Xây dựng không gian số 4.0 hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng dân tộc Khmer

12/09/2023 421 0

Sóc Trăng là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trong khu vực ĐBSCL với kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng hiện đã và đang được đồng bào Khmer lưu giữ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như: lễ hội, trang phục, ca múa nhạc, ẩm thực, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật và những công trình kiến trúc độc đáo,… Tuy nhiên, trước bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng cộng nghệ lần thứ tư, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, không gian số về các giá trị truyền thống, đặc trưng văn hóa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0 sẽ là yếu tố quan trọng nhằm gìn giữ các giá trị truyền thống, tuyên truyền và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại chùa Som Rong

          Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Dân tộc, công ty tư vấn, các cơ quan và đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng chi tiết nội dung Đề án “Xây dựng không gian số 4.0 cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng”. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức làm việc với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan trao đổi các nội dung trọng tâm để triển khai xây dựng Đề án.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan về xây dựng Đề án

Việc xây dựng Đề án nhằm triển khai xây dựng kho dữ liệu số trên cơ sở nghiên cứu, sưu tầm số hóa đặc trưng về đời sống, văn hóa, xã hội; tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp nhận, khai thác thông tin từ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phát triển trí tuệ, gìn giữ nền tảng gốc của bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện số hóa các sản phẩm văn hóa của đồng bào Khmer, điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để quảng bá và phát triển du lịch; xây dựng và kết nối với các sàn giao dịch điện tử về sản phẩm truyền thống, nông sản, sản phẩm thủ công, tiểu thủ công đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Từ đó, góp phần giáo dục cơ bản nâng tầm trí tuệ, tư duy cho mỗi thế hệ để thực hiện chiến lược lâu dài tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, làm chủ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong chính trị, văn hóa, văn học nghệ thuật.

Có thể nói, sau khi Đề án xây dựng và triển khai sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận về nhiều mặt như: Đề án sẽ xây dựng được một nền tảng tri thức về đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng để phổ biến tới mọi người dân qua phương tiện và hình thức truyền tải cả truyền thống và hiện đại; là Đề án đầu tiên ứng dụng Nền tảng tri thức số, không gian bảo tàng số vũ trụ ảo (metaverse) trong công cuộc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần tư, sẽ cung cấp cho người dân một phương thức hoàn toàn mới để tiếp cận, tìm hiểu về cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Đề án cũng có sự kết hợp của khoa học kỹ thuật (công nghệ tương tác, số hóa, ảo hóa 3D, công nghệ sách điện tử, công nghệ AI, công nghệ GIS...)  và nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật với mục đích hướng đến những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến và quảng bá giá trị truyền thống, đặc trưng văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và 54 dân tộc Việt Nam nói chung, đến mọi đối tượng nhân dân trong và ngoài nước.

Các sản phẩm thu được từ kết quả Đề án sẽ được sử dụng phổ biến trên các thiết bị máy tính (để bàn, cầm tay), các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử) của mọi người dân trong và ngoài nước; phục vụ công tác đối ngoại; trình chiếu tại các sự kiện văn hóa, xúc tiến quảng bá du lịch thông qua các Kiosk thông  tin điện tử; các sản phẩm, ấn phẩm số của đề án cũng được phát hành tới hơn các đơn vị thụ hưởng trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng, từ các cơ quan, ban ngành tới những thư viện và hệ thống nhà trường, các nhà văn hóa, nhà cộng đồng, vùng sâu vùng xa...

Đồng thời, đề án cũng mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, cụ thể: Các  tầng lớp  nhân  dân  sẽ được hiểu thêm, yêu hơn truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước cũng như hiểu thêm về đời sống, văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, thúc đẩy niềm tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và bảo vệ những giá trị văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia; truyền bá tri thức, góp phần nâng cao dân trí; cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là trong giới thanh thiếu niên ngày nay...

Sản phẩm của Đề án phục vụ mục đích chính trị, giới thiệu quảng bá giá trị truyền thống, đặc trưng văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tới mọi tầng lớp nhân dân, do vậy sẽ miễn phí sử dụng, tra cứu cho mục đích nghiên cứu, học tập, phi lợi nhuận. Đề án cũng sẽ góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu tới các độc giả quốc tế về nét đẹp, đặc trưng, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh Sóc Trăng.

Nguyễn Dũng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu