia nhân đa phúc/ Nương nương phù hộ vĩnh bình an”, nghĩa là có bà Chúa Xứ ở nhà người được nhiều phúc, bà phù hộ để mãi được bình an. Ý tứ và các chữ được chọn tuy chưa thật sự đối nhau và sâu sắc nhưng chúng tôi cũng khá thích thú vì câu đối rất hợp hoàn cảnh và thể hiện rõ được tín ngưỡng dân gian Nam bộ đối với bà Chúa Xứ.

     Từ tín ngưỡng riêng của gia đình, hiện nay, miếu bà được người dân trong vùng thường xuyên đến khấn vái, cầu nguyện cho được mùa màng bội thu. Đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản (tôm sú), người dân địa phương thường tìm đến bà như một chỗ dựa tâm linh mỗi khi vào vụ và đáp lễ những khi trúng mùa. Hàng năm, vào dịp lễ kỳ yên (cầu an) 12-3 âm lịch, người dân trong vùng lại tụ họp về miếu bà để cúng tạ lễ và xem múa bóng rỗi. Theo NSƯT, Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hải Phượng (Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh) múa bóng rỗi là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Bóng rỗi gồm có hát rỗi và múa bóng. Hát rỗi là hệ thống các bài bản thể hiện bằng ngôn ngữ thanh nhạc, với những lời ca tụng công đức, lời mời các vị thần về dự lễ, hoặc chuyển tải ước vọng đến thần linh. Múa bóng là hệ thống các động tác của ngôn ngữ hình thể được sử dụng khi dâng lễ vật lên thần linh. Ngoài ý nghĩa tạo ra không khí tôn kính, trang nghiêm, hát và múa bóng rỗi còn có chức năng làm buổi lễ thêm phần vui vẻ, đúng với tính chất lễ hội. Ông Đấu còn cho biết thêm hiện nay các bà bóng cũng tìm hiểu chủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nên những lúc đến múa bóng tại địa phương đều chúc tụng những lời lẽ rất hay, theo kịp với thời sự xã hội chứ không phải là những điều mê tín như nhiều người vẫn nghĩ về hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian này.

     Ông Huy có một người cháu là con của người chị thứ 3 của ông cầu nguyện bà được linh ứng nên anh này rất tín ngưỡng bà. Anh đã cúng tạ lễ và dâng cho bà các thứ áo mão, màn thêu…

Miếu bà Chúa Xứ trong vườn cò.​

      Những phần việc chuẩn bị cho Dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

     Ngoài phần đầu tư làm đường đal của cháu ông Huy, vườn cò Sáu Xom đã nhận được đầu tư của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ở các hạng mục: đắp đất bờ bao làm nền hạ trước khi xây dựng đường đal, hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 nhà vệ sinh và 1 nhà mát cho du khách dừng chân, 15 chiếc xe đạp cho du khách sử dụng tham quan vườn cò và hỗ trợ nâng cấp quán Hồng Điệp (đối diện vườn cò) nhằm làm chỗ dừng chân và gửi xe trong trường hợp khách đi bằng xe gắn máy. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu vào khoảng 95 triệu đồng.

     Ông Huy bộc bạch: “Ngày trước gia đình tôi cũng có bắt cò bán những lúc đàn quá đông, có thời điểm mỗi ngày bán được vài triệu đồng. Tuy nhiên khi chính quyền vận động xây dựng khu du lịch, gia đình chúng tôi rất đồng thuận và sẵn sàng tham gia vào các phần việc phục vụ cho dự án này. Tôi luôn mong muốn nhờ có khu du lịch này mà tạo ra được nhiều việc làm tại địa phương, quê hương ngày càng sung túc, phát triển. Sắp tới, gia đình tôi sẽ trồng thêm cây để tạo thêm môi trường sinh sống cho các loài chim”.

     Không chỉ gia đình ông Huy, có thể nói hiện nay cả chi bộ và nhân dân ấp Trung Hòa đều rất mong chờ vào Dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Bà Lê Hồng Điệp (chủ quán ăn Hồng Điệp chia sẻ: “20 năm nay, quán tôi chuyên buôn bán cò và các món ăn từ thịt cò. Được tuyên truyền xây dựng khu du lịch như vậy, gia đình tôi đã chuyển sang buôn bán các món khác. Nguồn thu nhập của gia đình giảm sút đi rất nhiều nên chúng tôi rất hy vọng dự án sớm được triển khai để mình cũng kinh doanh “ăn theo” hỗ trợ kinh tế gia đình”.

     Sắp tới, người cháu của ông Huy dự định sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng đài quan sát cao khoảng 20m ở thửa ruộng cạnh vườn cò (thuộc sở hữu của ông Huy) để phục vụ khách du lịch quan sát được thuận tiện và bao quát hơn. Huyện Mỹ Xuyên dự kiến sẽ đầu tư xây dựng đường dẫn vào từ Tỉnh lộ 940 đến vườn cò Sáu Xom với chiều dài khoảng 1,1km.

     Dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng không chỉ nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành mà còn nhận được sự đồng thuận rất lớn trong nhân dân. Cho đến thời điểm này, có thể nói các phần việc đã và đang có sự chung sức thiết thực giữa nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, để một khu du lịch có thể thu hút đông đảo du khách, chỉ cảnh quan và yếu tố tín ngưỡng tâm linh thôi chưa đủ. Các cấp, ngành cần chú ý đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch phụ trợ như: các trò chơi dân gian, sản phẩm quà lưu niệm, dịch vụ lưu trú… để có thể giữ chân và khiến du khách muốn quay lại địa điểm du lịch này những lần sau.

ANH THỤY

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu